Doanh nhân

Dịu ngọt dâu tiên

Những ngày xứ Truồi xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế sạm màu nắng rát, hai miệt vườn dọc con sông Hưng Bình vẫn mơ màng trong bóng mát dưới sự che chở của những cây dâu. Tán lá rộng là chiếc ô kiêu sa trước thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Cây dâu trải bóng mình lên mảnh vườn như ánh mắt mẹ dịu hiền chan chứa một tình thương.

Bên dịu dàng của hương mít nồng nàn, những chùm hoa trắng muốt tách vỏ thân cây nhú lên mầm sống mới. Từ trong thân mẹ bước ra, những chùm hoa đã làm thay đổi hình hài. Thân cây trắng ngần như làn da con gái sau bao tháng ngày khuất lấp sau tấm lụa đào. Hoa mọc sum suê từ gốc đến ngọn như muốn xé lòng thay đổi một đời cây. Thời tiếc khô khan như dấu chấm lửng buông xuống đời hoa. Vùng đất phù sa bồi hai bên dòng Hưng Bình là bầu sữa mẹ giúp những cánh hoa trở màu xanh biếc. Đó là lúc triệu triệu trái dâu hây hẩy khuôn mặt xanh non ngây ngô đong đưa trong gió, như những đứa con bụ bẫm áp mình vào thân mẹ. Nhìn cây dâu trĩu quả khiến chúng ta hiểu hơn câu thành ngữ “trái như dâu” của vùng đất này.

Xen lẩn trong hai miệt vườn còn có mít, chè và dâu muối. Những cây này vẫn được coi là đặc sản của xứ Truồi nhưng không thể sánh dâu tiên được. Dâu muối đến mùa thu hoạch trái dâu vẫn xanh, vị chua lét.

Những ngày giáp Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 Âm lịch) trái dâu tiên bắt đầu điểm son. Đó là lúc làn da trắng ngần ửng hồng như đôi má ai thẹn thùng trước lời thương vừa tỏ. Dưới bóng mát thâm trầm, bên nụ cười chào đón trong veo của người con gái, ai đã vô tình hái trộm trái dâu non để rồi vô tâm rớt một câu thơ tình ngọt đến say lòng: Trái dâu non cũng ngọt lịm giọng Truồi.

Vâng! Dâu tiên ngọt ngào xen lẫn với lòng người nơi đây, để rồi ai đã qua một lần thưởng thức là nhớ đến trọn đời.

Có lần tôi ghé thăm hai miệt vườn này, ngõ nhà ai không đóng cửa cài then. Như người quen từ lâu, tôi bước vào khu vườn có ngôi nhà rường cổ kính. Người mẹ già tóc bạc khói sương, vai gầy hanh hao nhưng trên môi vẫn nở nụ cười hiếu khách. Bát nước chè xanh ngọt tình đón khách khiến cái gặp gỡ ban đầu được nuôi trong sự thân quen. Nhìn những trái dâu được mẹ hái sau vườn đem vào nhà treo từng chùm nơi thoáng mát, trái dâu tiên không còn hồng hào bên tuổi xuân của mình nữa, nơi đây nó được nuôi nấng bởi tiếng lòng của mẹ và từ ngọn gió hiền quê hương vun vén.

Nhìn trái dâu tiên nhăn nheo như khuôn mặt mẹ già, lòng không khỏi bồn chồn tiếc nuối. Như biết được nỗi băn khoăn, ánh mắt mẹ như lời mời gọi người khách lạ chiêm ngưỡng. Trong gió nhẹ ru mê bởi giai điệu mềm mại của thôn quê, tôi đưa múi dâu tiên chạm nhẹ vào đầu lưỡi mà nghe vị ngọt lịm tê. Thì ra ở đây có cách thưởng thức mê lòng đến thế! Qua bao ngày trái dâu tiên được tách từ thân mẹ, nhan sắc nguội lạnh dần vẫn không đổi thay lòng mà còn thanh khiết hơn lúc phơi phới màu xuân.

Ở Huế có niều nơi trồng dâu tiên, như phường Kim Long, làng Xuân Hòa, Hương Hồ... thế nhưng không thể sánh với dâu tiên xứ Truồi được. Từ trong nắng cháy mưa dầm, trái dâu tiên đã làm phong phú thêm hương vị làng quê. Để rồi từ đó, ai một lần thưởng thức cũng chạnh lòng khi nghe câu ca: Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu/ Anh đi làm rể ở lâu không về.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo