Góc nhìn

Dệt may Việt Nam và bài toán lệ thuộc thương mại

“Đã nói đến hội nhập chúng ta phải chịu chơi, tức phải tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may của thế giới, từ đầu vào nguyên phụ liệu, đến sản xuất, xuất khẩu, hệ thống marketing, tiêu thụ. Chúng ta sẽ thấy rất rõ sự phân chia trên thế giới”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói trong buổi hội thảo bà tham dự gần đây nhất tại Hà Nội.

Nhìn nhận trên được bà Lan đưa ra sau khi chỉ ra sự chuyển dịch tất yếu của chuỗi cung ứng quốc tế, nhu cầu thay đổi thực sự của Việt Nam. Dù thay đổi hay không, các DN Việt Nam, cụ thể trong ngành dệt may cũng không thể phủ nhận các các vấn đề hiện đang phải đối mặt.

“Đối với ngành dệt may Việt Nam, với năng lực nhỏ bé, phát triển không cân, may xuất khẩu là chủ yếu. Trong phương thức sản xuất, ngành dệt may lại đang tập trung nhiều vào hướng gia công, chiếm tới 70%, với lợi thế nguồn lao động thấp. OBM là sản phẩm tự thiết kế, tức mang thương hiệu của Việt Nam ra nước ngoài, chỉ chiếm 9%”. Khi các vấn đề yếu kém không được khắc phục, giá trị hàng hóa chỉ loanh quanh ở giá trị xuất khẩu vốn lấy lãi từ lợi thế giá nhân công rẻ và một phần từ chính sách ưu đãi xuất khẩu của chính phủ. 

Thậm chí, theo bà Lan, nếu không tự chủ sản xuất, ngành dệt Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi rắc rối bị lệ thuộc thương mại, bao gồm cả việc bị chi phối về nguyên liệu nhập khẩu và thị trường xuất khẩu. 

“Sau 2005, khi tự do thương mại với Mỹ và bỏ chế độ hạn ngạch, chúng ta bắt đầu  hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may thế giới. Lúc đó, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu tăng đột biến: từ 1,4 tỷ USD năm 2000 lên 7,4 tỷ năm 2006 và năm 2013, xấp xỉ 37 tỷ. 

Cán cân thương mại đảo chiều nhanh chóng, từ thặng dư khoảng 135 triệu USD năm 2000 thành 23,7 tỷ vào năm 2013”.

Mà nhập khẩu là để sản xuất. Với biến động với Trung Quốc thời gian vừa qua, Việt Nam tự đưa mình vào thế khó khi bị phụ thuộc cả về nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, may mắn thay, vẫn còn có hoạt động xuất-nhập khẩu bông hầu như không gặp vấn đề "vì Trung Quốc áp dụng chế độ hạn ngạch để bảo hộ cho hộ trồng bông" (!). 

Trung Quốc - một trung tâm của chuỗi cung ứng dệt may thế giới

Thế nhưng, theo bà Lan, phụ thuộc thương mại với Trung Quốc không chỉ bởi hoạt động của riêng khu vực DN. Và tình trạng nhập siêu và những biến động thương mại vừa qua cũng chỉ thể hiện phản ứng của thị trường. Nguyên nhân sâu xa hơn chính là việc thiếu vắng tính chủ động của DN Việt Nam để tạo nên chuỗi cung ứng giá trị.

“Đã nói đến hội nhập chúng ta phải chịu chơi, tức phải tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may của thế giới, từ đầu vào nguyên phụ liệu, đến sản xuất, xuất khẩu, hệ thống marketing, tiêu thụ. Chúng ta sẽ thấy rất rõ sự phân chia trên thế giới.

Nói tới Trung Quốc, chúng ta cũng nên nói đến tình hình dệt may của Trung Quốc một chút. Hiện nay, trong tổng khoảng 27 triệu tấn bông xuất khẩu trên toàn thế giới, Trung Quốc chiếm 7,3 triệu. Sợi, Trung Quốc chiếm 48%; vải, chiếm 57,5%, vậy thì cớ sao Việt Nam không sử dụng vải của họ tới 46%? Xuất khẩu trong ngành may, Trung Quốc cũng chiếm 45% thế giới. Nếu muốn nhìn sang nước khác để đa dạng nguồn cung, như các nước ASEAN thì dù chúng ta tăng cường nỗ lực hợp tác nội khối, với con số 7,8 % cũng không phải nguồn chúng ta có thể trông chờ”.

Thực tế Trung Quốc đã là một trong những cái tên được xướng lên trong danh sách 5 khu vực xuất khẩu chính đối với ngành dệt may trên thế giới. 

“Chúng ta hãy nhìn về lịch sử phát triển. Những năm 70, các chủ thương hiệu trong chuỗi cung ứng chính là các nhà bán lẻ, hoặc các chủ siêu thị đóng vai trò sản xuất hoặc phân phối. Nhưng dần dần, việc hội nhập làm đa dạng hóa, toàn cầu hóa, như phát triển hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ, đặc biệt các hệ thống về đối ngoại, về quan hệ quốc tế và các hệ thống FTA, và chuyển dịch liên tục trên phạm vi toàn cầu. Tôi cho rằng điều này không chỉ diễn ra trong ngành dệt may mà còn các ngành khác”. 

Đáng lưu ý hơn, hiện tại, cấu trúc của chuỗi cung ứng tại các nước phát triển tiến dần sang các nước châu Á, đặc biệt là xu hướng rời khỏi Trung Quốc về sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may, bà Lan nhận định.

Chủ động thiết lập chuỗi cung ứng

Chủ động trong chuỗi cung ứng được coi là quan trọng nhất, bà Lan nhấn mạnh. 

“Từ thực tiễn chúng tôi thấy, sản phẩm cần bổ ra rất nhiều, như khóa kéo, cúc, mác. Chúng ta làm gia công, khách hàng yêu cầu thì chúng ta làm sao có thể thay đổi? Quan trọng nhất là cần chuẩn bị ngay từ sản phẩm thì mới định hình được nguồn nguyên liệu”.

Cần thay đổi ở hàm lượng sản xuất để việc sản xuất không chỉ là việc tận dụng về nguồn nhân lực, chế độ chính sách, mà làm còn phải khai thác được các lợi thế từ TPP và FTA mang lại. Ví dụ, với TPP đang đàm phán, đòi hỏi về sợi. Sợi được sản xuất tại Việt Nam, dệt thành vải Việt Nam, dùng vải đó sản xuất thành hàng xuất khẩu thì mới được gọi là xuất xứ Việt Nam và hưởng ưu đãi 0-15%. 

“Làm gì, kinh doanh gì để có mang lại được gói chênh lệch đó, ấy là vấn đề”, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. 

Thế nhưng theo bà Lan, ngành dệt may để khai thác được những điều này vẫn còn là một thách thức, vì nó đòi hỏi phai đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ.

Vị chuyên gia cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang hướng tới phát triển công nghiệp phụ trợ, trước mắt áp dụng trong ngành dệt may, như về may mặc thời trang, sản xuất sợi… “Nhưng trong chuỗi này, ngành may không chỉ là gia công, mà bắt buộc phải tiến tới OBM, trở thành người lái chuỗi cung ứng, làm cho các nhà cung ứng trong chuỗi này có mối liên hệ chặt chẽ hơn. Chúng ta thường hay tách nhỏ lẻ, như làm thế nào để phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng nếu không dẫn dắt toàn bộ thì làm sao có thể chủ động trong các khâu còn lại?”. 

Tính riêng trong ngành dệt may, các nhà đầu tư đến Việt Nam nhưng những dự án về dệt, nhuộm, hoàn tất thì chủ yếu là Hàn Quốc. 

Chủ động xây dựng chuỗi cung ứng, trở thành đơn vị dẫn dắt chuỗi cung ứng đó, điều chỉnh vốn, chủ động nhận đơn hàng, chia bổ từ khâu nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu, thì hàm lượng sản xuất mới lớn, ưu đãi thương mại mới nhận được. Chỉ khi DN Việt Nam giải quyết bài toán mãi mãi là đơn vị gia công thì vấn đề nhập siêu, phụ thuộc kinh tế bên ngoài mới có câu trả lời.

Tăng hàm lượng sản xuất trong nước cũng chính là cách để giảm tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc, theo nữ chuyên gia.

 

Theo Seatimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo