Đâu là mục đích thật của cuộc chiến giá dầu?
Cuộc chiến giá dầu lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21 đã kết thúc với thắng lợi thuộc về OPEC, sau khi tổ chức này thành công trong việc buộc kẻ thách thức ngang bướng là các hãng dầu đá phiến Mỹ phải đầu hàng.
Việc tổng thư ký OPEC El Badri đã tuyên bố giá dầu sẽ phục hồi được coi là dấu hiệu chấm dứt cuộc chiến. Mỹ đã thất bại trong việc thách thức OPEC và thế giới lại một lần nữa chứng kiến tổ chức đầy quyền lực này bước lên ngôi bá chủ. Nhưng, liệu đó có phải là mục đích thực sự của OPEC trong cuộc chiến giá dầu vừa qua?
Hầu hết các nhà phân tích trên thế giới trong giai đoạn vừa qua khi cuộc chiến giá dầu diễn ra chỉ cho rằng OPEC, với người thủ lĩnh Arab Saudi, chỉ đang muốn cạnh tranh về thị phần trên thị trường dầu.
Theo đó việc Mỹ gia tăng sản lượng khai thác với việc khoan các mỏ dầu đá phiến đang đe dọa hớt tay trên một lượng lớn khách hàng của OPEC. Khi lượng dầu thừa trên thế giới đã lên tới 2 triệu thùng mỗi ngày thì chắc chắn phần dư thừa phải thuộc về một phía và thế giới đều chỉ nghĩ rằng OPEC muốn đẩy Mỹ hứng phần thiệt thòi đó.
Nhưng thực tế thì sao? Cần một cái nhìn bao quát và toàn diện hơn mới có thể nhìn ra mục đích thực của OPEC và Arab Saudi lần này không chỉ ngừng lại ở việc cạnh tranh thị phần, mà còn xa hơn thế. OPEC đang muốn cấu trúc lại thị trường năng lượng thế giới trong tương lai theo ý của mình hơn là chỉ muốn nắm giữ vị trí số một trên thị trường dầu.
Trên thực tế thị trường năng lượng thế giới đang bắt đầu xuất hiện những xu hướng mới đòi hỏi một sự tái cấu trúc trong tương lai, và OPEC đang muốn giành quyền thiết kế tương lai ấy, theo cách của mình.
Trên thực tế, vị trí và tầm quan trọng của dầu mỏ với sự phát triển của thế giới ngày càng giảm sút. Thống kê cho thấy, dầu lửa chiếm 46% năng lượng của cả thế giới trong năm 1973, nhưng đến năm 2012 nó chỉ còn 31%.
Việc xuất hiện các ngành năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng sạch như gió hay mặt trời đang khiến vị thế của dầu mỏ giảm đáng kể và được dự đoán sẽ còn giảm nữa trong tương lai, khi mà công nghệ ngày càng phát triển và các nguồn năng lượng sạch thì ngày càng rẻ hơn.
Đó là chưa kể tới việc ý thức của con người về bảo vệ môi trường cũng đang khiến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu hay than đá cũng ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
OPEC, hơn ai hết hiểu rõ tầm quan trọng sống còn của xu hướng này, khi hầu như tất cả các quốc gia thành viên đều dựa quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Cũng chính vì vậy, OPEC quan tâm đến việc tái cấu trúc thị trường năng lượng hơn ai hết. Câu châm ngôn được ưa thích nhất của OPEC, do một bộ trưởng dầu mỏ của Arab Saudi tuyên bố cách đây hơn 30 năm, là “thời kỳ đồ đá đã không chấm dứt vì thiếu đá”, hàm ý thực của câu châm ngôn này là dù thế giới có bước sang thời kỳ năng lượng sạch đi nữa thì thế giới vẫn cần dầu.
Đó là một thực tế. Dầu vẫn là một trong những nhiên liệu rẻ nhất và tiện sử dụng nhất, phần lớn các thiết bị máy móc trên thế giới vẫn sử dụng dầu và không dễ để thay đổi nó trong ngày một ngày hai.
Vậy, cấu trúc nào cho tương lai thị trường năng lượng mà OPEC muốn hướng tới? Đó là kiểm soát tối đa thị phần dầu mà thế giới vẫn cần đến, đồng thời đi đầu trong việc phát triển các phương án tăng vai trò của dầu lửa.
Theo ước tính của EIA, nhu cầu của thế giới đối với dầu vào năm 2040 sẽ đạt xấp xỉ 120 triệu thùng/ngày, so với mức 90 triệu thùng/ngày vào năm 2013, trong đó phần còn lại sẽ do các nguồn năng lượng khác đảm nhiệm.
OPEC chắc chắn sẽ muốn nắm giữ thị phần cung cấp cao nhất cho mức nhu cầu dầu lửa đó, bằng cách không để giá dầu lên quá cao như giai đoạn vừa qua nhằm ức chế khả năng hồi phục của các hãng dầu đá phiến Mỹ.
OPEC cũng đang hướng tới việc đi đầu trong việc phát triển các công nghệ mới, Arab Saudi đang triển khai các dự án phát triển công nghệ Carbon Chụp, có tác dụng giữ lại nhiệt năng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, làm tăng hiệu quả của việc sử dụng dầu lửa. Cùng với đó là các dự án phát triển năng lượng sạch. Arab Saudi tuyên bố sẽ chi tổng cộng 109 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để nghiên cứu các công nghệ tái tạo năng lượng và công nghệ sạch.
Cái đích mà Arab Saudi và OPEC nhắm tới trong tương lai xa là thay vì xuất khẩu dầu, họ sẽ xuất khẩu các công nghệ và máy móc dùng để tạo ra các nguồn nguyên liệu sạch. Nói cách khác, cái đích mà OPEC nhắm tới là vị thế bá chủ trên thị trường năng lượng, cho dù là giai đoạn nào và loại năng lượng mà thế giới dùng có là gì đi chăng nữa.
Theo Một thế giới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo