Phân tích

DN xăng dầu “đút túi” ngàn tỷ nhờ chênh thuế: Bộ Tài chính lên tiếng!

(DNVN) - Thừa nhận có chuyện chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu nên Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau)...

Chiều 15/3, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo lên tiếng về cách áp thuế xăng dầu khiến các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi lớn.

Thông cáo của Bộ Tài chính có nêu, gần đây, trên một số phương tiện truyền thông có đưa tin, bài liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Giải thích về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN. 

Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. 

Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau).

Bộ Tài chính cũng cho biết, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN. Do vậy, Bộ này đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ này đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Trước đó, vào chiều ngày hôm qua, cũng giải thích về việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước khiến các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi lớn, Bộ Công thương cũng đã có quan điểm tương tự.

Cụ thể, Bộ này cho biết theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

"Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)", Bộ Công Thương khẳng định.

 

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện Bộ này đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Như vậy, cả thông báo của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương mới chỉ giải thích việc điều hành xăng dầu đã dựa mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở xăng dầu chứ chưa đề cập cụ thể lộ trình kéo giảm độ chênh lệch do thuế nhập khẩu trong FTA và thuế áp theo MFN trong giá cơ sở, hơn nữa cũng chưa giải thích được doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã tận dụng sơ hở nào của chính sách để thu lợi.

Bởi theo báo chí phản ánh nhiều ngày nay, theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính, bắt đầu từ 1/1/2015, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả nhập từ ASEAN chỉ có mức thuế 5%, mazút là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0% (gọi là thuế ATIGA, theo cam kết của Việt Nam với khu vực). Tuy nhiên, trong suốt cả năm 2015, mức thuế để tính giá cơ sở theo công thức tính giá xăng dầu vẫn là thuế MFN (các mặt hàng xăng dầu chịu thuế từ 10 - 20%), tức với mặt hàng dầu diesel, các doanh nghiệp đã được hưởng lợi do chênh lệch 5% thuế nhập khẩu.

Chênh lệch này dẫn tới các doanh nghiệp đầu mối càng nhập khẩu nhiều xăng dầu từ ASEAN thì càng được lợi, trong khi người tiêu dùng chịu thiệt. Cụ thể, theo số liệu từ cơ quan hải quan cho biết, 2015, cả nước tiêu thụ 8,33 triệu tấn dầu diezen thì trong đó, có tới 4,42 triệu tấn dầu diesel nhập từ ASEAN, chiếm 53,06% tổng sản lượng dầu tiêu thụ trên thị trường. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ 0,368 triệu tấn dầu diesel từ ASEAN, tương đương 421 triệu lít.

Giả sử, với mức giá CIF trung bình quý IV/2015 của dầu diesel là 55 USD/thùng, mỗi lít dầu diesel nhập từ ASEAN đã có chứng nhận xuất xứ form D sẽ chỉ phải chịu thuế nhập khẩu 5%, tương đương 400 đồng/lít. Tuy nhiên, theo biểu tính giá cơ sở để điều hành như hiện hành của Bộ Công Thương vẫn giữ mức thuế 10%, tương ứng mỗi lít dầu này sẽ gánh gấp đôi, gần 800 đồng tiền thuế. Chênh lệch khoản thuế này lên tới 400 đồng/lít, nhân với sản lượng tiêu thụ trung bình 421 triệu lít thì mỗi tháng, các DN xăng dầu đã lời thêm 168,4 tỷ đồng.

 

Tính tháng 6/2015, khi thuế MFN áp dụng là 10% cho dầu diesel, ước tính, chênh lệch thuế nhập khẩu giữa mức 10% và 5% cho sản lượng dầu diesel từ ASEAN trong 6 tháng cuối năm đã lên tới 1.010 tỷ đồng.

Chưa kể, kết quả tính giá cơ sở cũng đã bị đẩy lên cao. Nếu thuế nhập khẩu 5%, giá cơ sở dầu diesel với mức giá CIF như trên sẽ chỉ có 12.300 đồng/lít, nhưng khi áp thuế 10%, giá cơ sở sẽ tăng thành 12.700 đồng/lít. Nói cách khác, có ít nhất 53,06% sản lượng, tức hơn một nửa lượng dầu diesel bán cho người dân đã phải gánh thêm 400 đồng/lít thuế.

Năm 2016, chênh lệch này càng lớn hơn khi dầu diesel hưởng thuế 0% trong ASEAN.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua hôm 4/3, giá CIF bình quân 15 ngày qua của mặt hàng này chỉ có 40,32 USD. Một lít dầu ASEAN sẽ không phải chịu thuế nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với một mức giá bao gồm 595 đồng tiền thuế nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp vẫn duy trì tỷ trọng và sản lượng tiêu thụ trung bình tháng đối với dầu diesel như năm 2015 trên thì mỗi tháng qua, người tiêu dùng đã gánh thêm khoảng 250,495 tỷ đồng.

Tương tự, mặt hàng xăng A92 từ Hàn Quốc cũng có chênh lệch thuế rất lớn kể từ 1/1 năm nay. Thuế xăng Hàn Quốc chỉ có 10% nhưng Liên Bộ vẫn tính toán điều hành giá theo phương án thuế MFN 20%.

 

Với mức giá vừa công bố tại kỳ điều hành 4/3 vừa qua là 42,31 USD/thùng, người tiêu dùng đang phải chịu 1.261,55 đồng/lít thuế xăng với giá cơ sở là 14.100 đồng lít. Nhưng nếu lít xăng này nhập từ Hàn Quốc, người tiêu dùng sẽ chỉ phải chịu thuế 630,77 đồng/lít với mức giá cơ sở chỉ có 13.415 đồng/lít. Nêu tính cơ học, mua xăng made in Korea, người tiêu dùng đang phải gánh thêm 630,78 đồng/lít tiền thuế. Và so với mức giá bán lẻ vừa qua là 13.750 đồng/lít, giá thành của một lít xăng made in Korea rẻ hơn 335 đồng/lít...

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo