Bất động sản

DN bất động sản nghi ngại gói 50.000 tỷ đồng

Gói liên kết 4 nhà trị giá 50.000 tỷ mà Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh vừa công bố cho bất động sản, thế nhưng bản thân doanh nghiệp BĐS là đối tượng được vay lại không mấy hào hứng...

Theo tìm hiểu, gói liên kết 4 nhà (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu sản xuất) trị giá 50.000 tỷ đồng chỉ là gói cho vay thương mại bình thường, không được hưởng ưu đãi. 

Các doanh nghiệp (DN) khi tham gia gói tín dụng này cần chứng minh dự án khả thi, thủ tục pháp lý đầy đủ, phương án kinh doanh tốt, dự án có khách hàng… các ngân hàng (trong nhóm đã ký kết với Ngân hàng Xây dựng) sẽ cho vay dưới hình thức tín chấp.
 
Đây là gói dành cho thị trường xây dựng và bất động sản, thế nhưng bản thân đơn vị làm bất động sản lại tỏ ra chẳng mấy hào hứng ngay khi gói tín dụng này được công bố.
 
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành băn khoăn: Cách đây chừng 2 năm, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cũng đã có ý tưởng đưa một gói tín dụng có sự liên kết như gói 50.000 tỷ vừ công bố, nhưng tiếc rằng không có tiếng vang gì. Bây giờ lại lặp lại ý tưởng đó, liệu có thất bại như ý tưởng cách đây 2 năm?
 
“Sự liên kết giữa 4 nhà là đúng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là đơn vị trung gian, được cung ứng vật liệu còn những đơn vị cung ứng vật liệu khác thì sao? Phải chăng Công ty này (Tập đoàn Thiên Thanh – PV) đang tồn quá nhiều vật liệu xây dựng không bán được, lợi dụng cơ hội này để “tuồn” hàng của họ ra, thì không nên. Cần để DN tự do chọn lựa đơn vị cung ứng vật tư với giá rẻ hơn. Chắc chắn Thiên Thanh làm đơn vị trung gian thì phải tăng phí, mà đã tăng phí thì không có chuyện giá rẻ.
 
Nếu không cho DN được tự chọn đơn vị cung ứng vật tư và đơn vị thi công mà cứ thành lập nhóm quyền lợi và đưa đến độc quyền cung cấp thì DN sẽ từ chối gói tín dụng này và đương nhiên gói này sẽ thất bại”, ông Đực khẳng định.
 
Doanh nghiệp BĐS không mấy hào hứng với gói 50.000 tỷ đồng vừa công bố.
 
Mặt khác, theo ông Đực gói cho vay này không quy định sản phẩm như thế nào thì được vay, thì liệu có cho cả những dự án hạng sang vay gói này hay không? Ông Đực cho rằng, nếu cho cả những dự án hạng sang được vay thì sẽ mất đi tính xã hội của gói tín dụng. Vì thế, vị lãnh đạo DN này kiến nghị, nên khoanh vùng lại những sản phẩm như thế nào thì được vay gói tín dụng này.
 
“Trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, Nhà nước cũng như ngân hàng không khuyến khích làm những dự án nhà ở cao cấp, cao giá. Bởi lẽ, phần lớn số hàng tồn kho hiện nay là những sản phẩm có giá cao từ 2 tỷ tới vài chục tỷ, còn những dự án có sản phẩm dưới 1 tỷ thì không có. Nếu thực hiện không khéo, gói này lại càng đắp thêm hàng tồn kho càng cao hơn nữa. Cho vay gói này phải kiểm soát được sản phẩm doanh nghiệp làm ra phải bán được”, ông Đực nói thêm.
 
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP.Invest) nói thẳng: Chúng tôi không trông chờ lắm vào những gói tín dụng kiểu như gói 50.000 tỷ đồng. Bởi lẽ, làm bất động sản mà dựa quá nhiều vào những gói tín dụng thì độ rủi ro rất lớn, tốt nhất nên có kế hoạch tài chính, kế hoạch vốn.
 
Tuy nhiên, gói này sẽ chỉ giúp những DN đang có chút khó khăn sẽ dễ “thở” hơn. Còn hiệu quả gói này như thế nào thì phải chờ thời gian triển khai, thực hiện mới có thể kết luận được.
 
Trước việc gói liên kết cho vay này lại có đơn vị trung gian cung ứng vật liệu, ông Hiệp tỏ ra không hài lòng, bởi theo ông nếu vay tiền mà phải dùng vật liệu của một đơn vị nào đó thì tự dưng lại khiến DN có sự ràng buộc, không sòng phẳng trên cơ chế thị trường.
 
Một chuyên gia bất động sản chia sẻ riêng với PV Infonet (xin giấu tên): Gói 50.000 tỷ đưa ra từ Ngân hàng Xây dựng, đây chỉ là một hoạt động kinh doanh bình thường của một ngân hàng chứ không phải là gói tín dụng của Nhà nước, nên đừng có nói đó là gói tín dụng khiến người dân nhầm lẫn.
 
“Mình ủng hộ phương thức này của anh em đưa ra nhưng đừng có “bơm” nó lên thành quả bóng to sẽ dễ bị “xì hơi. Việc muốn “biến” Tập đoàn Thiên Thanh thành nhà tổ chức chuyên nghiệp để kết nối các “nhà” chỉ là ý định kinh doanh của họ, không phải để “cứu” bất động sản. Từ đó sẽ dẫn đến một số quan ngại như độc quyền, nhóm lợi ích…
 
Nếu câu chuyện này nhằm mục đích giảm giá thành bất động sản, giá nhà bán cho người tiêu dùng hợp lý, không xuất hiện nhóm lợi ích… thì “sân chơi” này chắc chắn sẽ được ca ngợi. Tuy nhiên, liệu họ có làm được không, có hình thành nhóm lợi ích riêng hay không? Sự hợp tác giữa các chủ thể theo phương thức tự nguyện và thỏa thuận, theo cơ chế thị trường, chứ không có chính sách nào của Nhà nước cả”, vị chuyên gia này phân tích.
 
Rõ ràng, với những ý kiến thẳng thắn nêu trên, Ngân hàng Xây dựng cũng như những đơn vị cùng liên kết trong gói 50.000 tỷ cần xem xét kỹ càng trước khi chính thức thực hiện, tránh thất bại như đã cảnh báo.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo