Đô thị nham nhở, méo mó: Bộ Xây dựng "nhầm" vì...
Lại lợi ích nhóm?
KTS Đào Ngọc Nghiêm, cho rằng, một không gian đô thị phải đáp ứng được đa dạng mục tiêu.
Thứ nhất, nó phải là biểu hiện văn hóa ở một giai đoạn nhất định, thể hiện chất lượng sống của một giai đoạn nhất định chứ không thể chỉ nói nhằm đảm bảo cho mục tiêu phục vụ những đối tượng thu nhập thấp như Bộ Xây dựng lý giải được.
Thứ hai, phải căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở đã được phê duyệt (năm 2011-2015), trong đó xác định, tới năm 2015 có tới 90% là nhà ở chung cư, đô thị loại 1, loại 2, loại 3 phải là 60%. Vậy thì, nếu lấy lý do giải quyết cho các đối tượng thu nhập thấp nghĩa là sẽ phải giải quyết ở mục tiêu 90% là nhà ở chung cư theo định hướng chiến lược phát triển nhà ở.
Thứ ba, Luật nhà ở đã nhiều lần đề cập đến định hướng phát triển nhà ở theo xu hướng đổi mới phương thức chủ yếu là nhà ở cho thuê chứ không phải là nhà ở lâu dài như chúng ta đang làm. Nghĩa là đi theo cơ chế chính sách nhà cho thuê nhiều hơn.
Nhưng cũng không được gạt mục tiêu quy chuẩn của đô thị. Theo quy định trước đây, những nhà ở liền kề nằm hai bên mép các trục đường, diện tích phải là 40-50m2, chiều rộng tối thiểu là 5m2. Với diện tích nhỏ hơn có thể giảm diện tích khoảng 35-36m2, nhưng vẫn phải đảm bảo chiều rộng đủ 4m2.
Không vì bất cứ lý do gì để Bộ Xây dựng đưa ra diện tích 25m2, rõ ràng sẽ tạo ra những ngôi nhà siêu mỏng, thậm chí đô thị sẽ có những ngôi nhà chắp vá, tủm mủn chứ không phải đáp ứng được yêu cầu theo xu hướng một đô thị phát triển, hiện đại như chúng ta thấy.
Từ đó, buộc Bộ Xây dựng phải xem xét lại.
Lý giải tiếp theo của Bộ Xây dựng cho rằng Bộ chỉ đưa quy định chung, còn tùy từng địa phương áp dụng, lý giải này cũng không đúng.
Theo quy chuẩn hiện hành năm 2008, ban hành chung cho cả nước đã quy định rất rõ ràng diện tích tối thiểu không thấp hơn 30m2, vậy lý do gì, năm 2015 Bộ Xây dựng lại hướng tới một quy định thụt lùi.
“Tôi không thể lý giải được vì sao Bộ Xây dựng đã biết rõ những mâu thuẫn đó nhưng vẫn đưa ra được dự thảo này. Băm nhỏ các lô đất để dễ bán, phá nát cảnh quan đô thị… đi ngược với chủ trương của các tỉnh thành, đia phương, đi ngược với Luật hiện hành, thụt lùi so với những quy định trước đây.
Phải chăng Bộ Xây dựng đang vì lợi ích của những chủ đầu tư, nóng lòng muốn giải phóng được khối BĐS đang nằm chết như hiện nay”?, KTS Đào Ngọc Nghiêm bức xúc.
Bộ Xây dựng phải trả lời
“Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải trả lời, tại sao lại đưa ra quy định đó. Từ 30m2 giảm xuống 25m2 Bộ Xây dựng được gì, để làm gì?”, KTS Nguyễn Tấn Vạn chất vấn.
Ông nói, đô thị không nơi nào giống nơi nào, nên không thể đưa ra một quy chuẩn chung cho cả nước được. Hãy để các địa phương tự quyết định bộ mặt của họ.
Vị KTS này đặt câu hỏi, quy định trước đây đưa ra kích thước tối thiểu là 30m2 đã bị coi là quá hạn chế rồi, tại sao Bộ Xây dựng lại tiếp tục đưa ra một quy chuẩn mà biết trước là không thể được chấp nhận.
KTS Nguyễn Quang An phân tích, nếu chủ quan nhìn vào một không gia đô thị chung sẽ thấy ngay quy định này đã tạo ra một không gian không hài hòa, không đẹp mắt.
Người ta hay nói tới một tỉ lệ vàng trong kiến trúc không gian đô thị, khi tất cả đều tỉ lệ với nhau, cái không tỉ lệ sẽ nổi bật lên. Trong trường hợp này cũng vậy.
Bộ Xây dựng đưa ra quy chuẩn này đồng nghĩa với việc nó sẽ băm nát hoàn toàn khối không gian đô thị chung, rất khó nhìn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo