Đề xuất đánh thuế tiết kiệm: Ích kỷ, mù quáng và thiếu hiểu biết!
(dantri) Sau khi một trong những kiến nghị được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoRea) đưa ra, cho rằng cần đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, ngay gấp tức đã vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc kiêm Kinh tế trưởng Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, đây là một đề xuất ích kỷ và thiếu hiểu biết, khi người đề xuất muốn dòng tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng để chảy vào bất động sản.
Ông nói, với kiến nghị này, phía đề xuất đã "chỉ biết lo cho bản thân mình" mà không tính đến các tác động đến nền kinh tế. Theo đó, nếu việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm xảy ra, điều này sẽ làm giảm nguồn tiền gửi, giảm động cơ tích lũy của xã hội giữa bối cảnh lãi suất mới chỉ bù được phần lạm phát đang rất cao.
Không có hiểu biết về bản chất tiền gửi tiết kiệm
Lãnh đạo VEPR cũng cho rằng, "Nếu họ cho rằng tiền tiết kiệm là tiền nhàn rỗi thì họ chẳng hiểu gì về nền tài chính ngân hàng cả. Bởi, bản chất của tiết kiệm là những người có tiền song không có thời gian để đầu tư, kinh doanh. Trong khi đó, những người không có tiền nhưng có thời gian và khả năng kinh doanh, họ mới nhờ đến ngân hàng để vay vốn". Bên cạnh đó, với nguồn lực từ tiền gửi, ngân hàng cũng có thể sử dụng đầu tư ra xã hội.
Do vậy, nếu bắt buộc dòng vốn đó rút khỏi hệ thống ngân hàng và trôi nổi thì không đúng với mục đích kinh tế, vốn không đến được với người cần.
Vị chuyên gia hiện đang là thành viên cố vấn kinh tế trẻ nhất của Thủ tướng nhận định, đề xuất này "thể hiện một sự mù quáng của một nhóm lợi ích trong xã hội mà thôi, nên khó có khả năng được thông qua".
TS Phạm Sỹ Thành: Đánh thuế vào lợi suất tiền gửi tiết kiệm
làm trầm trọng thêm cán cân tiết kiệm - đầu tư.
Một thành viên khác từ VEPR, TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) cho hay, đúng là ở một số nước có áp dụng thuế đánh vào lợi tức (phần lãi từ tiết kiệm), tuy nhiên, đó là thuế đánh vào khoản gửi tiết kiệm của doanh nghiệp chứ không phải cá nhân.
Bởi, xét về quy mô, tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp mới lớn đến mức làm cho thuế thu trở nên có ý nghĩa, còn tiền gửi tiết kiệm của cá nhân không đáng kể. Mục đích đánh thuế nhằm buộc doanh nghiệp dùng tiền đó đi kinh doanh.
Trước đây, một quốc gia rất gần với Việt Nam là Trung Quốc cũng đã từng tích cực thu loại thuế này. Kết quả, đến năm 2007, nước này đã phải giảm thuế suất từ 20% xuống 5% và tới 8/10/2008 đã phải tuyên bố bãi bỏ sắc thuế này.
Không có căn cứ khoa học lẫn thực tiễn
Cũng cần nhận thức rằng, tại những nước có thị trường vốn phát triển trên thế giới, người dân có nhiều công cụ đầu tư tài chính như chứng khoán, các tài sản tài chính phái sinh của ngân hàng. Trong khi đó, những nước như Việt Nam, tiết kiệm đóng vai trò là là một kênh huy động vốn bên cạnh thị trường chứng khoán, việc đánh thuế tiết kiệm sẽ làm tình trạng mất cân bằng cán cân tiết kiệm - đầu tư (vốn có tỉ lệ tiết kiệm đang thấp hơn tỉ lệ đầu tư) lại ngày càng trầm trọng thêm.
Thay vào đó, vị chuyên gia đặt ngược lại vấn đề: Có một loạt thuế đặc biệt mà lẽ ra nên áp dụng ở Việt nam vì nó thực sự là có ý nghĩa, đó là áp thuế cho những giao dịch mua bán bất động sản, mua căn nhà thứ hai trở lên...
Chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh: Không có căn cứ để cho rằng
tiền không chảy vào tiết kiệm sẽ chuyển sang bất động sản.
Cũng sau kiến nghị này, Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh đưa ra 3 điểm bất hợp lý: Thứ nhất, dễ dàng lách quy định, khi mà người gửi thay vì gửi cùng lúc vào một ngân hàng 500 triệu đồng thì cũng thể tách thành 10 khoản, mỗi khoản 50 triệu.
Thứ hai, nếu thực thi chính sách cũng chính là đánh thuế vào những khoản dành dụm cả đời mới có được của người dân, gây tác động xã hội rất nghiêm trọng.
Thứ ba, chỉ có thể đánh thuế thu nhập cá nhân, đánh vào lợi tức chứ không ai đánh thuế vào tiền tiết kiệm. Đó là một điều hết sức vô lý!
TS Lê Đăng Doanh nói, "Họ cho rằng, khi người dân không gửi tiền vào tiết kiệm nữa thì sẽ đầu tư vào bất động sản - điều này chẳng có căn cứ nào cả!". Theo đó, vào những năm giá bất động sản tăng mạnh, lợi nhuận vượt cả 100% thì không cần đánh thuế vào tiết kiệm, lĩnh vực này vẫn có đầu tư. "Bây giờ tình hình bất động sản như thế này thì sao hy vọng người ta đầu tư vào đấy được?"
"Cho nên tôi cho đây là một đề nghị không có căn cứ khoa học cũng không có căn cứ thực tiễn, phải xem xét một cách rất thận trọng. Nếu muốn cho công bằng thì cần tổ chức một hội thảo, để bên đề nghị trình bày và có ý kiến phản biện trước khi thực hiện" - vị chuyên gia kết luận.
Người trong cuộc nói gì?
Về kiến nghị của mình, ông Lê Hoàng Châu cho biết: "Khi đưa ra đề xuất này, tôi cho rằng ở các nước đều đánh thuế thu nhập trên tiền gửi tiết kiệm. Nếu tính 100 tỷ đưa vào sản xuất kinh doanh, thu lợi nhuận mỗi năm 10 tỷ và tạo công việc cho hàng trăm người thì sẽ tạo hiệu quả xã hội và giúp ích cho nền kinh tế hơn khi bỏ 100 tỷ vào gửi tiết kiệm rồi mỗi năm thu về 15 tỷ."
"Theo tôi được biết và báo chí đăng hiện nay, có 80% các khoản gửi tiết kiệm dưới 50 triệu. Tôi cho rằng đây là giải pháp lâu dài, khi Luật thuế thu nhập cá nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/7 nên sắp tới cũng không thế áp dụng được. Trong Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng đề cập tới giải pháp căn cơ và giải pháp lâu dài, việc đánh thuế thu nhập cá nhân là giải pháp lâu dài".
Trước phản ứng dữ dội của dư luận trong trong thời điểm hiện tại với đề xuất mình, ông Châu nói: “Hiện giờ, tôi đang lắng nghe ý kiến phản biện về đề xuất của tôi của các chuyên gia để có thêm hiểu biết và cũng là tham khảo để cho những đề xuất lần sau”.
Trần Nguyên
End of content
Không có tin nào tiếp theo