Phân tích

Đằng sau việc Fed nâng lãi suất

(DNVN) - Ngày 14/12, tại phiên họp cuối cùng trong năm 2016 tổ chức trong hai ngày 13-14/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 0,75%.
Nguyên nhân cơ bản của động thái này được Fed lập luận là kinh tế Mỹ liên tục tăng, và đây là lần tăng lãi suất thứ hai kể từ năm 2008, khi Fed bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ đặc biệt và hạ lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử nhằm ổn định tình hình kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong thông báo quyết định tăng lãi suất, Fed không đề cập nhiều đến khả năng Tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ làm thay đổi triển vọng kinh tế Mỹ. Fed kỳ vọng, kinh tế sẽ tăng chậm và sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất, mặc dù phần lớn quan chức Fed kỳ vọng sẽ tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017 nếu kinh tế tiếp tục tiến triển tốt.

Quyết định tăng lãi suất lần này thu được sự nhất trí của tất cả 10 thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), đây là lần đầu tiên Fed đạt được sự thống nhất cao trong những tháng vừa qua. FOMC nhận định, nền kinh tế Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ và Fed phải duy trì lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua việc khuyến khích khách hàng vay vốn, mặc dù một số nhà đầu tư có thể liều lĩnh chấp nhận rủi ro.

Ảnh minh họa.

Các quan chức Fed nhận định, triển vọng kinh tế Mỹ không có nhiều thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, và GDP hàng năm của Mỹ sẽ tăng khoảng 2% trong vài năm tới. Fed kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm nhẹ, sau khi giảm xuống 4,6% trong tháng 11 vừa qua. Trong khi đó, lạm phát dữ kiến sẽ chạm ngưỡng 2%, một con số được coi là phù hợp với nền kinh tế Mỹ hiện nay và Fed sẽ có biện pháp thích hợp để duy trì mục tiêu lạm phát 2% này. Tuy nhiên, thị trường lao động và lạm phát đều cải thiện chậm hơn so với mong đợi của Fed.

Các quan chức FOMC dự báo, Fed sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lãi suất thận trọng, và lãi suất có thể chạm mức 2,1% vào cuối năm 2018, cao hơn dự báo đưa ra tại cuộc họp vào tháng 9 vừa qua là đạt 1,9%, nhưng thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 3,3% khi đưa ra lộ trình tăng lãi suất vào cuối năm trước.

Các quan chức Fed, thị trường và các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định là, cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã gây phức tạp cho Fed khi đưa ra dự báo kinh tế, do Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Nhà Trắng và cả hai nghị viện trong năm tới đây, dẫn đến những thay đổi đáng kể về chính sách tài khóa sau thời gian kiểm soát chặt chẽ. Điều này bắt nguồn từ cam kết của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, là ông có ý định theo đuổi chính sách tài khóa nới lỏng thông qua biện pháp giảm thuế và mở rộng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng.

Mặc dù không vội tăng lãi suất, nhưng nếu Đảng Cộng hòa thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Fed sẽ rút ngắn lộ trình tăng lãi suất. Càng nới lỏng các biện pháp tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lãi suất sẽ tăng nhanh hơn.

Theo lập luận của một số chuyên gia kinh tế, Fed có thể chờ lạm phát chạm ngưỡng mục tiêu 2% rồi mới quyết định tăng lãi suất, khi nhiều người còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trong các nhóm các dân tộc thiểu số còn ở mức khá cao. Lập luận này trái với quan điểm của một số quan chức Fed khi cho rằng, cần nhanh chóng tăng lãi suất vì đã hết kiên nhẫn và việc duy trì lãi suất thấp quá lâu có thể sẽ làm tăng rủi ro, nhất là xu hướng đầu cơ trên thị trường nhà đất.

 

Tại báo cáo hội nghị sau khi các quan chức FOMC nhất trí tăng lãi suất, Chủ tịch Fed - Janet Yellen cho rằng, kết quả bầu cử tổng thống với phần thắng thuộc về ứng viên Đảng Cộng hòa - Donald Trump đã đẩy Fed vào thế bất ổn, làm thay đổi lập trường của một số nhà tạo lập chính sách.

Theo lịch trình, ông Trump sẽ nhậm chức tổng thống vào giữa tháng 01/2017, và một số thành viên của Fed bắt đầu thay đổi quan điểm về chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp, nhưng nâng triển vọng lãi suất dự kiến Fed sẽ tiến hành ba đợt tăng lãi suất trong năm 2017 thay vì lộ trình hai lần được đưa ra vào tháng 9 vừa qua.

Tại cuộc họp này, các quan chức Fed đã thảo luận về lộ trình tăng lãi suất từng bước và duy trì chính sách nới lỏng để cải thiện thị trường lao động. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2017 sẽ giảm xuống 4,5% và ổn ở mức này trong những năm sau đó; GDP năm 2017 sẽ tăng 2,1%, cao hơn dự báo cách đây ba tháng là tăng 2,0%

Các nhà tạo lập chính sách của Fed nhận định, chính sách của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng chính sách cụ thể của chính phủ mới vẫn chưa rõ ràng. Nhìn chung, Fed không thể sớm tăng lãi suất.

Triển vọng kinh tế còn bị ám ảnh về sự cân bằng giữa một bên là những yếu tố cản trở với một bên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây là nhận định đã được Fed đưa ra tại cuộc họp vào đầu tháng 11 vừa qua.

 

Sau quyết định của Fed, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua và thị trường chứng khoán ghi nhận mức giảm sâu nhất trong hai tháng qua, USD tăng giá so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới, đẩy giá dầu giảm trở lại, trong khi vàng lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Trên thị trường chứng khoán Phố Walls, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa với mức giảm 118,68 điểm (tương đương 0,6%) xuống 19.792,53 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 18,44 điểm (tương đương 0,81%) xuống 2.253,28 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 27,16 điểm (tương đương 0,5%) xuống 5.436,67 điểm.

Chỉ số USD trong rổ 6 đồng tiền chủ chốt tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm qua do kỳ vọng về lạm phát và lãi suất sẽ tăng cao. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12/2016, một euro đổi được 1,0536 USD, một bảng Anh đổi được 1,2563 USD. Đáng chú ý, USD tăng khá cao so với yên Nhật với một USD đổi được 117,48 yên.

Sau khi tăng lên 53,41 USD/thùng trong phiên giao dịch trước đó (ngày 13/12), giá dầu WTI giao sau của Mỹ giảm xuống 51,04 USD/thùng, mức giảm sâu nhất kể từ giữa tháng 7 vừa qua do lo ngại lượng dầu lưu kho của Mỹ sẽ tăng mạnh. Tương tự, giá dầu thô Brent giảm 53 xuống 54,90 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm, lãi suất trái phiếu giảm sâu khi các nhà đầu tư tìm cách chuyển tài sản sang USD. Tại châu Âu, thị trường chứng khoán mở cửa với mức giảm gần 0,3%. Tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc giảm nhẹ, trong khi những thị trường còn lại tại châu Á tăng khoảng 0,1%, phản ánh xu hướng chuyển dịch của các nhà đầu tư sang thị trường khu vực này do triển vọng kinh tế lạc quan trong dài hạn.

 

Nên đọc

Xuân Thanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo