Đại biểu QH yêu cầu quyết liệt trong kỷ luật tài chính
Theo báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ Tài chính, năm 2013, thu ngân sách đạt 828.348 tỷ đồng tăng 12.348 tỷ đồng so với dự toán, trong khi chi ngân sách là 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3% so với dự toán. Như vậy bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 khoảng 6,6% GDP.
Cho rằng, kỷ cương ngân sách vấn còn nhiều vấn đề, Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) dẫn chứng, năm 2013, Quốc hội thông qua dự toán thu 816.000 tỷ đồng; chi 978.000 tỷ đồng; bội chi 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP.
“Dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn. Vậy dự toán thế nào đây? Phải chăng có tình trạng khi dự toán thì thấp để được cấp ngân sách?”, ông Lịch đặt ra câu hỏi.
Để xảy ra tình trạng chi vượt dự toán là do kỷ cương tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc. "Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách có đề cập đến địa phương thực hiện không nghiêm, nhưng chưa thấy đề nghị xử lý hay khiển trách.
Quyết toán bội chi là 236.769 tỷ đồng (vượt 41.269 tỷ đồng so với mức đã điều chỉnh). Số vượt này có hai nguyên nhân. Một đó chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 13.000 tỷ đồng của năm 2011 và tăng chỉ giải ngân vốn ODA 29.422 tỷ đồng.
Việc bội chi NSNN năm 2013 tăng lên quá cao từ 4,8% GDP được điều chỉnh tăng lên 5,3% và đến cuối năm là 6,6% GD, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên cho rằng, đây là điều rất đáng băn khoăn. Bởi bội chi tăng cao sẽ khiến nợ công tăng cao, đi kèm với đó là gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí trong vận hành bộ máy và tạo ra thói quen lãng phí trong sử dụng NSNN.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lại kiến nghị đã đến lúc phải áp dụng chính sách quyết liệt để chấm dứt bội chi. Dự toán đã công bố rồi thì tăng một xu cũng không được. Chỉ trường hợp thật sự đặc biệt mới được tăng như chiến tranh hay bão lũ. Đau cũng phải làm mới cắt được bội chi. Ngay cả những khoản không chi được cũng cần phải xem xét và đánh giá nguyên nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số bội chi là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng là 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Thứ hai là tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA 29.422 tỷ đồng.
Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận tăng bội chi ngoài yếu tố khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan do tính toán dự toán chưa sát thực tế. Để khắc phục, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 02 năm 2015 quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý chặt chẽ hơn vốn ODA.
“Chính phủ đã trình và Quốc hội cũng đã nhất trí lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ đối ứng cho nguồn vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án cũng tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng nên giải ngân ODA cao hơn dự toán. Năm 2013 là 29.422 tỷ đồng", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Mặc dù vậy, theo ý kiến của đa số các đại biểu, nếu không làm được, rõ ràng tình trạng chi tiêu ngân sách không có kỷ cương sẽ lại tái diễn. Và đã đến lúc cần áp dụng một chính sách mạnh, quyết liệt để chấm dứt tình trạng chi tiêu ngân sách không có kỷ luật như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đối với kỷ luật tài chính được các Đại biểu đề cập nhiều, trong Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và ngay cả trong Hiến pháp cũng đã có quy định tất cả khoản thu chi đều phải có dự toán. Do đó, theo ông Phùng Quốc Hiển, tinh thần của năm 2014, quyết toán NSNN sẽ được xem xét chặt chẽ hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo