Góc nhìn

Dân có lợi, sao cấm?

Hôm qua trời Hà Nội mưa rét, chị hàng xóm lăm lăm chiếc điện thoại hồ hởi khoe: “Vừa tranh thủ đưa đón con đi học bằng taxi kiểu mới, giá rẻ bất ngờ !”.

 

Hóa ra cái dịch vụ taxi tương tự đang bị xử phạt mạnh tay ở TPHCM đã âm thầm lan ra cả Hà Nội. Bỗng dưng có dịch vụ mới vừa tiện lợi, hiện đại lại vừa rẻ hơn hẳn với taxi truyền thống, người dân muốn đi thử xem sao cũng là điều dễ hiểu. Song điều đáng nói ở đây là, những dịch vụ kiểu này đang bị cấm và bị xử phạt ở Việt Nam vì theo giải thích của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường : “hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô”.

Đúng là mấy công ty đưa ra loại hình dịch vụ mới này đang ở tận đâu đâu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ cũng không hề đăng ký kinh doanh, không nộp thuế, không chịu sự quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh chở khách. Do vậy, dù có rẻ có tiện nhưng xảy ra chuyện thì ai chịu trách nhiệm ? Quyền lợi hành khách có được đảm bảo ? Do vậy cần phải cấm, chưa kể sức ép từ hàng trăm hãng taxi truyền thống đang có nguy cơ bị cạnh tranh thị phần. Không quản được thì cấm - Đó là tư duy của không ít các cơ quan quản lý nhà nước lâu nay.
 
Đáng mừng, với chỉ đạo hôm qua của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được báo GTVT trích dẫn, lại cho thấy một tư duy hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn với ý kiến trước đó của vị Thứ trưởng bộ này.  Bộ trưởng Thăng nói : “Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi nhờ sử dụng dịch vụ này. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm. Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hóa. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân”.
 
Chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng thực ra rất phù hợp với tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, được nhiều vị ĐBQH và giới doanh nhân đánh giá cao. Đó là phương pháp tiếp cận “chọn bỏ” thay cho “chọn cho”, điều gì cấm hoặc hạn chế thì ghi vào trong luật. Còn lại thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh những gì luật pháp không cấm. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân và doanh nghiệp.
 
Sinh thời, trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các công bộc của dân rằng “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Ngẫm ra, cán bộ ngày nay cứ theo lời Bác dạy mà làm trong mọi chuyện, chắc chắn sẽ được dư luận và người dân đồng tình, ủng hộ.
 
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo