Góc nhìn

Điện hạt nhân: Chưa có nhân lực đạt, đừng mơ điều kỳ diệu

“Theo tôi việc lùi lại thời gian, Việt Nam sẽ có cách nhìn đúng đắn hơn về công nghệ tiên tiến, an toàn cao nhất và có hiệu quả kinh tế cao, khi so sánh với sự cố Fukushima, Nhật Bản, cũng như những vấn đề còn tồn tại trong ngành công nghiệp điện hạt nhân hiện nay trên thế giới”.

 Giáo sư Trần Đại Phúc, người đã có thâm niên hơn 40 làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại nhiều quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Bỉ…, một thành viên trong Tổ tư vấn Việt - Pháp của Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận đã chia sẻ với Đất Việt trước thông tin Thủ tướng có ý định dời thời điểm khởi công nhà máy sang năm 2020.

GS Trần Đại Phúc
 
PV: - Thưa ông mới đây Thủ tướng Chính phủ có nói rằng nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công thay vì theo đúng kế hoạch là năm 2014. Thủ tướng cũng tuyên bố, làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm. Ông bình luận như thế nào về thông tin này?
 
Giáo sư Trần Đại Phúc: - Đúng như lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm!”.
 
Thủ tướng Chính phủ có nói rằng nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công thay vì theo đúng kế hoạch là năm 2014. Đó là lời tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiện nay chưa có văn bản chính thức nào phê duyệt việc chậm khởi công dự án nhà máy điện nguyên tử.
 
Cùng với lời tuyên bố trên, theo ông Lê Tuấn Phong, Tổng Cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho biết: Để đảm bảo an toàn cũng như khai thác hiệu quả khi nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động, Bộ Công thương đang xem xét trình Chính phủ việc lùi thời gian khởi công dự án. Còn đến thời điểm này, chưa có văn bản chính thức nào phê duyệt việc chậm khởi công dự án nhà máy điện nguyên tử. Mọi công việc vẫn đang triển khai theo đúng đề án.
 
Vả lại, hiện nay các cơ quan liên quan như: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, EVN... đã nhận được và đang thẩm định các hồ sơ PSAR (Prelinimary Safety Analysis Report) của các lò phản ứng hạt nhân.
 
Theo tôi về mặt thiết kế, các lò phản ứng hạt nhân (phiên bản thê hệ 3 hoặc 3+) được chào cho Việt Nam bởi các nhà thiết kế (Liên Bang Nga, Nhật Bản, ..) đều đáp ứng với các tiêu chí an toàn đặt ra bởi các cơ quan pháp quy của các nước tiên tiến có công nghệ hạt nhân hơn sáu thập niên!
 
Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima, Nhật Bản, cho thấy rằng vấn đề chọn công nghệ phải yêu cầu cao hơn, cập nhật về an toàn  hạt nhân theo xu hướng hiện đại hơn. Còn hiệu quả cao nhất hay không, là  phụ  thuộc vào nguồn nhân lực của Việt Nam trong các mặt cơ sở hạ tầng từ nhà vận hành cho dến các cơ quan liên quan như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cơ quan pháp quy của Việt Nam), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam v.v...
 
PV: - Thông điệp của Thủ tướng được đưa ra sau khi Tổng giám đốc IAEA đến thăm và đã phát biểu thẳng thắn, làm ĐHN, Việt Nam không nên vội vàng gấp gáp. Còn nhớ, cách đây 2 năm, trong cuộc gặp với phía Việt Nam, chính vị Tổng giám đốc này đã lạc quan “Việt Nam sẽ làm ĐHN thành công”. Sự nhìn nhận lại vấn đề của vị TGĐ IAEA và phát biểu mới đây của Thủ tướng chứng tỏ điều gì trong việc chuẩn bị cho ĐHN ở Việt Nam, thưa ông?
 
Giáo sư Trần Đại Phúc: - Đúng cách đây  2 năm Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya AMANO đã tuyên bố “Việt Nam sẽ làm ĐHN thành công”! Sự nhìn nhận lại vấn đề của vị TGĐ IAEA dựa trên những kết quả “trễ nải” trong quá trình triển khai từng mặt của các cơ quan liên quan Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, EVN v.v... như: Các văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng nguyên tử, Tiêu chí an toàn đặt ra trong giai đoạn mới (sau sự cố Fukushima, Nhật Bản), đào tạo nhân lực, các khuyến cáo cần thiết trong quản lý điều hành và triển khai đặc thù trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử,  v.v.
 
Việt Nam còn hạn chế vì chưa có kinh nghiệm trong quản lý điều hành cũng như triển khai Dự án ĐHN. Vấn đề lớn là nguồn nhân lực!
 
Quan niệm: Làm nhà máy ĐHN giống như làm các nhà máy điện thông thường khác, nhận thức như vậy là sai hoàn toàn!
 
PV: - Về vấn đề nhân lực, sau 5 năm từ khi Nghị quyết xây dựng ĐHN được thông qua, theo quan sát của ông, việc đào tạo nhân lực ĐHN đã đạt được kết quả gì chưa?
 
Giáo sư Trần Đại Phúc: - Sau 5 năm từ khi Nghị quyết xây dựng ĐHN được thông qua, đối với việc đào tạo nhân lực, ngoài  EVN đã gửi một số sinh viên qua Liên Bang Nga (học học viện Mephi), và một số chuyên viên (học tập tại  Trung tâm Novovoronezh); các cơ quan khác như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam v.v... cũng gửi  cán bộ đi tham gia các khóa ngắn hạn ở các nước như: Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Liên Bang Nga, v.v. theo các  chương trình được hỗ trợ bởi IAEA, JINES, EC, v.v...
 
Theo tôi, những chương trình ngắn hạn (1 hoặc 2 tuần) trên sẽ khó mang lại kết quả như mong muốn, bởi vì nhiều chuyên ngành cần được đào tạo trong một thời gian ít nhất 1 năm hoặc 2 hay 3 năm, tùy thuộc vào yêu cầu của từng lĩnh vực cụ thể.
 
PV: -  Trước đây, Intel đã từng không đầu tư vào Việt Nam được vì vấn đề chất lượng nhân lực. Mới đây sách trắng của Phòng Thương mại châu Âu tại VN cũng báo động về nhân lực Việt Nam. Intel còn có đòi hỏi nhân lực như thế, huống hồ đối nhà máy ĐHN là công nghệ đặc biệt, có yêu cầu rất cao về nhận thức cũng như kiến thức chuẩn xác, là điểm trọng yếu về kinh tế và an ninh quốc gia. Vì vậy vấn đề nhân lực phải được nhìn nhận thế nào để có hướng đào tạo đúng đắn?

GS Trần Đại Phúc: - Về chất lượng nhân lực, theo tôi trong công nghệ ĐHN, trước khi gửi cán bộ ra nước ngoài để đào tạo, Việt Nam phải tổ chức trong nước những khóa đào tạo cơ bản mỗi chuyên ngành với thời gian dài (ít nhất là 3 hoặc 6 tháng, tùy theo chuyên ngành). Sau đó các cán bộ phải được gửi đi thực tập với thời gian dài ở các nước tiên tiến có công nghệ ĐHN.
 
PV: - Thủ tướng đã nói lùi thời gian khởi công, theo ông, chúng ta nên tận dụng thời gian này như thế nào để bù đắp sự yếu và thiếu trong việc chuẩn bị cho ĐHN? Về vấn đề công nghệ, việc lùi lại thời gian sẽ giúp cho việc lựa chọn công nghệ như thế nào, thưa ông?
 
GS Trần Đại Phúc: - Trước hết theo tôi lùi thời gian khởi công nhà máy ĐHN đến năm 2020 sẽ có  ảnh hưởng về mặt kinh tế và giá thành của nhà máy ĐHN. Thực tế, tình hình kinh tế khó khăn, chúng ta chưa đáp ứng được về vốn đối ứng cũng như nhân lực, tổ chức và triển khai.   
 
Còn việc tận dụng thời gian, chúng ta nên duyệt lại cách thức tổ chức lại các cơ quan có trách nhiệm trong các dự án ĐHN theo các tiêu chí quốc tế. Ví dụ, ở Việt Nam, Bộ Công thương có trách nhiệm cấp phép vận hành cho lò phản ứng hạt nhân là hoàn toàn khác biệt với các tổ chức quốc tế.
 
Còn về vấn đề lựa chọn công nghệ, theo tôi việc lùi lại thời gian, Việt Nam sẽ có cách nhìn đúng đắn hơn về công nghệ tiên tiến, an toàn cao nhất và có hiệu quả kinh tế cao, khi so sánh với sự cố Fukushima, Nhật Bản, cũng như những vấn đề còn tồn tại trong ngành công nghiệp ĐHN hiện nay trên thế giới.
 
Sau tai nạn Fukushima, nhiều thiết kế (AP-1000, VVER-AES-92, v.v... dù rằng đã được phân loại thế hệ 3 hoặc 3+ và đã được cấp chứng chỉ bởi các cơ quan pháp quy của các nước tùy thuộc, đang được chào cho Việt Nam, còn cần phải được cải tiến để đáp ứng đối với các hậu qủa của Fukushima. Việt Nam nên chú ý đến điểm này.
 
Không có nguồn nhân lực như yêu cầu, không thể nói đến những điều kỳ diệu!
 
PV: - Cá nhân ông cho rằng, khi nào và với điều kiện như thế nào thì Việt Nam sẽ sẵn sàng cho ĐHN?
 
GS Trần Đại Phúc: - Cũng như tôi đã nêu ở trên, tất cả các nhà máy điện hạt nhân được phân loại  thế hệ 3 hoặc 3+ được xem là an toàn.  Nhưng để đảm bảo sự an toàn của nhà máy ĐHN, nhân lực phải được đào tạo một cách bài bản, có trách nhiệm trong từng chuyên ngành của cá nhân và tập thể, có đủ khả năng quản lý điều hành và triển khai dự án ĐHN như mong muốn!
 
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo