Phân tích

Cuộc đua hội nhập, ngành dệt may "đối phó" ra sao?

(DNVN) - Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, trong bối cảnh nước ta đã ký kết hàng loạt FTAs, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam – EU và TPP sẽ có hiệu lực, ngành dệt may đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Theo Hiệp hội dệt Việt Nam, khi dệt may Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đón nhiều cơ hội.

Cụ thể, thuế suất xuất khẩu hàng dệt may vào một số thị trường chính của Việt Nam (Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…) sẽ giảm dần về 0%.
Xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế từ các FTA, TPP khi đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ sợi (TPP) và từ vải (VEFTA).

Bên cạnh đó, Việt Nam lại đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” rất phù hợp với mở rộng phát triển dệt may, một ngành thâm dụng lao động, đến nay đã tạo việc làm cho gần 3 triệu lao động.

Dệt may Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc XK dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ...

Nêu ra một số cơ hội, nhưng Hiệp hội dệt may cũng cho rằng ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ trong tiến trình hội nhập.

Theo đó, dệt may Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc XK dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ…

Xuất phát điểm của dệt may VN thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Nguồn vải nhập khẩu (chiếm khoảng 80% tổng nhu cầu), tạo ra tình trạng “Nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, tỷ lệ nội địa hóa chỉ trên 50%. Tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương.

Đối với công đoạn may phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu (CMT) (65%), phương thức FOB I và FOB II khoảng 25%, ODM 9% và OBM chỉ 1%.        

Cũng theo Hiệp hội dệt may, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng thiết kế thời trang, phát triển sản phẩm và thương hiệu, kỹ năng giao dịch, tiếp thị, ngoại ngữ còn nhiều hạn chế cũng là thách thức không hề nhỏ đối với Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, các thị trường lớn đưa ra nhiều rào cản về kỹ thuật, vệ sinh, môi trường, các biện pháp phòng vệ thương mại; chi phí vốn cao, chi phí nhân công tăng do VN thường xuyên tăng lương tối thiểu, bảo hiểm, chi phí logistic cao và nhiều loại phí bất hợp lý, dễ vi phạm quy định giờ làm thêm. Hơn nữa, cạnh tranh giữa DN FDI và DN trong nước ngày càng gay gắt hơn.

Đối phó ra sao?

Căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2011–2015 và dự báo các cơ hội, thách thức do các FTA, TPP mang lại cùng xu hướng chuyển dịch nguồn cung cấp của dệt may thế giới, ngành dệt may Việt Nam cũng đã có định hướng, giải pháp phát triển ngành dệt may cho giai đoạn tới đến 2040.

Theo đó, về đầu tư, ngành dệt may sẽ chuyển dịch các dự án dệt nhuộm ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung có hệ thống xử lý nước thải, còn các dự án may về các vùng nông thôn, thị trấn nhằm tận dụng nguồn lao động tại chỗ.

Đồng thời tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, vải, in nhuộm hoàn tất nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và khả năng chủ động về nguyên liệu cho DN, chuyển dịch phương thức sản xuất từ gia công CMT sang FOB và ODM, từng bước hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng dệt may. Xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tại Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Tây Ninh…

 

Giải pháp về thị trường, ngành dệt may dự kiến sẽ xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để cung ứng kịp thời cho các DN trong ngành.

Xây dựng các trung tâm thiết kế thời trang nhằm định hướng xu hướng thời trang cho các nhà thiết kế cũng như cung cấp các dịch vụ cung cấp các mẫu thiết kế/bộ sưu tập cho các DN đẩy mạnh làm hàng FOB, ODM.

Tăng cường công tác phổ biến luật thương mại quốc tế, các quy định liên quan trong Hiệp định TPP, FTA  giúp các DN vượt qua các rào cản phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu. Các DN tổ chức và mở rộng mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu từng tầng lớp dân cư.   

Xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của DN, của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chọn một số doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu quốc gia quảng bá ra thế giới.

Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội dệt may cho biết sẽ củng cố hệ thống đào tạo chuyên ngành dệt may. Phát huy lợi thế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và một số trường Cao đẳng trong ngành.

 

Hiệp hội Dệt May Việt Nam làm đầu mối để phối hợp và liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước triển khai chương trình đạo tạo nguồn nhân lực cho ngành. Tiếp tục phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam thương lượng, bổ sung, sửa đổi Thỏa ước lao động tập thể ngành phù hợp với yếu cầu thực tế của ngành, đảm bảo ổn định lực lượng lao động.

Đồng thời, Hiệp hội dệt may cũng sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức ngân hàng, tín dụng trong và ngoài nước góp vốn tham gia đầu tư vào ngành dệt may. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán để tạo kênh huy động vốn.

Bên cạnh những giải pháp trên, Hiệp hội dệt may cũng đã kiến nghị Chính phủ, Nhà nước nhiều phương án để tận dựng cơ hội và vượt qua thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo