Góc nhìn

Đào của trong nhà đi bán, Việt Nam trở thành cửu vạn

Nền kinh tế của VN sau mấy chục năm phát triển vẫn là đào của trong nhà đem đi bán và mang sức đi làm cửu vạn.

Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nêu quan điểm trước thực trạng Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo, khoáng sản tự nhiên sang Trung Quốc giá rẻ sau đó nhập các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc thiết bị với giá cao.

Đào của trong nhà đi bán
 
PV: - Thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo của VN xuất sang TQ với giá rẻ, đặc biệt lúa gạo của Việt Nam vẫn chịu thua để thương lái Trung Quốc ép giá, mặc dù trên thực tế, Trung Quốc đang phụ thuộc vào lúa gạo VN vì TQ đang thiếu một lượng lớn lúa gạo. Đứng ở góc độ kinh tế, đây có coi là một nghịch lý không thưa ông? Phải hiểu nghịch lý này như thế nào?
 
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Nói là một nghịch lý cũng đúng vì lẽ ra TQ là người cần hàng của VN nhưng VN lại bán rẻ nhưng thực tế, về mặt kỹ thuật nguyên nhân còn do VN không tận dụng được lợi thế để có thể bán hàng hóa với giá cao.
 
Nông dân còn làm ăn manh mún, phân tán, quy mô nhỏ dẫn đến chất lượng hàng hóa không đồng đều, chỉ vài ruộng lúa đã có 5-7 loại. Khi bán hàng, phía đối tác đòi hỏi lô hàng lớn, thống nhất về mặt chất lượng nếu không làm được, các thương lái sang và thực hiện luôn khâu chế biến, nghiễm nhiên VN chỉ trồng còn các khâu phân loại, chế biến lại do thương lái làm.
 
Trước đây đã từng có thảo luận, bản thân nông dân làm ăn manh mún, mỗi người 1 kiểu giống, 1 kiểu canh tác chất lượng không đồng đều, đương nhiên sẽ bị thương lái ép giá.
 
Chế độ sử dụng đất nông nghiệp cũng tồn tại bất cập, trước đây 5 năm 1 lần chia lại tức là chế độ sở hữu đất không ổn định, phải bao giờ người ta được quyền sở hữu, không dùng được bán, khi bán sẽ mất thì những người có khả năng canh tác sẽ mua lại những vùng đất.
 
Làm như vậy sẽ chủ động sản xuất một giống lúa, kiểm soát chất lượng, quy mô lớn để có nền nông nghiệp với trạng thái phát triển. Song cũng không thể nào không manh mún do chế độ sở hữu đất liên tục thay đổi và càng ngày càng chia nhỏ.
 
Thậm chí trong quá trình thu mua còn tồn tại tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, cố ý bán rẻ giành giật thị trường của mình nên người mua là Trung Quốc càng có lợi thế hơn.
 
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ các nguồn khác giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan
 
Ngoài ra, TQ đang cần lương thực họ chưa cần đến mức quá gắt gao. TQ là thị trường lớn, VN là nước sản xuất nông nghiệp nên càng cạnh tranh nhau để có thị phần. Nếu chúng ta trồng lúa chất lượng tốt và có nghiên cứu thị trường đầy đủ thì mặc cả sẽ có giá tốt.
 
Xúc tiến thương mại là khâu kĩ thuật, do vấn đề thám thính, tìm hiểu điều tra thị trường, hiểu các phân khúc của thị trường, đưa ra chiến thuật bán của mình. Trong khi chiến thuật về giá cả, mặc cả…. của VN chưa giỏi, đã không giỏi thì không nói chuyện bán được giá ở nước ngoài.
 
PV: - Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Các tài nguyên khoáng sản như than, bauxite, titan… đều xuất khẩu với mức giá rất thấp, chưa kể lại xin đủ thứ ưu đãi về thuế, phí.
 
Các chuyên gia đã chỉ thẳng thực trạng xuất khẩu nông sản giá rẻ dẫn đến thu mua của người dân giá rẻ, nông dân phải bỏ ruộng. Trong trường hợp của khoáng sản kể trên, phải phân tích như thế nào? Chính sách đào tài nguyên bán giá rẻ đó sẽ gây thiệt hại cho ai, và vì sao nó tồn tại được lâu đến tận hôm nay, khi mà theo nhiều dự báo, Việt Nam đã sắp hết một số loại khoáng sản?
 
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Khoáng sản cũng khá giống trường hợp nông nghiệp vì thực ra nó cùng thuộc lĩnh vực nguyên khai, lấy tài nguyên đi bán. VN ở cạnh TQ – thị trường lớn về khoáng sản nhưng công nghệ về chế biến khoáng sản tại VN không được khuyến khích phát triển còn TQ nhu cầu lớn. Trong khoáng sản khi bán với khách hàng lớn, có ưu thế về độc quyền mua thì nghiễm nhiên ưu thế mặc cả khó.
 
Khi họ độc quyền mua thì nếu VN có ý đồ muốn chế biến khoáng sản trong nước họ có thể đưa ra giá cạnh tranh để làm sao xuất khẩu sẽ lợi hơn là sản xuất trong nước.
 
Lúa gạo của Việt Nam vẫn chịu thua để thương lái Trung Quốc ép giá, mặc dù trên thực tế, Trung Quốc đang phụ thuộc vào lúa gạo VN vì TQ đang thiếu một lượng lớn lúa gạo
 
Vấn đề này còn liên quan đến chính sách vĩ mô tổng quát, làm sao để các doanh nghiệp thấy nếu đầu tư vào lĩnh vực này, một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất lớn phải được ổn định các chính sách, không thay đổi thường xuyên.
 
Chính sách tỷ giá cũng vậy, làm thế nào để bán ra họ có lãi, còn với chính sách như hiện nay họ thấy mức lãi không lớn thì tốt nhất là khai thác, khai thác được bao nhiên bán bấy nhiêu còn sau đó mọi chuyện xảy ra không cần biết. Còn nếu xây dựng doanh nghiệp lớn để chế biến khi chính sách thay đổi hoặc có trục trặc, tất cả cơ ngơi lại nằm đó và thua lỗ.
 
Đồng thời cũng phải có chính sách khuyến khích về thuế, khuyến khích bao nhiêu, kéo dài trong bao lâu. Nhìn lại chi phí trong nước, tất cả đều cao kể cả lãi vay ngân hàng cũng cao, các doanh nghiệp trong nước không thể đứng ra để làm được, cách tốt nhất là xúc trong nhà lên bán, tiền về rồi lại xúc lên bán tiếp.
 
Nền kinh tế của VN sau mấy chục năm phát triển vẫn là đào của trong nhà đem đi bán và mang sức đi làm cửu vạn, vốn liếng ít, kỹ nghệ của lực lượng lao động không cao, công nghệ về máy móc không nhiều.
 
Tất cả những thứ này thể hiện sự phát triển không bền vững, không có sự thặng dư nhà máy hàng nghìn công nhân nhưng cuối cùng cũng chỉ là gia công, một năm để ra vài trăm triệu, không giải quyết được gì.
 
Cho đến hiện nay VN đúng là thất bại, công nghiệp chế biến hàng nông sản yếu, chế biến khoáng sản cũng rất yếu, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cũng không có. Đây là điều rất nguy hiểm.
 
Tình trạng diễn ra lâu do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân tổng quát là do chính sách tỷ giá có chính sách bất lợi khi năm 1994 TQ phá giá đến 40%, hàng hóa của họ khá giống VN trong khi tỷ giá của VN cứ leo vào đồng đô la, đồng tiền của VN mất giá rất lớn không thay đổi có nghĩa với chính sách này, làm không có lãi, các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy nhập khẩu rẻ hơn làm ở VN thì sẽ không thể nào có được phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
 
Họ mang theo các sản phẩm từ nước họ, làm được bao nhiêu lại bán ra nước ngoài. Ssau bao nhiêu năm VN không có công nghệ, chính chuyện này tạo hàng rào ngăn cách sản xuất trong nước và bên ngoài do không tiếp cận được công nghệ và thị trường.
 
Phát triển kinh tế trong nước
 
PV: - Thị trường của chính sách mua rẻ, bán rẻ, xuất khẩu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến với giá cao của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Đây là sự phụ thuộc hay lệ thuộc, thưa ông? Tư duy “bán rẻ, bán nhiều” đang chi phối nền kinh tế Việt Nam trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu lại là Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro nào?
 
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Theo tôi không có rủi ro do VN lệ thuộc nguyên liệu, nếu thiếu nguyên liệu đó nền sản xuất sẽ gặp rắc rối nhưng chỉ là phần nào vì nếu không mua TQ với giá như vậy, VN có thể chấp nhận mua với giá cao hơn.
 
Quan trọng là VN không có trong tay công nghệ nên buộc phải mua các sản phẩm đã qua chế biến công nghệ với giá cao hơn. Nói là cao hơn nhưng so với những gì mà VN có thể phải nhập từ các nước khác vẫn là rẻ. Trong kinh doanh khó tránh được việc này xảy ra.
 
Diễn biến biển Đông rủi ro lan sang vấn đề kinh tế trên đất liền là ít do trong mối quan hệ buôn bán với TQ, VN là nước thiệt hơn nhiều. TQ đang kiếm lợi nên họ sẽ không vất đi. TQ xuất khẩu sang đây những sản phẩm hoa quả nhiều hóa chất, máy móc cũ kỹ, công nghệ lạc hậu… đây là điều hại rồi nên không cần ngắt.
 
Nếu căng thẳng dẫn đến ngừng hẳn có thể thời gian đầu sẽ có ảnh hưởng đối với VN nhưng thị trường đã có sự liên thông, khi TQ đi sẽ có nước khác đến chào hàng ngay, vấn đề có thể là giá cao hơn 1 chút.
 
Về lâu dài lại trở thành bước ngoặt để VN đi tìm thị trường khác nên TQ sẽ không gây thêm phức tạp vì nếu làm thế sẽ mất đi chỗ đổ rác vì TQ đnag thừa nhiều máy móc công nghệ như sản xuất xi măng, sắt thép… do họ muốn chuyển sang nền công nghiệp công nghệ, muốn thải, chỉ VN là dễ nhận nhất.
 
PV: - Trong bối cảnh dư luận đang đặt ra vấn đề thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế Trung Quốc. Việc loại bỏ tư duy “bán rẻ, bán nhiều” cho Trung Quốc có tác động như thế nào trong mục tiêu trên? Và để làm được như vậy, giải pháp cụ thể phải đặt ra là gì?
 
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Theo tôi, kinh tế không thể chỉ nói bằng lý trí điều này do kinh tế quy định, buộc phải làm vậy vì lợi ích kinh tế. Còn muốn thoát phải có sự phát triển, cởi mở của nền kinh tế trong nước để làm sao làm chi phí trong nước thấp, môi trường kinh doanh thuận lợi, quản lý không nhũng nhiễu, chính sách ổn định lâu dài không thể thay đổi liên tục, các vấn đề khác như giáo dục, tiền lương tối thiểu…
 
Phải tính trên tổng thể, tư duy cơ bản là phát triển nền sản xuất nước nhà, có vị trí trong cuộc chơi mới có thể thoát khỏi cái này cái kia còn nếu không sẽ thoát khỏi các này nhưng lại lệ thuộc vào cái khác.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo