Doanh nhân

Doanh nghiệp dân doanh bị phân biệt đối xử

Theo kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp dân doanh khắp cả nước đang vẫn phải chịu tình trạng phân biệt đối xử không chỉ so với doanh nghiệp nhà nước mà cả với doanh nghiệp FDI.

 

Doanh nghiệp dân doanh bị phân biệt đối xử.

DN dân doanh đang bị DN nhà nước tước đi nhiều cơ hội

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2013 cho biết cảm nhận ngày càng tiêu cực về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương, xuất phát từ môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng. Hay nói cụ thể hơn, “doanh nghiệp dân doanh đang bị doanh nghiệp nhà nước ( DNNN) vốn được ưu ái tước đi nhiều cơ hội kinh doanh.”

Điều này xuất phát từ việc, “DNNN sử dụng vị thế độc quyền trong các ngành được bảo hộ để tạo ra dòng tiền, giúp thành lập các công ty con cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp dân doanh trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản cho đến sản xuất bóng đèn và dịch vụ nhà hàng, khách sạn.”
Báo cáo cho thấy, khoảng 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI cho biết ưu đãi đối với DNNN do Trung ương quản lí là một trở ngại cho hoạt động của họ; con số này đã tăng nhẹ so với năm 2012. 35% doanh nghiệp đã nhận định rằng chính quyền dành nhiều ưu đãi cho các công ty lớn ở lĩnh vực mua sắm công, 27% DN được hỏi cũng cho rằng tình trạng phân biệt đối xử cũng xảy ra ở các lĩnh vực như tiếp cận đất đai , tiếp cận vốn , và gánh nặng thủ tục hành chính.

Tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng việc tỉnh ưu ái doanh nghiệp lớn gây khó khăn cho hoạt động của họ giảm đáng kể so với năm 2005, song con số vẫn đủ lớn để tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại, báo cáo này nhận định.

Phân biệt đối xử

Báo cáo cũng đưa ra nhận định, tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng hiện diện ở khắp các địa phương trên toàn quốc với mức độ khác nhau. Tại một số tỉnh,quá nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI đồng ý với nhận định chính quyền tỉnh tạo thuận lợi hơn cho DNNN trong tiếp cận đất đai và tín dụng.

Doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI nhắc nhiều đến hai hình thức ưu đãi tương tự ưu đãi đối với DNNN. Đó là ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tiền thân là DNNN và chủ doanh nghiệp có mối quan hệ với chính quyền; hai là ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI.

Theo điều tra doanh nghiệp mới nhất của Tổng cục Thống kê, Nhà nước hiện nắm cổ phần hay phần vốn kiểm soát tại 2.048 công ty trên cả nước. Lãnh đạo hoặc chủ các doanh nghiệp này thường đã từng là lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước hoặc là quản lí tại DNNN nên vẫn giữ được các mối quan hệ cá nhân gần gũi với quan chức chính quyền, do đó được hưởng nhiều thuận lợi và quan tâm hơn trong tiếp cập các nguồn lực, đấu thầu mua sắm công.

Ngoài yếu tố quan hệ, 35% doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp lớn trong tỉnh (về quy mô doanh thu và lao động) cũng được ưu ái nhiều hơn.

Về tổng thể, khoảng 32% doanh nghiệp chung quan điểm này, giảm so với tỉ lệ 45% năm 2008. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, cảm nhận này là phổ biến, đặc biệt là tại Tuyên Quang (49%), Nam Định (46%) và Hà Nam (44%). Tại Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng, cũng có đến 40% doanh nghiệp phàn nàn về việc doanh nghiệp FDI được ưu ái.

Báo cáo PCI 2013 cũng chỉ rõ, mặc dù một số doanh nghiệp nói đến tình trạng ưu đãi trong lĩnh vực tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính song mấu chốt là, chính quyền tỉnh quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài hơn là giải quyết khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dân doanh hoạt động.

Theo kết quả khảo sát, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Kiên Giang và Cần Thơ tạo ra được sân chơi bình đẳng nhất, trong khi các doanh nghiệp dân doanh tại Hà Tĩnh phải vật lộng với nhiều khó khăn hơn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo