Bất động sản

Đất sẽ phải sử dụng hiệu quả hơn

Bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Minh Quang đã có những trao đổi khá chi tiết về Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề hiện đang rất được doanh nghiệp và người dân quan tâm.

- Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều người cho rằng thời hạn 50 năm chưa làm nông dân yên tâm. Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến này thế nào?

Hiện nay, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được giao 20 năm; còn đất trồng cây lâu năm được giao 50 năm. Việc phân định như vậy là dựa theo chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu cho thấy, giao 20 năm cho cây hàng năm là ngắn, nếu thu hồi theo như kế hoạch 2013 sẽ phức tạp, nên lần này đã được nâng lên 50 năm.

- Hiện vẫn còn hai loại ý kiến là nên giao đất vĩnh viễn hoặc có thời hạn, quan điểm của ông như thế nào ?

Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý, nếu không quy định thời hạn thì vai trò quản lý của nhà nước thế nào? Nếu giao không có thời hạn, thì người dân sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, nếu giao có thời hạn thì người dân cũng có thể yên tâm vì với diện tích đất nông nghiệp được giao đó không có vấn đề gì thì vẫn giao cho người đó tiếp tục sử dụng.

 

 

Ảnh minh họa.

- Hiện nay, kể cả đất ở đã được giao vinh viễn, khi nhà nước cần vẫn có thể thu hồi, thể hiện sự quản lý của mình. Vậy, vì sao đất nông nghiệp lại không được ứng xử như vậy?

Đất ở về cơ bản là tương đối ổn định. Còn đất nông nghiệp lại có sự biến động lớn. Vì thế, với đất nông nghiệp cũng đã quy định giao lâu dài.

- Việc hạn mức giao và hạn mức chuyển nhượng mang ý nghĩa gì với quản lý nhà nước, thưa ông ?

Hạn mức được giao là quy định để giao, tùy vào từng khu vực sẽ có diện tích giao khác nhau nhưng phải có khung quy định chung để quản lý. Còn hạn mức chuyển nhượng liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất. Việc tích tụ là để góp phần hình thành sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, về mặt xã hội, nếu để một bộ phận tích tụ diện tích lớn sẽ làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân. Diện tích sử dụng như vậy tôi cho là hợp lý. Còn để điều chỉnh diện tích đất, có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết.

- Dự thảo đặt ra hạn mức sử dụng và chuyển nhượng nhưng khó có hiệu quả với hiện tượng đứng tên hộ ?

Đúng như vậy, người ta có thể nhờ vả anh em họ hàng, hàng xóm. Điều này đã xảy ra ở đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, mục đích chính là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nên sẽ thực hiện quản lý trong sử dụng đất. Còn quy định hạn mức sử dụng vẫn cần thiết để đảm bảo mặt xã hội trong quản lý đất đai.

- Trong dự thảo Luật có đưa ra 4 phương pháp xác định giá đất và giao cho Chính phủ quy định. Vậy cách thức sẽ được quy định như thế nào, thưa ông ?

Cách thức cụ thể sẽ được bàn bạc. Trong dự thảo, nhà nước vẫn sẽ ban hành khung giá. Nhưng khác với trước đây, khung giá chỉ quy định cho các vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Còn dự thảo mới sẽ quy định dày hơn, chi tiết hơn như quy định ban hành khung giá cho khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Như vậy sẽ đảm bảo độ chính xác hơn.

Một vấn đề nữa là khung giá vẫn tồn tại trong một thời gian nhất định. Trên cơ sở khung giá đó, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá. Tất nhiên, bảng giá này cũng có sự thay đổi. Hiện có ý kiến cho rằng, bảng giá sẽ tình nhiều nội dung, bao gồm các loại phí và lệ phí. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bảng giá này chỉ tính một số nội dung; nội dung khác sẽ quy định riêng khi bồi thường.

Việc sát giá thị trường ở đây có nghĩa là tham khảo giá. Tuy nhiên, đi vào cụ thể vấn đề này sẽ phải làm kỹ hơn như lập các cơ quan chuyên về định giá. Việc này sẽ được quy định trong các Nghị định, không thể quy định hết trong luật. Vấn đề giá là vấn đề mọi người đang hết sức quan tâm và hướng tới chúng ta sẽ xử lý được những vấn đề đó.

- Một trong những vấn đề mấu chốt để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là người dân phải có chỗ ở tốt hơn. Nhưng việc thực hiện thời gian qua còn nhiều bất cập. Trong dự thảo, vấn đề này được giải quyết thế nào ?

Giá đất hiện nay là do đầu cơ mang lại, không phải là giá thực.


Đó là mong muốn của chúng ta, thể hiện trách nhiệm với người dân. Trách nhiệm này được đặt ra với những người thực thi công vụ và những người thực hiện chính sách.

Giá đất hiện nay là do đầu cơ mang lại, không phải là giá thực. Thế nào là sát giá thị trường cũng phải xem xét lại. Việc xây dựng giá đất gần với giá thị trường ở đây chỉ có ý nghĩa là tham khảo mà thôi.

- Hiện nay, các dự án sử dụng vốn của nước ngoài, yêu cầu về đền bù, giải phóng đất rất cao. Vì sao chúng ta không áp dụng ?


Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Làm gì cũng cần nghĩ đến lợi ích của người dân; nếu người dân được thì nhà nước cũng được.

- Theo đánh giá của ông, dự thảo có giải quyết được những vấn đề bức xúc về đất đai hiện nay ?

Dự thảo lần này đặt ra các mục tiêu sau. Thứ nhất là đất phải được sử dụng hiệu quả hơn, việc để trống 20.000 ha sẽ bàn bạc để xử lý. Thứ hai là công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ có lợi hơn, người dân có lợi hơn, hài hòa lợi ích giữa người có đất, Nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba là giảm khiếu kiện và tham nhũng. Tất nhiên, sẽ còn nhiều việc phải bàn, không thể giải quyết hết ngay được.

- Xin cảm ơn ông!

 

Hoàng Anh (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo