Góc nhìn

Cựu quan chức Bộ KHĐT "mách nước" thu hút vốn nước ngoài

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của vốn đầu tư nước ngoài, theo GS.TSKH Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ngoài nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, thì làm thế nào để biến công nghiệp, công nghệ nước ngoài thành công nghệ của Việt Nam là câu chuyện người Việt phải “làm bằng được”.

GS.TSKH Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư

PV: Thu hút vốn FDI năm nay đạt con số kỷ lục. Theo đánh giá của ông, số lượng nhiều như vậy nhưng chất lượng đi vào thực chất chưa?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Vốn đầu tư từ nước ngoài năm nay có thể lên 22 tỷ USD, vài hôm nữa dự án 27 tỷ USD được phê duyệt thì tổng vốn đăng ký lên 49 tỷ USD. Thực ra con số vốn đăng ký không có nhiều ý nghĩa mà chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến vốn thực hiện. Vốn đăng ký chỉ là xu hướng người ta còn quan tâm đầu tư vào Việt Nam thôi.

Vì vậy, đánh giá đầu tiên về đầu tư nước ngoài cần khách quan hơn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam  năm nay có chuyển biến về chất lượng. Ngoài Nokia, Samsung, còn có dự án lọc dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh. Chưa bao giờ tôi thấy đầu tư nước ngoài khởi sắc như vậy. Với Samsung, chúng ta phải đánh giá cho công bằng. Samsung chỉ sử dụng ở Bắc Ninh có 100ha, sau 4 năm được miễn thuế hoàn toàn thì năm nay họ bắt đầu nộp thuế 1.000 tỷ đồng, có nghĩa bình quân 10 tỷ/ha. Nông dân đóng thuế chỉ 50-60 triệu/ha, còn may mặc trong nước giỏi lắm 300-400 triệu/ha là nhiều…

Cái quan trọng là lần đầu tiên Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu điện thoại tầm cỡ thế giới. Năm ngoái Samsung sản xuất 240 triệu điện thoại di động toàn thế giới thì sản xuất ở Việt Nam ½, 120 triệu chiếc. Và họ dự định cuối 2014, 2015 sẽ sản xuất ở Việt Nam 230 triệu điện thoại di động. Việt Nam chưa có sản phẩm nào có vị thế như Samsung, phải nói lôi kéo Samsung vào đây là việc cực kỳ tốt, vấn đề còn lại là làm thế nào để tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp Việt Nam.

Làm thế nào có được các doanh nghiệp hỗ trợ? Chúng ta nói 10 năm nay nhưng chưa làm được gì đáng kể, kể cả hợp tác với Nhật, về 2 khu công nghiệp hỗ trợ ở TP Hải Phòng và TP Vũng Tàu đến giờ cũng chưa ra sao cả. Tại sao vậy? Vì chúng ta không có mô hình nào cả. Công nghiệp hỗ trợ không phải là công nghiệp cho tất cả mà là chuỗi giá trị sản phẩm gắn với sản phẩm chủ yếu. Ô tô khác, xe máy khác, điện thoại di động khác. Cho nên chúng tôi có đề xuất và Bắc Ninh đã đồng ý làm 1 mẫu từ Samsung để trở thành một công nghiệp hỗ trợ.

Samsung năm nay có thể xuất khẩu khoảng 18-20 tỷ USD. Chúng ta chỉ cần, ví dụ 20% là 4 tỷ USD, nếu chia 5triệu USD/doanh nghiệp thì 800 doanh nghiệp có thể làm, tất nhiên phải chọn, không phải làm tất cả những cái Samsung cần. Toàn cầu hóa hiện nay, sản phẩm Samsung là sản phẩm toàn cầu, chúng ta lựa chọn vài cái có thế mạnh về lao động, tay nghề, công nghệ để tổ chức hệ thống công nghiệp hỗ trợ.

Gần đây Samsung có đề án gắn kết với các doanh nghiệp Việt Nam rất tốt, cho thấy chủ trương của chúng ta rất phù hợp với ý nguyện của Samsung để có mặt lâu dài ở Việt Nam. Samsung đã đầu tư 4,5 tỷ USD rồi. Trung tâm R&D đã được cấp giấy phép ở Láng Hòa Lạc và có 2.000-3.000 kỹ sư phần mềm của chúng ta tham gia vào đó.

Chúng ta không chỉ làm công nghiệp hỗ trợ, phải làm thế nào để biến công nghiệp, công nghệ của Samsung dần dần thành công nghệ Việt Nam là câu chuyện người Việt Nam phải làm bằng được. Nếu không thì chỉ có vốn đầu tư, chỉ có thu mấy nghìn tỷ không thôi thì không được, phải thông qua doanh nghiệp hỗ trợ, thông qua học tập công nghệ để biến thành công nghệ Việt Nam là cái quan trọng nhất.

Việc thiếu hụt công nghiệp hỗ trợ cũng là một trong những rào cản thu hút FDI vào Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

PV: Thưa ông, trong 5-10 năm nữa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có phải là lực lượng dẫn dắt kinh tế Việt Nam?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Chắc chắn. Hai lực lượng dẫn dắt kinh tế Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các anh thử xem bao nhiêu DN Việt Nam đang đầu tư ra nước ngoài, trong đó có những đại gia của Nhà nước là Viettel, EVN, Petro Việt Nam, còn lại là tập đoàn của tư nhân. Rõ ràng đã đến lúc làm thế nào để có DN mạnh của tư nhân.

Israel có kinh nghiệm rất hay khi làm với Mỹ, đó là bằng các DN khởi nghiệp. Mỗi khi nghĩ ra ý tưởng gì, họ lập ra 1 DN khởi nghiệp với vốn ban đầu chỉ 300-400 nghìn USD, sau đó bán cho Mỹ với giá 4-5 triệu USD. Người Mỹ đánh giá rất cao sức sáng tạo của Israel cho nên sẵn sàng mua công nghệ của DN đó, trở thành vệ tinh của các DN Mỹ, Chúng ta cũng cần phải có chính sách như thế, phát động những doanh nhân trẻ.

Vấn đề là chất lượng đầu tư. Chính sách tốt nhất của đầu tư nước ngoài không chỉ là thu hút đầu tư mà chính sách liên kết giữa DN đầu tư và DN trong nước, làm cho DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả nhất, để Việt Nam có chỗ đứng trong các chuỗi từ chuỗi giá trị toàn cầu là cái quan trọng nhất. Chúng ta cần quan tâm đến tác động lan tỏa của đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm đến số vốn đầu tư.

PV: Theo ông, Việt Nam cần có chính sách gì tốt hơn để thu hút đầu tư?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Có 3 vấn đề. Đó là thực hiện bằng được Nghị quyết 103 của Chính phủ ngày 29/08/2013 về nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút vốn đầu tư. Chúng ta ra Nghị quyết, nhưng giải pháp thực hiện mới là quan trọng. Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện nay đang sửa 2 luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Cái thứ 2 là chúng ta phải chọn một số đối tác chính để tập trung nguồn lực đầu tư. Hiện nay Cục đầu tư nước ngoài dự trù lựa chọn 4 đối tác chính: Châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc; Châu Âu (EU): có thể là Đức, Anh, Pháp, xa hơn là Mỹ. Phải tập trung vào những CNC lớn của họ, vào những ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ, dịch vụ cấp cao: giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, để lôi kéo nhiều tập đoàn vào thay đổi chất lượng về đầu tư nước ngoài.

Giải pháp thứ 3, là cải thiện môi trường đầu tư. Có một tin rất buồn là theo công bố của tổ chức tín nhiệm là Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế, Việt Nam xếp ở vị trí 160/169 quốc gia về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của thế giới chúng ta có 21 cải cách trong 5 năm vừa qua, nhưng tiến bộ không bao nhiêu. Đánh giá năm 2013, trong khi Campuchia tăng 23 bậc, Philippines và Malaysia tăng 19 bậc thì môi trường đầu tư của Việt Nam không có nhiều cải thiện. Tôi cũng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn để cải thiện cơ bản môi trường đầu tư, và đó là con người thôi. Nếu như các cán bộ công chức không thấy được họ cần làm cho đất nước 90%, còn lại 10% là lo cho cá nhân họ mà ngược lại họ chỉ làm 10% cho đất nước thôi thì không thể có môi trường đầu tư tốt được.

Trân trọng cảm ơn ông!

T.N (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo