Góc nhìn

Đầu tư sân bay: Không đơn giản chỉ phục vụ… bay

Việc các doanh nghiệp đồng loạt xin mua lại hạ tầng nhà ga hay bỏ tiền đầu tư xây dựng sân bay tại Việt Nam đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Không chỉ các hãng hàng không mới nhảy vào lĩnh vực này mà ngay cả các doanh nghiệp chưa từng dính líu đến ngành bay cũng hăng hái tham gia. Liệu đây có phải là trào lưu mới và mục đích của họ là gì?

Chưa bao giờ vấn đề sở hữu hạ tầng sân bay, nhà ga hàng không tại Việt Nam lại được nhắc đến nhiều như lúc này

 

Có lẽ từ trước tới nay chưa bao giờ vấn đề sở hữu hạ tầng sân bay, nhà ga hàng không tại Việt Nam lại được nhắc đến nhiều như lúc này. Đầu tiên là việc Vietnam Airlines và Vietjet Air cùng xin mua lại hạ tầng nhà ga T1 Nội Bài, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific xin mua lại hạ tầng nhà ga cũ sân bay Đà Nẵng. Tiếp đến là Vingroup hay Tập đoàn T&T xin mua lại hạ tầng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, rồi đến Tập đoàn Rạng Đông đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết. Và cuối cùng là Tập đoàn SunGroup đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). 

 

Từ xây dựng thương hiệu…

 

Ở nước ngoài, việc các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư hoặc mua lại quyền khai thác hạ tầng nhà ga, sân bay là điều khá phổ biến, tuy nhiên tại Việt Nam, việc này từ trước tới nay lại chưa có tiền lệ. Chỉ tới khi Chính phủ có chủ trương xã hội hóa việc đầu tư và khai thác hạ tầng sân bay và những thông tin chính thức về việc xin mua nhà ga T1 Nội Bài xuất hiện thì mới có nhiều đại gia chính thức nhảy vào lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam này.

 

Có lẽ việc 3 hãng hàng không trong nước xin mua lại hạ tầng sân bay Nội Bài hay Đà Nẵng là điều tuy mới, nhưng hoàn toàn dễ hiểu, bởi trong chiến lược phát triển của mình, mỗi hãng lại đặt ra cho mình những đích nhắm khác nhau, do vậy việc sở hữu hạ tầng sân bay là điều đương nhiên các hãng này phải làm.

 

Mới đây, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines tuyên bố: “Chúng tôi sẽ triển khai đổi mới nhằm hướng tới mục tiêu đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đẳng cấp 4 sao vào năm 2015”.

 

Để đạt được điều ông Minh nói, ngoài việc đầu tư đội tàu bay hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp thì điều mà Vietnam Airlines bắt buộc phải làm đó là nâng cấp chất lượng dịch vụ mặt đất. Với phân khúc khách hàng hạng trung trở lên thì việc dùng chung hạ tầng với các hãng hàng không khác sẽ khiến Hãng hãng không Quốc gia Việt Nam khó mà nâng cấp chất lượng dịch vụ một cách tương xứng. Do vậy, giải pháp sở hữu hạ tầng nhà ga để nâng cấp và đồng bộ hóa chất lượng dịch vụ nhằm hướng tới hãng hàng không đẳng cấp khu vực là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

 

Với Vietjet Air, đã gần 2 năm nay họ không còn muốn dùng từ “giá rẻ” đi cùng tên gọi của mình. Theo CEO của hãng này là ông Lưu Đức Khánh cho biết thì Vietjet Air đang hướng tới một hãng hàng không thế hệ mới chi phí thấp, tức là dù mua vé với giá rẻ nhưng khách hàng của hãng này vẫn được sử dụng một số dịch vụ cơ bản của các hãng hàng không truyền thống như: nhà ga làm thủ tục chuẩn, ống lồng ra máy bay…

 

Để đạt được điều này, không có cách nào khác Vietjet vẫn phải có khu dịch vụ bay riêng để làm sao vừa duy trì được dịch vụ tốt nhưng lại tiết kiệm được chi phí để hạ giá vé một cách tối đa, tránh việc phải dùng chung dịch vụ 4 sao giá cao của Vietnam Airlines hay dịch vụ tối thiểu của Jetstar Pacific.

 

Còn đối với Jetstar Pacific thì mục tiêu xuyên suốt của họ từ khi thành lập đến nay vẫn là một hãng hàng không giá rẻ, tức là tiết kiệm mọi chi phí có thể để hành khách có được một tấm vé rẻ nhất. Trên thế giới, mô hình hàng không giá rẻ và truyền thống khác nhau ở dịch vụ tại các sân bay. Các nhà ga dành riêng cho hàng không giá rẻ đơn giản, ít dịch vụ thêm, hành khách lên và xuống máy bay bằng xe bus hoặc đi bộ.

 

Việc Jetstar xin mua lại hạ tầng nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng vốn để không khai thác từ lâu sẽ giúp hãng này tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà vẫn phù hợp với tiêu chí của một hãng hàng không giá rẻ.

 

Như vậy việc mua lại hạ tầng sân bay của các hãng hàng không của Việt Nam đơn thuần chỉ là phục vụ cho ngành nghề mà họ đang làm, tức là để xây dựng nên một quy trình dịch vụ tương xứng với tiêu chí phục vụ mà họ đề ra. Hay nói cụ thể là để phục vụ cho việc tạo dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh riêng biệt chứ không nhằm mục đích khai thác kinh tế hay gia tăng lợi nhuận.

 

... Đến tối đa hóa lợi nhuận

 

Theo phân tích của một số chuyên gia thì việc xin nhượng quyền khai thác hạ tầng sân bay khá dễ bởi tất cả đã có sẵn, người mua chỉ việc bỏ tiền ra để cải tạo, nâng cấp và khai thác. Tuy nhiên việc bỏ tiền ra đầu tư xây mới sân bay thì lại hoàn toàn khác do nguồn vốn đầu tư  lớn, thời gian thu hồi lâu, việc quản lý phức tạp nên chỉ có những đại gia có thực lực, đích nhắm và tầm nhìn dài hạn mới dám làm.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Khi các đại gia bỏ một số tiền lớn để đầu tư xây dựng sân bay thì đích nhắm của họ không đơn thuần chỉ là khai thác lợi thế từ việc thu phí hay cho thuê lại hạ tầng để tìm kiếm lợi nhuận. Cái mà họ hướng tới xa hơn nữa chính là phục vụ cho các hoạt động kinh doanh lâu dài của họ tại nơi mà họ đang đầu tư xây dựng sân bay nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

 

Lấy ví dụ như tập đoàn Rạng Đông, doanh nghiệp đang bỏ ra số tiền hơn 1.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết. Hiện Rạng Đông đang là nhà đầu tư tư nhân lớn nhất đầu tư vào Phan Thiết, chủ yếu là khu du lịch Mũi Né. Tập đoàn này đã và đang triển khai hàng loạt dự án lớn tại Mũi Né như: Các khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp, Sân gôn 18 lỗ Sea Links, Khách sạn 5 sao, Khu căn hộ cao cấp Ocean Vista, Khu biệt thự Royal Hill, bệnh viện quy mô 500 giường và các khu vui chơi giải trí… với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

 

Do đây đều là những dự án cao cấp, đối tượng khách hàng là người nước ngoài, Việt kiều hay người Việt Nam lắm tiền nhiều của nên họ rất khó chấp nhận việc phải trung chuyển bằng ô tô hơn nửa ngày từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) hay sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) để đến Mũi Né.

 

Nếu sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào khai thác thì Rạng Đông không những kiếm được lợi nhuận từ việc khai thác hạ tầng nhà ga, mà ngay chính những sản phẩm du lịch, bất động sản của họ cũng sẽ đắt khách và tăng giá vùn vụt. Đây có lẽ mới là đích nhắm dài hạn của ban lãnh đạo Tập đoàn Rạng Đông.

 

Với SunGroup, nhà đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi đã thành công vang dội tại Đà Nẵng với hàng loạt dự án lớn mang tầm cỡ khu vực để đem đến cho Đà Nẵng một diện mạo mới, một thương hiệu du lịch đẳng cấp thế giới thì giờ đây điểm đến mới của họ chính là Quảng Ninh.

 

Hiện SunGroup đã và đang triển khai 3 dự án cực lớn tại Quảng Ninh với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đầu tiên phải kể đến đó là Dự án công viên Đại dương Hạ Long có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng với hệ thống cáp treo xuyên Vịnh, đây được xem là dự án khu vui chơi giải trí lớn mang tầm cỡ khu vực và lớn nhất Hạ Long từ trước tới nay.

 

Tiếp đến, Sun Group cũng đã được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận nghiên cứu và triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng Khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, tại thành phố Cẩm Phả với tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra Sun Group cũng đang có các bước triển khai đầu tư dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái tại đảo Minh Châu- Quan Lạn. Các dự án này đều được Sungroup phấn đấu hoàn thành vào khoảng năm 2019, đúng thời điểm sân bay Vân Đồn hoàn thành và đưa vào khai thác.

 

Cùng với đó, việc Vân Đồn được Chính phủ quy hoạch là đặc khu kinh tế đang khiến nơi đây đón một làn sóng đầu tư vô cùng lớn, hầu hết các đại gia “máu mặt” đều đã xuất hiện tại Quảng Ninh với những dự án khủng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong tương lại gần, khi đặc khu kinh tế Vân Đồn hình thành, sân bay được đưa vào khai thác, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của rất nhiều khách du lịch và các nhà đầu tư Quốc tế. Khi đó du lịch và bất động sản Quảng Ninh sẽ cất cánh.

 

Như vậy, cùng một mục đích sở hữu hạ tầng sân bay nhưng đích nhắm mỗi người mỗi khác. Với các đại gia thì họ luôn thấy trước được các lợi ích tiềm tàng và lâu dài trong từng dự án mà họ đổ tiền đầu tư. Có lẽ chính sự khác biệt đó đã biến họ từ một người thường trở thành những đại gia.

Theo diễn đàn doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo