Di dời bến xe Lương Yên: Doanh nghiệp vận tải như “ngồi trên đống lửa”
Tới đây, ngày 26/7/2016, Bến xe Lương Yên sẽ hết thời hiệu được hoạt động. Chủ trương dừng hoạt động đối với bến xe Lương Yên được các cơ quan chức năng cũng như chính quyền và nhân dân sở tại nhất trí cao.
Để thực hiện di dời, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra hai phương án. Một là điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố. Phương án 2 sẽ điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ Bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận.
Theo đó, phương án di dời các hãng vận tải tại Lương Yên sang các bến xe khác là góp phần giảm ùn ứ giao thông nhưng chắc chắn sẽ tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến. Điển hình nhất, phương án chuyển 43 trên tổng số 90 chuyến/ngày tuyến Hà Nội – Hải Phòng sẽ được chạy “xuyên tâm” theo lộ trình: Cầu Thanh Trì – Vành đai 3 – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi để về bến Yên Nghĩa đã vấp phải phản ứng của dư luận.
Với lộ trình trên, hàng loạt tuyến đường đã ùn ứ càng thêm tắc nghẽn. Cụ thế, vào giờ cao điểm, đường Nguyễn Trãi thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Đã thế, đường Nguyễn Trãi rồi xuống Quang Trung còn xuyên qua nhiều khu đô thị lớn và nhiều trường đại học nữa, càng tạo điều kiện cho tình trạng xe chạy rề rề “vợt” khách. Rõ ràng, việc “lèn” thêm 43 chuyến xe khách vào đường này mỗi ngày sẽ khiến cho mật độ giao thông rơi vào tình trạng báo động.
Vừa qua ngày 14/7, Sở GTVT Hải Phòng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội với nội dung: Qua kiểm tra xem xét, tuyến vận tải khách cố định Hải phòng đi Hà Nội có 14 đơn vị vận tải hoạt động với 264 xe, khai thác 388 chuyến/ngày. Trong đó: tuyến từ các bến xe thuộc Hải phòng đi bến Lương Yên: 95 chuyến/ngày, đi bến Yên Nghĩa: 95 chuyến/ngày, đi bến xe Gia Lâm: 145 chuyến/ngày.
Do đó, đơn vị này kiến nghị “để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên tuyến vận tải khách cố định từ Hải phòng đi Hà Nội” và đề nghị “sắp xếp, điều chuyển nguyên trạng các tuyến vận tải khách cố định từ Hải Phòng đi bến xe Lương Yên về bến xe Nước Ngầm hoặc một bến xe khách khác đủ năng lực và điều kiện tiếp nhận trên cơ sở tại bến xe tiếp nhận hiện tại không có phương tiện đang khai thác tuyến vận tải khách cố định từ Hải phòng đi Hà Nội”.
Trước đó, một số đơn vị đầu tiên hoạt động kinh doanh vận tải theo tuyến cố định Hải Phòng – Hà Nội tại Bến xe Yên Nghĩa đã có đơn kiến nghị Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc điều chuyển 43 chuyến xe/ngày vào bến xe Yên Nghĩa vừa không đúng với các quy định hiện hành, vượt xa quy hoạch định hướng phát triển mạng lưới vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ và gây quá tải số lượng DN vận tải hoạt động tại đây. Điều này, sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và có nguy cơ bị cạnh tranh không lành mạnh.
Các Doanh nghiệp tiếp tục cho rằng nếu căn cứ vào các tiêu chí và nguyên tắc lựa chọn bến xe và lựa chọn tuyến để sắp xếp các Doanh nghiệp từ bến xe Lương Yên vào các bến xe khác theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội thì các tiêu chí là rất cụ thể và rõ ràng, phản ánh đúng nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp tuy nhiên với 5 tiêu chí và 7 nguyên tắc sắp xếp thì bến xe Yên Nghĩa đạt được tiêu chí thấp nhất nhưng không hiểu sao Sở GTVT Hà Nội lại có quyết định lựa chọn bến xe Yên Nghĩa để điều chuyển đến 43 chuyến/ngày về Bến xe Yên Nghĩa. Họ cũng cho rằng rất bất hợp lý khi hiện tại Bến xe Nước Ngầm khả năng tiếp nhận còn rất lớn và đặc biệt là hiện nay chưa có Doanh nghiệp nào đăng ký khai thác tuyến Hải Phòng tại bến xe Nước Ngầm mà chỉ có 47 chuyến xe/ngày tuyến Hải phòng.
Như vậy, việc liên tục tăng lượng xe chạy tại bến xe Yên Nghĩa có khả năng sẽ tạo nên tình trạng xe chạy không khách là rất lớn. Trong khi đó tình trạng cạnh trạnh không lành mạnh đang là vấn nạn gây nhức nhối cho dư luận xã hội, gây hoang mang và thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải.
Trong nhiều cuộc họp và chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có nhiều doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Hải Phòng – Hà Nội với tần suất các xe xuất bến hàng ngày rất cao (hơn 400 chuyến/ngày) dẫn đến tình trạng “ cung vượt quá cầu”.
Vì vậy, việc tăng tần suất chạy xe theo kiểu “đổ dồn” các doanh nghiệp vào một bến đang có tần suất hoạt động lớn như bến xe Yên Nghĩa sẽ làm gia tăng tình hình phức tạp trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên tuyến.
Bàn về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng việc di chuyển 43 trên tổng số 90 chuyến/ngày tuyến Hải Phòng – Hà Nội sẽ được chạy “xuyên tâm” về bến Yên Nghĩa vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, nếu được đi theo cung đường Vành Đai 3 - Nguyễn Trãi về Yên Nghĩa như dự kiến, tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.
Vì thế, theo góp ý của vị chuyên gia ngành vận tải, để có thể giảm áp lực ùn tắc cho tuyến xe khách xuyên tâm chạy qua đường Nguyễn Trãi, các cơ quan quản lý nên cân nhắc phương án chọn lộ trình khác ít tắc hơn.
“Theo tôi, nên nghiên cứu phương án cho xe đi từ Cầu Thanh Trì đi qua đường ven hồ Linh Đàm, hồ Đền Lừ về đường 70 đi qua Bệnh viện 103 để nối về Yên Nghĩa. Tất nhiên, phương án chốt vẫn do các cơ quan lãnh đạo ngành của Hà Nội quyết định tuy nhiên cần có hợp lý và nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp vận tải cũng như người dân”, ông Bùi Danh Liên chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo