Phân tích

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng: Cần khắc phục hạn chế

Tiếp nối bài “Bàn giải pháp để doanh nghiệp & ngân hàng gặp nhau”, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã đề cập về thực trạng doanh nghiệp thiếu vốn cần vay, trong khi ngân hàng có vốn cũng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Điều đáng nói, nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay được thuận lợi, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã ký kết với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các quỹ về gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn, dù việc triển khai các phương án cho vay vốn rất cởi mở…

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đại diện Ban Khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa - BIDV cho biết: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 26/CTTTg ngày 06/6/2017 về việc tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, các NHTM, trong đó có BIDV đã tích cực triển khai các giải pháp phù hợp để hỗ trợ DNNVV vay vốn, chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, minh bạch và đơn giản thủ tục vay vốn, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Do vậy, tại BIDV số lượng DNNVV mới quan hệ ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2017, BIDV đã thiết lập quan hệ với gần 34.000 khách hàng DNNVV, trong đó có gần 2.000 khách hàng mới thiết lập quan hệ tín dụng. Hiện BIDV đang là ngân hàng dẫn đầu trong hệ thống NHTM về cung ứng vốn tín dụng cho DNNVV.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Ban Khách hàng BIDV, trong quá trình cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, BIDV nhận thấy bản thân DNNVV còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như năng lực hoạt động, thông tin thiếu minh bạch, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán; thiếu tài sản bảo đảm. Lĩnh vực khởi nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo do xuất phát điểm thường là dựa trên những ý tưởng mới nên việc thẩm định, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của phương án kinh doanh tương đối khó, trong khi người đứng đầu doanh nghiệp đa phần là người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm… Để tháo gỡ khó khăn trên, bản thân các DNNVV cần nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh theo hướng minh bạch, lành mạnh để đáp ứng các yêu cầu thẩm định của ngân hàng. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng ngân hàng để khắc phục nhược điểm thiếu tài sản đảm bảo và trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Sau khi ban hành gói tín dụng, BIDV đã phối hợp cùng Hiệp hội DNNVV Việt Nam trực tiếp làm việc với các Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương, DNNVV ở các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục vay vốn ngân hàng, giải đáp các khó khăn vướng mắc... Đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng đã được triển khai tại các địa bàn Hà Giang, Nghệ An, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai với tổng dư nợ gần 30 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh triển khai gói tín dụng, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cần có các giải pháp chỉ đạo các Hiệp hội địa phương tích cực giới thiệu doanh nghiệp hội viên và chưa có quan hệ tại BIDV, đồng thời phối hợp với các Chi nhánh BIDV trên toàn quốc để triển khai gói tín dụng ưu đãi nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

THÔNG TIN VỀ GÓI TÍN DỤNG 10.000 TỶ ĐỒNG DÀNH CHO DOANH NGHIỆP VỚI CƠ CHẾ ƯU ĐÃI 
Đối tượng khách hàng: 
 Khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm 2 nhóm đối tượng:
Đối tượng 1: Là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam/ Hiệp hội DNNVV địa phương/Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương đối với các địa phương chưa tách riêng Hiệp hội DNNVV và được giới thiệu vay vốn bởi Hiệp hội DNNVV.
Đối tượng 2: Là thành viên của nhóm doanh nghiệp tương hỗ (khái niệm, điều kiện thành lập nhóm, quyền và nghĩa vụ của nhóm doanh nghiệp tương hỗ theo quy  định cụ thể của BIDV).
Quy mô gói tín dụng: 
Dư nợ tối đa 10.000 tỷ đồng.
Thời gian triển khai: Từ ngày 03/8/2017.
Thời hạn và loại tiền cho vay: Cho vay ngắn hạn ≤ 9 tháng bằng VND.
Số tiền cho vay tối đa: Dư nợ triển khai theo gói tín dụng ưu đãi tối đa 30 tỷ đồng/khách hàng.
Điều kiện áp dụng:
Theo quy định cụ thể của gói tín dụng.
Cơ chế ưu đãi:    
Về lãi suất: BIDV ưu tiên giảm lãi suất với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường tối đa 1%/năm đối với doanh nghiệp được giới thiệu và tối đa 0.5%/năm đối với doanh nghiệp giới thiệu uy tín.
Về mức phí: BIDV xem xét ưu đãi phí dịch vụ và quyết định các chính sách miễn giảm phí cho khách hàng trên cơ sở biểu phí từng thời kỳ của BIDV. Về chính sách tài sản đảm bảo: BIDV xem xét kết hợp linh hoạt các loại tài sản của khách hàng để đảm bảo cho khoản vay và không áp dụng thời gian thử thách theo quy định hiện hành của BIDV.
Nên đọc
P.V (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo