Đại gia hay không, người Việt vẫn có thói quen "đốt tiền
Người Việt xài hàng hiệu top đầu, kinh tế top cuối
Kinh tế khó khăn, đời sống chật vật, nhưng dường như thói "tiêu hoang, xài sang" đã ngấm vào máu của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.
Cuối tháng 8.2014, khi iPhone 6 còn chưa xuất hiện ở Việt Nam, một hệ thống bán lẻ các thiết bị điện tử lớn tại Việt Nam đã chính thức mở chương trình đặt hàng trước iPhone 6. Được biết, mức giá mà hệ thống này đưa ra để “giữ chỗ” iPhone 6 là 18 triệu đồng/chiếc. Tính tới thời điểm đầu tháng 9.2014, hệ thống này đã ghi nhận 11.550 lượt đăng ký đặt mua iPhone 6 của khách hàng.
Trong thế giới xe hơi, những chiếc Rolls-Royce được xem là biểu tượng của sự giàu sang và quyền lực. Thương hiệu xe sang của Anh này được xem là đỉnh cao của cá nhân hóa khi mỗi chiếc xe ra đời đều có đăc điểm khác nhau. Theo thống kê sơ bộ, hiện Việt Nam có đến hơn 100 chiếc Rolls-Royce. Trong số đó có nhiều chiếc vào dạng “độc” và “khủng” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2013, nhóm hàng hạn chế nhập khẩu vẫn tăng, ước đạt 2,9 tỷ USD. Trong nhóm hàng trên, hàng điện thoại di động vẫn thuộc nhóm tăng mạnh nhất, lên đến con số 36,2%, cùng với đó là mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 10%. Nhiều người nhận định rằng, trong thời gian tới xu hướng này còn tăng cao và đồng nghĩa với một lượng ngoại tệ lớn còn bị chảy máu.
Hiện trạng này càng báo động hơn khi trong cuộc thăm dò của hãng Nielsen, có tới 56% người Việt Nam đồng ý khi được hỏi về sở thích dùng hàng hiệu. Con số này đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cuộc thăm dò của hãng Nielsen thực hiện với sự tham gia của 29.000 người tại 58 quốc gia khác nhau. Sự có mặt tốp đầu của Việt Nam về việc thích dùng hàng hiệu khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Thông số trên là tin buồn đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng lại là tin vui đối với những tập đoàn kinh tế lớn. Chính vì thế, trong vài năm nay, các thương hiệu hàng xa xỉ nổi tiếng trên thế giới đã tham gia vào cuộc đua nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện ngày càng nhiều và rầm rộ của những thương hiệu đắt tiền, cùng với những chiêu thức quảng cáo, chăm sóc khách hàng "hút hồn" khiến hiệu ứng hàng hiệu trong tâm lý của người tiêu dùng Việt càng trỗi dậy.
Người Việt chi 22.000 tỷ đồng mỗi năm mua thuốc lá
Theo một thống kê mới đây, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Việt Nam hiện có 16 triệu người hút thuốc lá, ước tính chi phí mua thuốc lá của người Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng mỗi năm.
Số tiền người Việt bỏ ra để điều trị 5 bệnh phổ biến liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi; ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ) cũng lên đến 23.000 tỷ đồng mỗi năm, theo nghiên cứu của tổ chức Health Bridge của Canada và ĐH Y tế công cộng Hà Nội thực hiện vào năm 2010-2011. Con số này bằng 1,17% tổng GDP của cả nước vào năm 2010. Gánh nặng kinh tế do thuốc lá bao gồm chi phí y tế trực tiếp cho khám và chữa các bệnh liên quan và chi phí gián tiếp do mất khả năng lao động do bệnh tật và tử vong sớm vì bệnh liên quan đến thuốc lá.
Người Việt tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á
Với 3 tỉ lít bia trong năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia, nhưng cũng trong năm 2013 theo Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của người Việt Nam thuộc mức thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 so với Singapore.
Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Euromonitor, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương giá trị 3 tỉ USD, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi 10 năm trước, Việt Nam chỉ tiêu thụ 1,29 tỉ lít bia. Như vậy, chỉ sau một thập niên, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng gần 200%. Theo dự báo của Bộ Công thương đưa ra đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia, lượng tiêu thụ trung bình mỗi người dân cũng tăng từ mức 32 lít/năm hiện tại lên 47 lít/năm. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60 đến 70 lít bia/người/năm.
Theo Euromonitor, Việt Nam hiện thuộc nhóm 25 quốc gia có tốc độ gia tăng nhu cầu tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Ấn Độ đang tăng với tốc độ 17%/năm, Brazil tăng 16%/năm thì Việt Nam cũng đang ở tốc độ không kém cạnh là 15%/năm. Chính sự tăng trưởng “đáng nể” này đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tham gia vào thị trường bia, bất chấp kinh tế suy thoái. Ước tính ở Việt Nam hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước với hơn 400 nhà máy sản xuất bia. Riêng về nhập khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, chúng ta đang nhập khẩu từ 3,6 - 4 triệu lít/năm.
Hiện nay, hầu hết người Việt tìm cách thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm, nhưng có một xu hướng đang đi trái ngược hoàn toàn với tình trạng này đó chính là sự tăng trưởng chóng mặt của các mặt hàng xa xỉ.
Thực trạng trên đang biến một Việt Nam trở thành "mảnh đất màu mỡ" của nhiều thương hiệu cao cấp trên thế giới. Đồng nghĩa với thực trạng này là hệ luỵ xấu đối với nền kinh tế và những dấu hiệu bất cập về mặt xã hội.
Ăn uống, dùng đồ lãng phí
Việc một bộ phận người Việt ăn uống lãng phí không chỉ là đề tài gây nóng trong nước mà còn lên cả báo Tây. Chắc hẳn nhiều người vẫn không quên cảnh sau Tết nguyên đán vừa qua, tại một số đô thị lớn, rất nhiều đồ ăn thức uống còn tươi ngon đã bị người dân vứt vào sọt rác. Rồi hình ảnh người Việt đi ăn nhà hàng thì gọi đủ món nhưng lại để thừa mứa, ăn không hết thì đổ đi chứ không gói gém mang về. Trong khi nhiều nước giàu có hơn, người dân chỉ gọi đủ ăn, ăn vét sạch đĩa, thừa gói mang về....
Thói tiêu xài hoang phí của người Việt còn thể hiện ở việc mua đồ đạc không đúng với nhu cầu sử dụng. Điện thoại chỉ cần để nghe gọi nhưng cứ phải mua loại cảm ứng đắt tiền. Có máy tính bàn, máy tính xách tay vẫn mua thêm máy tính bảng. Có iphone vẫn cứ sắm thêm ipad...
End of content
Không có tin nào tiếp theo