Góc nhìn

Đặt tên mà cũng cấm!

Cấm dùng tên danh nhân để đặt tên doanh nghiệp (DN) là quy định trong một thông tư mới ban hành của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Điều cấm này chỉ là sự nhắc lại nội dung trong một nghị định của Chính phủ về đăng ký DN ban hành năm 2010.
DN thường là một pháp nhân, có tư cách chủ thể, cũng như cá nhân, nghĩa là phải có tên. Khác với cá nhân, DN lập ra để tham gia vào đời sống kinh tế. Bởi vậy, DN không chỉ dùng tên như công cụ để xưng hô trong giao tiếp chính thức mà tên DN còn có thể trở thành tài sản trí tuệ, được bảo hộ chống sự chiếm đoạt nhằm cạnh tranh hoặc thu lợi bất chính.
 
Luật Sở hữu trí tuệ có những quy định chặt chẽ về việc bảo vệ sự toàn vẹn của nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý - vốn là những danh xưng gắn với DN; đặc biệt là với sản phẩm, dịch vụ do DN làm ra. Một khi nhãn hiệu, tên thương mại đã được thừa nhận thuộc về một DN thì DN khác không được sử dụng nếu không được phép.
 
Nếu đi ra khỏi phạm vi Luật Sở hữu trí tuệ và đứng ở góc độ quan hệ dân sự thuần túy thì tên DN - được hiểu là tên để giao dịch - và tên của cá nhân có chung một tác dụng xã hội, đó là công cụ nhận dạng, phân biệt chủ thể này với chủ thể khác.
 
Cho đến nay, việc đặt tên cho cá nhân, nói chung là cho chủ thể, chủ yếu dựa vào phong tục, tập quán, theo những lề thói đã quen và được xã hội chấp nhận. Trên nguyên tắc, việc đặt tên được hoàn toàn tự do. Chính nhờ có được sự tự do mà con người ta, trong điều kiện tỉnh táo và theo đuổi suy nghĩ lành mạnh, có xu hướng chọn những từ ngữ được cho là hay nhất, đẹp nhất, có ý nghĩa tích cực nhất để đặt tên cho đứa con do mình tạo ra với mong muốn đứa con sẽ có được một tương lai tốt đẹp. Trong không ít trường hợp, cha mẹ chọn tên danh nhân, tên đất nước, tên miền... để đặt cho con. Ấp ủ những kỳ vọng chính đáng, việc đặt một tên nào đó cho con người cũng được coi là chính đáng.
 
Không thể phủ nhận rằng suy cho cùng, đặt tên người là việc tế nhị, nhạy cảm, hàm chứa những nguy cơ, thách thức đối với trật tự, đạo đức xã hội. Chẳng hạn, người ta có thể đặt tên cho một con người bằng những từ ngữ thô tục hoặc những từ xấu, kỳ dị do mê tín hay bị ám ảnh bởi một kỷ niệm buồn đau... Xã hội tự đặt vấn đề cần hay không kiểm soát những hành vi đó và cũng tự giải quyết bằng cách thiết lập những giới hạn mang tính quy ước mà người ta mặc nhiên tuân thủ một cách phổ biến. Thế nên, nhà chức trách hầu như không can thiệp, thậm chí không bận tâm đến những vấn đề liên quan đến cách đặt tên cho cá nhân.
 
Việc đặt tên DN và đặt tên cá nhân được hiểu là hành vi góp phần tạo một yếu tố trong lai lịch dân sự của chủ thể, phải chịu sự chi phối của cùng một chế độ pháp lý. Bởi vậy, hầu như không tìm được cách lý giải thỏa đáng cho những giới hạn đặt ra trong thông tư nói trên đối với việc đặt tên DN.
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo