Góc nhìn

Để người dân hiểu được luật

Dự thảo Bộ luật Dân sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23-9-2014 (dự thảo) có rất nhiều thay đổi về mặt thuật ngữ pháp lý. Đáng kể nhất là việc thay thế “giao dịch dân sự” bằng “hành vi pháp lý” và “nghĩa vụ” bằng “trái quyền”. Khái niệm “vật quyền” cũng được đưa vào dự thảo như một chế định pháp lý mới.

Những sự thay đổi này được cho là sẽ đem lại tính khái quát cao hơn và bảo vệ tốt hơn quyền của các bên liên quan trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, dường như đây chỉ là sự thay đổi “cái vỏ” và đang gây hoang mang không chỉ cho người dân mà cả những người đang hoạt động pháp luật.

Dư luận ngơ ngác


Trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo ngày 25-11-2014 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội không nhất trí với việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý mới nêu trên với lý do đây là các thuật ngữ chỉ mang tính chất hàn lâm trong khi các thuật ngữ đang được sử dụng không gây vướng mắc, cản trở gì trong thực tế và đặc biệt dễ hiểu hơn đối với người dân. Thực ra, việc đưa các thuật ngữ này vào trong dự thảo đã được Bộ Tư pháp - với tư cách là đơn vị chủ trì việc soạn thảo - chuẩn bị từ trước và đã có không ít hội thảo và công trình được công bố liên quan đến việc sử dụng ba thuật ngữ này.

Tuy vậy, đối với đa số người đang hành nghề luật thì chúng khá lạ lẫm và khó hiểu. Thế mới có chuyện tại một hội thảo lớn mới được tổ chức để lấy ý kiến về dự thảo, một vị giáo sư đầu ngành về pháp luật dân sự nói châm biếm rằng một trong những lợi ích của việc đưa các thuật ngữ mới vào là sẽ có nhiều buổi tập huấn được tổ chức để giúp hiểu chúng.

Thử cắt nghĩa nội hàm các khái niệm


“Vật quyền” và “trái quyền” đã từng tồn tại trong pháp luật Việt Nam trước năm 1975. Hiện nay, thuật ngữ “vật quyền” vẫn tồn tại trong pháp luật một số nước châu Âu như tại Pháp. Vật quyền được hiểu là quyền đối với vật. Tuy nhiên, do vật chỉ là một trong số các loại tài sản được pháp luật công nhận nên khái niệm này không bao hàm được hết quyền đối với các loại tài sản khác.

Cũng tại Pháp, chính vì lý do này mà khái niệm “vật quyền” đang bị chỉ trích, nhất là trong lĩnh vực tài trợ ngân hàng.

 Tại Anh, một thuật ngữ hiện đại hơn được sử dụng là quyền đối với tài sản (proprietary right). Cũng cần lưu ý cả pháp luật Pháp và Anh đều sử dụng khái niệm nghĩa vụ (obligation) như Bộ luật Dân sự hiện hành của Việt Nam chứ không có thuật ngữ nào giống như “trái quyền” như đề xuất của dự thảo. Điều này cũng giải thích tại sao dù người viết dự thảo đã thay thế khái niệm “nghĩa vụ” bằng “trái quyền” song vẫn lúng túng trong việc sử dụng thuật ngữ mới nên thuật ngữ “nghĩa vụ” vẫn được sử dụng trong dự thảo như một từ đồng nghĩa của “trái quyền” tại rất nhiều điều luật.

Thuật ngữ “hành vi pháp lý” cũng không có điều gì mới mẻ. Bởi đây chỉ là cách dịch sang tiếng Việt thuật ngữ “acte juridique” theo quy định của pháp luật Pháp, vốn được hiểu là tương đương với thuật ngữ giao dịch (transaction) được sử dụng trong pháp luật của các nước thông luật như Anh hay Mỹ. Cần lưu ý là thuật ngữ “giao dịch” là cách tiếp cận cụ thể, dễ hiểu, thực dụng và phản ánh chính xác hơn nội hàm của khái niệm pháp lý.

Trong xu thế đổi mới pháp luật, một trong những tiêu chí đặt ra là làm cho các quy định pháp luật rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng một số thuật ngữ của dự thảo như phân tích ở trên cho thấy người viết dự thảo dường như chưa thực sự để tâm đến điều này và đây thực sự là một điều đáng tiếc.

 

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo