Góc nhìn

Doanh nghiệp đã có công cụ “soi” công chức lạm quyền

Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh” - thông điệp đó của Thủ tướng Chính phủ chính là công cụ để người dân, doanh nghiệp ngăn chặn hành vi lạm quyền của công chức và hoàn toàn có thể thực hiện ngay.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã bắt đầu bằng câu “chúng ta đang sống trong toàn cầu hóa…”.

Đây là điểm vô cùng quan trọng khi đặt nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để đưa ra những yêu cầu cải cách và phát triển.
 
Nhất là khi năng lực cạnh tranh quốc gia đang chậm lại thì việc nhìn vấn đề nội tại của nền kinh tế trong tổng thể, so sánh với thế giới sẽ tạo áp lực cho các kế hoạch hành động.
 
Thứ hai, nếu nói một cách ngắn gọn nhất thì dân chủ, thị trường và nông thôn là 6 từ thể hiện linh hồn của thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ mà tôi cảm nhận được.
 
Thủ tướng đã nêu một mục riêng về nông nghiệp, tôi cho rằng, đây là tư duy mới và cần thiết. Mô hình phát triển cho nông nghiệp lâu nay vẫn theo hướng đưa công nghiệp, doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông thôn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra liên kết giá trị. Tuy nhiên, trong mô hình này, vai trò của nông dân, nông thôn là thứ yếu và nhiều khi không nhận được những quyền lợi sòng phẳng, bị cuốn vào quá trình công nghiệp hóa một cách thụ động.
 
Đặt lại vị trí của nông dân, nông thôn là điều cần thiết để tìm đến một mô hình mà ở đó, tích hợp được xã hội - kinh tế - công nghiệp ngay tại nông thôn, phát huy tính sáng tạo và năng lực của người nông dân, không doanh nghiệp hóa nông thôn, công nhân hóa nông dân, mà là hiện đại hóa, văn minh hóa nông nghiệp – nông thôn.
 
Thứ ba, thông điệp quan trọng nhất với doanh nghiệp là khi Thủ tướng Chính phủ nói: “Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh” mà không kèm theo vế thường thấy phía sau là đảm bảo quản lý của cơ quan nhà nước. Đi cùng với đó là thông điệp cơ quan nhà nước và cán bộ công quyền chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Tôi rất muốn nhắc tới chữ "nhất" mà Thủ tướng đã dùng.
 
Thông điệp này của Thủ tướng Chính phủ đã chấm dứt tranh luận, những ý kiến còn khác nhau trong các nội dung liên quan đến chức năng của nhà nước và quyền hạn của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ để người dân, doanh nghiệp ngăn chặn hành vi lạm quyền của công chức và hoàn toàn có thể thực hiện ngay.
 
Khi người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước sẽ trở về đúng vị trí của mình, mở rộng cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội làm những công việc có đủ năng lực và điều kiện hơn. Hiện tại, nhiều nguồn lực của nhà nước đổ vào những việc không phải của nhà nước nên bộ máy phình ra nhưng hiệu quả công việc không cao. Doanh nghiệp mong rằng, nhà nước phải đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện các công việc chính yếu của mình chính là kiến tạo phát triển, không thể để các cơ quan nhà nước kêu thiếu cán bộ thanh tra, nghiên cứu hoạch định chính sách… trong khi nhiều dịch vụ công có thể chuyển giao cho các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện.
 
Liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào tái cơ cấu khu vực này khi nguyên tắc bán vốn theo nguyên tắc thị trường tiếp tục được nhấn mạnh. Quan điểm của tôi là đầu tư nhà nước cần hướng vào những điểm cốt lõi, tạo sức bật như cơ sở hạ tầng để tạo nên hiệu quả theo cấp số nhân cho nền kinh tế chứ không chỉ trông vào một vài dự án của doanh nghiệp nhà nước, từ những khoản đóng góp cho ngân sách hàng năm của doanh nghiệp nhà nước.
 
Với quan điểm này, sự thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ mở rộng không gian phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, từ đó tạo việc làm cho người lao động, cổ tức cho cổ đông – đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, vốn đầu tư vào sản xuất tạo nguồn thu và năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Ngân sách nhà nước nhờ đó có nguồn thu bền vững.
 
Với tư duy này, cộng với quyết tâm của Thủ tướng là xử lý những người đứng đầu nếu không thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa, đây là thời điểm để các bước tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thoát ra được sự trì trệ hiện nay để có bước đột phá.
 
Với những thông điệp và áp lực từ cả nội tại nền kinh tế và hội nhập, tôi hy vọng năm 2014 sẽ năm tạo sự đột phá trong hành động. Chính Thủ tướng Chính phủ sẽ là người tạo nên được bước chuyển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo