Góc nhìn

Doanh nghiệp đấu giá phải hoạt động chuyên nghiệp

“Đã lập doanh nghiệp đấu giá thì phải hoạt động chuyên nghiệp, người chủ doanh nghiệp nhất thiết phải là đấu giá viên chứ không thể đi thuê đấu giá viên về làm”. Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng ban soạn thảo tại Phiên họp thứ hai Dự án Luật Đấu giá tài sản diễn ra hôm qua 20/3.

Kinh doanh một hay đa nghề?

 

Báo cáo tổng hợp, tiếp thu ý kiến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) tại phiên họp, bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp bán đấu giá (BĐG) đã có sự phát triển đáng kể về số lượng, tuy nhiên tính chuyên nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. 

 

Trong số 190 doanh nghiệp đấu giá, hiện nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ĐGTS và hoạt động trong lĩnh vực này thường xuyên. Số doanh nghiệp ĐGTS còn lại chỉ đăng ký lĩnh vực kinh doanh BĐG là hoạt động bổ sung cho các lĩnh vực kinh doanh khác mà không thực hiện phiên đấu giá nào trên thực tế; có doanh nghiệp một năm chỉ tổ chức một vài phiên đấu giá. Điều này làm giảm tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp BĐG, gây khó khăn cho công tác quản lý về hoạt động BĐG tại địa phương. 

 

Do đó, vấn đề này hiện còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần giữ nguyên như quy định của Nghị định 17/CP hiện nay về doanh nghiệp ĐGTS là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề được thành lập, tổ chức và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp ĐGTS được kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, trong đó có hành nghề bán ĐGTS. 

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để đảm bảo tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề đấu giá thì Dự luật cần quy định doanh nghiệp ĐGTS chỉ hành nghề trong lĩnh vực đấu giá, không được kinh doanh các ngành, nghề khác.

Ông Quảng Văn Minh, Chủ tịch Tập đoàn NaLaf cho rằng không quan trọng là doanh nghiệp kinh doanh một hay đa ngành nghề mà cần thiết phải quy định điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho doanh nghiệp đấu giá ví dụ như phải có phòng đấu giá, qua đó sẽ loại bớt các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng vẫn hoạt động đấu giá.

Đại diện Trung tâm bán đấu giá tài sản Vĩnh Phúc cho rằng, để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng thì cần quy định rõ trong Luật ĐGTS doanh nghiệp hoạt động đấu giá phải chuyên nghiệp mà không phải đa ngành nghề. 

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường tỏ rõ quan điểm: Đã lập doanh nghiệp đấu giá thì phải hoạt động chuyên nghiệp, người chủ doanh nghiệp nhất thiết phải là Đấu giá viên (ĐGV) chứ không thể đi thuê ĐGV về làm. Một doanh nghiệp hành nghề đấu giá tối thiểu phải có hai ĐGV. 

 

Cần thận trọng khi chuyển đổi

 

Về chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS sang mô hình doanh nghiệp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị phải cân nhắc. Theo ông Trần Tiến Dũng, hiện nay vẫn còn đến 21 địa phương chưa có doanh nghiệp đấu giá, trong 190 doanh nghiệp thì chỉ 20 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vì thế vai trò của các Trung tâm sẽ vẫn còn trong thời gian dài. 

 

“Ta nên đưa vào cơ chế bảo đảm cho các doanh nghiệp đấu giá hoạt động hiệu quả, khi đã hiệu quả rồi thì các Trung tâm tức khắc phải thu hẹp hoặc giải thể nếu họ làm không tốt”, ông Dũng nhấn mạnh. 

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Thủy đồng tình: “cẩn thận trọng vì nhiều nơi vai trò của Trung tâm đấu giá vẫn rất quan trọng, nhất là trong bán ĐGTS thi hành án”.

 

Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp đấu giá lại cho rằng nên chuyển đổi để tạo ra sự công bằng giữa các tổ chức hành nghề đấu giá và nên quy định thẳng các điều kiện để được chuyển đổi vào trong Luật cho dễ thực hiện.  

 

 Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Muốn trở thành ĐGV thì không đòi hỏi quá cao xa về học thuật (cử nhân là được) nhưng kiến thức xã hội, kỹ năng mới là quan trọng. Đồng thời, đã là cử nhân rồi thì phải làm việc ít nhất 5 năm mới làm ĐGV được chứ không phải ra trường mà làm được ngay. Luật nên mở rộng nguồn đối tượng có thể trở thành ĐGV (không chỉ Đại học Luật hay Đại học Kinh tế mà cần mở đến các đại học khác). 

 

 Một vấn đề khác về tiêu chuẩn đối với ĐGV là về đạo đức. Một người đã phạm tội (dù là tội do vô ý) thì cũng không thể được làm ĐGV. Các vấn đề khác như đào tạo, tập sự… cũng cần quy định thật cụ thể trong Luật, tránh phải giao Chính phủ quy định chi tiết.

Theo báo Pháp luật
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo