Góc nhìn

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thêm sức ép cạnh tranh

Việc thâm nhập thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

 Với thành công trong thương vụ mua lại Metro, không lâu nữa, Tập đoàn Berli Jucker sẽ quản lý, điều hành 19 trung tâm phân phối của Metro xây dựng trong hơn 10 năm qua. Việc tỷ phú người Thái Lan chấp nhận đầu tư tới 879 triệu USD để mua lại hệ thống siêu thị của Metro cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vô cùng hấp dẫn, nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, mức thuế giảm xuống còn 0%, một điều kiện thuận lợi để mở rộng thị phần bán lẻ trên thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam.

 

Đáng chú ý, trước khi mua lại Metro, hãng này đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart của nhà bán lẻ Nhật Bản trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái và ra mắt chuỗi bán lẻ mới mang tên B’mart tại Việt Nam, với khoảng 70% hàng hóa từ Thái Lan.

 

Nhìn lại những bước đi của tập đoàn này vào thị trường Việt Nam, ông Trịnh Đình Long, chuyên gia tư vấn chiến lược cạnh tranh cho rằng, BJC đã nghiên cứu, tính toán kỹ càng, và rõ ràng là một đối thủ mạnh trong thị trường bán lẻ. Đây cũng chính là lời cảnh báo cho cả doanh nghiệp sản xuất cũng như các nhà bán lẻ Việt Nam khi thị trường được mở cửa hoàn toàn.

 

“Khi đối tác mới tham gia vào sân chơi, chuỗi cung ứng sẽ tác động đến phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, nên Thái Lan có lợi thế khai thác sản phẩm của nước này, thì cơ hội hàng Thái Lan vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. Ngày trước hàng Thái Lan vào Việt Nam còn khó khăn, giờ họ có 19 trung tâm Metro, hệ thống chuỗi tiện lợi B’mart, hàng hóa họ đổ vào giống như luồng chảy đổ vào hệ thống, chạy rất nhanh trong cả nước và đây là thuận lợi lớn cho nhà sản xuất của Thái Lan”, ông Long cho biết.

Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có nhiều lợi thế trong kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: KT)

Thực tế là từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành bán lẻ Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh chóng và chứng kiến cuộc “đổ bộ” của hầu hết các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới như Metro, Big C, Lotte, Aeon, Auchan…và tới đây là BJC.

 

Mặc dù các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chỉ chiếm gần 4% trong tổng mức bán lẻ tại Việt Nam, nhưng lại có nhiều lợi thế về vốn, mặt bằng bán lẻ, nhân lực…; doanh số mà siêu thị của các tập đoàn nước ngoài thu về thường lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp nội và không ngừng lớn mạnh.

 

Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ trong nước với những khó khăn nội tại liên quan đến hệ thống phân phối, năng lực quản trị, liên kết, chất lượng hàng hóa….lại phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nhà bán lẻ nước ngoài. Đáng chú ý là nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường ngày càng mạnh mẽ và không ít nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần hoặc tỷ lệ vốn của chính các doanh nghiệp trong nước.

 

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ gặp thất thoát rất lớn.

 

“Chúng ta chấp nhận mở cửa, không đối đầu nhưng phải cạnh tranh sòng phẳng, rõ ràng và minh bạch. Sắp tới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hiệp định TPP và các FTA với nhiều nước. Các nguy cơ đã được cảnh báo lâu rồi nhưng sự chuyển biến của ta chậm trong khi nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển động mạnh mẽ để đón cơ hội ở ta. Thách thức là rất lớn, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cần hợp sức lại. Về vĩ mô cần có hỗ trợ, quy hoạch lại hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại”, ông Phú cho hay.

Các chuyên gia nhận định, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ triệt để hơn, thị trường tài chính được kết nối, các quy định và thủ tục kinh doanh sẽ có sự liên thông giữa các quốc gia... Đó là những thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, nhưng thách thức cũng rất lớn, khi đối mặt với làn sóng hàng hóa các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược làm ăn bài bản, dài hạn và liên kết chặt chẽ với nhau, thì mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh.

 

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng khoảng 20 nhà bán lẻ hàng đầu hoặc 10 doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, nhằm giúp các nhà bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

 

“Các nhà bán lẻ ngoại có thế mạnh về vốn, tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người… đều hơn doanh nghiệp nội. Để doanh nghiệp nội vươn lên, Hiệp hội mong muốn có những chính sách và quy định mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đơn cử như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường… Một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ thích đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, bà Đinh Thị Mỹ Loan kiến nghị.

 

Chỉ còn khoảng 1 năm nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với sự mở rộng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia khuyến cáo, để tiếp sức cho doanh nghiệp nội, rất cần chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hạ tầng, đất đai, tài chính, đào tạo nguồn lực…

Ngoài ra, chính doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối linh hoạt…thì mới giữ được thị phần của mình./.

 

 

Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo