Đại học Việt - Đức: Khai giảng năm học 2015-2016
Tham dự Lễ Khai giảng có GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên bộ chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQ); GS - TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương; Ông Hans-Jorg Brunner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức cùng nhiều đại diện đến từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các trường đại học, các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, người đã dành rất nhiều tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước, người sáng lập trường Đại học Việt - Đức cho biết: Tôi rất vui mừng nhận thấy thời gian qua Trường tiếp tục phát triển toàn diện, bước đầu hình thành nền tảng cơ bản của một trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Nhà trường hiện đã xây dựng thành công 17 phòng thí nghiệm hiện đại cho 11 chương trình đào tạo như, phòng thí nghiệm robot, phòng thí nghiệm tự động hóa, phòng thí nghiệm mô phỏng tốc độ tính toán cao cho ngành Tính toán kỹ thuật và Mô phỏng trên máy tính, phòng thí nghiệm máy gia công và chế tạo khuôn mẫu, phòng thí nghiệm Công nghệ lắp ráp, phòng thí nghiệm nghiên cứu quản lý giao thông của Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, phòng thí nghiệm thời gian thực.
Tuy mới, thành lập được hơn 7 năm nhưng nhiều công trình nghiên cứu của giảng viên Trường Đại học Việt - Đức đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Trường đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị quốc tế uy tín trong lĩnh vực sản xuất bền vững, giao thông đô thị, phát triển đô thị bền vững và quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là mô hình trường đại học hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở nước ta, được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức quyết định xây dựng với mục tiêu: Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của nước ta, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo mô hình trường đại học mới có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực, làm bài học kinh nghiệm cho đổi mới hệ thống giáo dục đại học nước nhà. GS-TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Trong phần phát biểu của mình, G.S- T.S Juergen Mallon, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Đức chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng và phát triển trường như một trường đại học mô hình mới tập trung vào nghiên cứu, và các kết quả đạt được cho thấy dự án này là khả thi. Trường đang tiến hành các nghiên cứu cơ bản và đồng thời ứng dụng nghiên cứu trong hợp tác với các doanh nghiệp để đóng góp cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của Việt Nam và để hỗ trợ Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020”.
G.S- T.S Juergen Mallon cũng bày tỏ sự cảm kích đặc biệt đối với tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển Trường đại học Việt - Đức của GS - TS Nguyễn Thiện Nhân: “Giáo sư đã có tầm nhìn xa và đã sáng lập dự án này để phát triển các trường đại học mô hình mới ở Việt Nam với vai trò thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đổi mới cơ bản và toàn diện”.
Trong những năm lại đây, sinh viên của Trường đại học Việt - Đức liên tục gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ, nhất là các giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khoa học- vốn là thế mạnh đã được khẳng định.
Vừa qua, trong cuộc thi cuộc thi lập trình robot đá bóng SoccerBot lần thứ 2 năm 2015, đội của Trường đại học Việt - Đức đã đoạt Giải Nhất sau khi xuất sắc vượt qua các đội đến từ Trường đại học Bách Khoa, ĐH Công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Công nghệ Thông tin. “Guardband” - vòng tay chống ngược đãi – sản phẩm sáng tạo khoa học có sinh viên của Trường đại học Việt - Đức tham gia cũng được chọn vào vòng chung kết của cuộc thi có quy mô toàn cầu do Unicef tổ chức. Trước đó, sinh viên của Trường đã nhiều lần đăng quang trong các cuộc thi sáng tạo khoa học có quy mô quốc gia và quốc tế.
Nhân dịp này GS-TS Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian thăm cơ sở vật chất của Trường đại học Việt-Đức, các phòng thí nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên.
Đến nay Trường Đại học Việt - Đức đã triển khai tổng cộng 11 chương trình đào tạo, trong đó có 7 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ và 4 chương trình đào tạo trình độ cử nhân thuộc 5 khối ngành, trong đó có những ngành chuyên sâu về kỹ thuật - công nghệ và các ngành kinh tế và quản trị mũi nhọn của Đức. Hiện nay, trường có 1200 sinh viên đang theo học.
End of content
Không có tin nào tiếp theo