Doanh nhân

Dệt may và cuộc đua FDI

Cuộc đua thu hút FDI luôn khiến các doanh nghiệp có những chiến thuật để giảnh lợi thế. Ngành dệt may là một ví dụ cụ thể thông tin thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2015 tuy giảm mạnh, nhưng FDI vào ngành dệt may lại tăng đột biến, chiếm tới 1/5 tổng số vốn. Những động thái của ngành dệt trước cơ hội này sẽ là gì ?

Cơ hội lớn cho ngành dệt may.

Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ gia nhập như: Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu. Nó sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp ngành dệt may vươn ra, mở rộng và chinh phục thị trường thế giới.

Số liệu mà Bộ Công Thương công bố thì 06 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục đạt kim ngạch 12,8 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Tại các thị trường Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, kim ngạch đều đạt ở mức cao. Nó chứng minh ngành dệt may đã và đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên nhiều chính sách phát triển. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán các FTA và đặc biệt là TPP. 

Ngành dệt đang có nhiều cơ hội trong việc thu hút FDI

Liên minh châu Âu được đánh giá là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này.Với thị trường Hoa Kỳ, khi FTA được ký kết, thuế suất sẽ giảm dần và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị phần. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nay, mức thuế suất trung bình sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ từ 17%- 30%, nếu được giảm xuống còn 0% thì sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trước các nước khác. Việt Nam đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh EU với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD.

Ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng trong vòng từ 03-05 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các nước Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh kinh tế Á-Âu.

Những dữ liệu kỳ vọng

Trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư, dệt may chiếm 1,12 tỷ USD, với 3 dự án lớn, trong đó có dự án tới 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Theo đó, dự án 660 triệu USD nói trên là của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến sợi tại Đồng Nai. Ngoài ra, còn có dự án 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc của nhà đầu tư Anh quốc tại TP. Hồ Chí Minh và dự án nhà máy sợi, vải màu 160 triệu USD tại Tây Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông.

Thách thức đặt ra

Bên cạnh những cơ hội lớn thì dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là các FTA ngày càng có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, đòi hỏi phải có mức độ cam kết sâu rộng cả về: thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...

Thách thức lớn nhất của ngành dệt may hiện nay là vốn

Phụ thuộc nguyên liệu của nước ngoài hiện là thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam vẫn nhập gần 50% nguyên phụ liệu cho dệt may, chủ yếu từ Trung Quốc.

Vốn cũng là một thách thức lớn đặ ra với các doanh nghiệp dệt may ở quy mô vừa và nhỏ. Hiện chỉ có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là đầu tư mạnh cho các khâu sản xuất sợi, dệt nhuộm... Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. 

Hướng đi tạo dựng chỗ đứng

Để có thể giành vị trí dẫn đầu cơ hội từ các FTA đa phương, song phương, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.

Phương hướng khắc phục khó khăn và chuẩn bị cho việc gia nhập các FTA, bà Đặng Kim Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để kêu gọi các doanh nghiệp kể cả nước ngoài, cũng như trong nước đầu tư vào những điểm yếu nhất của chúng ta”.

Đồng thời để tận dụng tối đa lợi thế mà các FTA mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực hơn nữa và không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế.






 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo