Phân tích

Doanh nghiệp kêu trời vì tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL 5

(DNVN) - Các doanh nghiệp (DN) vận tải đã đồng loạt phản ứng trước thông tin từ ngày 1/4 tới đây, mức phí phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 5 tăng thêm 50% còn đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng tăng khoảng 25% so với hiện nay.

Chủ đầu tư muốn tăng phí để tránh phá sản

Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa công bố thông tin điều chỉnh biểu mức phí trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5 áp dụng từ 1/4/2016. 

Theo đó, mức phí cao nhất của tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 840.000 đồng/lượt và QL 5 là 200.000 đồng/lượt. Cụ thể, chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 38B thuộc tỉnh Hải Dương có mức phí thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 400.000 đồng. Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên mức phí thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 170.000 đồng.

Đối với các xe dưới 12 chỗ, xe tải trọng dưới 12 tấn nằm trong diện tăng phí đến 25%; còn loại hiện áp mức phí cao nhất là xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40fit không tăng, có một số chặng còn giảm nhẹ.

Cũng từ ngày 1/4, VIDIFI điều chỉnh tăng phí 2 trạm BOT trên QL 5. Theo đó, mức phí trên QL5 sẽ dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt, tăng từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 từ 1/4.

Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cho biết, việc tăng phí dựa theo quy định tại Thông tư số 153/2015/TT - BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính và theo phương án tài chính đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được các bộ, ngành phê duyệt. Việc điều chỉnh phí nhằm mục đích duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông Quốc lộ 5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Ông Chiến nói rõ, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là công trình cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc thu hồi vốn đang gặp khó khăn. Theo phương án đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dự án được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư. Thế nhưng trong đó 16% nhà đầu tư phải thu từ tiền sử dụng đất qua việc đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị bên đường. Do vậy, nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng.

Thậm chí, tại buổi thông báo sẽ áp dụng mức phí mới từ ngày 1/4, ông Chiến nói rõ: “Chúng tôi biết các doanh nghiệp vận tải cũng khó khăn. Một số nhà vận tải nói tăng phí họ sẽ phá sản  nhưng nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã  phê duyệt thì chúng tôi sẽ phá sản trước”.

Lợi chủ đầu tư... nhưng doanh nghiệp sẽ lao đao

Trước thông tin này, đại diện Hiệp hội Vận tải và các doanh nghiệp đã bày tỏ nhiều ý kiến bức xúc. Trả lời báo Vietnam+, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng cho biết, doanh nghiệp của ông hiện có 80 đầu xe chạy dọc cả 2 tuyến đường sắp tăng mức phí qua trạm thu. Bình quân một tháng, đơn vị phải chi trả tới 800 triệu đồng tiền thu phí cho phương tiện.

 

“Ngày thường các xe của công ty đang chạy trên tuyến đường này lỗ bởi khách ít, không bù đủ chi phí. Chỉ có những ngày cuối tuần, lễ, Tết thì mới có lãi. Ngoài các chi phí nhiên liệu, nhân công, khấu hao xe nếu mức phí tăng thêm thì doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản tiền khá lớn và sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp vận tải,” ông Hải cho biết

Theo ông Hải, xe khách chạy trên Quốc lộ 5 thu phí bằng vé tháng, quý nên chỉ tính một lượt đồng thời chủ phương tiện được giảm 10% nên tạo điều kiện cho nhà xe giảm giá thành vận tải khi chạy trên đường 5. Nhưng cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thì không được như vậy. Vé phí đường cao tốc chiếm khoảng 6-8 vé hành khách có trên xe.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bus Hải Phòng thông tin, đơn vị đang khai thác xe khách tuyến Hà Nội-Hải Phòng trên cả cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5, việc tăng phí khá cao của đơn vị đầu tư từ ngày 1/4 tới đây chắc chắn sẽ làm doanh nghiệp khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng cao trong khi doanh nghiệp không thể tăng cước. 

“Công ty sẽ phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, giãn nốt khai thác nếu quá khó khăn,” đại diện Công ty Bus Hải Phòng bày tỏ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, việc tăng phí đã có lộ trình từ liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính, các doanh nghiệp vận tải đều biết, tuy nhiên có bất cập là sẽ làm cho giá thành đầu vào tăng cao, giá cước sẽ tăng, sản phẩm hàng hóa cũng phải điều chỉnh ảnh hưởng đến người dân.

 

“Quốc lộ 5 là đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, lẽ ra là người dân phải được hưởng theo mức phí như các tuyến Quốc lộ từ ngân sách đầu tư nhưng ở đây mức phí lại quá cao và đi ngược lại chủ trương của Nhà nước. Nhà nước cho phép doanh nghiệp thu phí Quốc lộ 5 để hỗ trợ hoàn phí cho đường cao tốc. Nhưng đường cao tốc hoàn toàn là vốn BOT của nhà đầu tư, hiện lại lấy phí của đường ngân sách để bù cho tư nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải trên đường,” ông Tiến băn khoăn.

Khẳng định các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng chưa điều chỉnh giá cước bởi phải có lộ trình, thời gian, ông Tiến cho rằng, giá cước tăng hiệu quả kinh doanh sẽ giảm đi. Nếu chủ hàng không chấp nhận điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng không có cách nào vì bỏ chở hàng thì sẽ không có việc để làm.

Nên đọc
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo