Doanh nghiệp khổ vì chạy đất dự án
Năm 2013 có 55% doanh nghiệp gặp khó khăn thủ tục hành chính về đất đai, trong khi đó năm 2010 thì tỷ lệ là 37%.
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên môi trường và VCCI tổ chức ngày 25/6, các ý kiến đều cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính vì hiện đang bị phiền hà, phức tạp thủ tục và mất quá nhiều thời gian.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) và là Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invesst) cho rằng: Các thủ tục trong quá trình đầu tư làm chậm quá trình đầu tư của doanh nghiệp (DN) nhiều lần, không những gây khó khăn cho DN tư nhân mà nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy như đi vào “thiên la địa võng”.
Dù là một DN đã thực hiện một số dự án cũng đã quen với các thủ tục nhưng ông Hiệp cũng tỏ ra mệt mỏi bởi quá nhiều thủ tục phức tạp. Ông Hiệp chỉ rõ, việc đầu tiên trong khi phát triển một dự án là phải xin ý kiến định hướng của thành phố có được đầu tư hay không, cái này gửi lên UBND thành phố, nhưng cơ quan này không trực tiếp trả lời mà sẽ hỏi các Sở, ngành liên quan, rồi phải chờ các Sở ngành đó không có ý kiến gì thì thành phố mới chấp thuận đầu tư chung.
Bước thứ hai phải được Sở Kế hoạch đầu tư thực hiện chấp thuận đầu tư. Sở Kế hoạch đầu tư trực tiếp nhận hồ sơ của DN, nhưng không trực tiếp trả lời. Sở này quay sang hỏi Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng, các Sở chuyên ngành,…và UBND quận nơi có dự án, tổng cộng 5-6 cơ quan.
Sau khi nhận được phản hồi, UBND TP mới ra chấp nhận đầu tư do Sở Kế hoạch đầu tư soạn thảo, khoảng 40 ngày sau khi được chấp nhận đầu tư mới được Sở Kế hoạch đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Nhưng để được cái giấy này lại phải mất thêm khá nhiều thời gian do Sở Kế hoạch đầu tư còn phải hỏi lại các Sở, ngành trước đó. Rồi để được Sở Quy hoạch kiến trúc cấp phép quy hoạch cũng lạo phải chờ để đơn vị này hỏi lại các Sở khác… quy trình cứ lặp đi lặp lại. Rồi còn nhiều giấy tờ khác như thẩm định quy hoạch, bản vẽ quyết định giao đất, cấp phép xây dựng… nếu ai làm nhanh nhất, dự án nhỏ, không phức tạp thì mất 1 năm, có dự án 3 năm, 5 năm, thậm chí lâu hơn cũng chưa xong nếu dự án phức tạp”, ông Hiệp than phiền.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Tài nguyên Môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ 4 (sau Thuế, Quản lý thị trường và An toàn phòng chống cháy nổ) trong giai đoạn 2010 – 2013, nhưng lại chính là lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện TTHC, đặc biệt là liên quan đến đất đai".
Cũng theo ông Tuấn, có tới 55% số DN tham gia cuộc khảo sát do VCCI và USAID tiến hành cho hay họ từng gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong năm 2013, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 trở lại đây.
Kết quả khảo sát chỉ số PCI năm 2013 cho thấy, tỷ lệ các DN từng gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đang có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2010, tỷ lệ các DN gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 36% thì đến năm 2013 con số này đã lên tới 55%.
“Theo đánh giá của cộng đồng DN, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là phiền hà nhất so với các loại thủ tục hành chính khác. Trong đó, các DN cho rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, thông tin quy hoạch chưa được công khai, thủ tục cấp phép các loại chứng nhận trong lĩnh vực còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, tốn kém rất nhiều chi phí”, ông Tuấn nói.
Chưa hết, ông Tuấn còn chia sẻ: Cách đây hơn 1 năm, khi tiến hành nghiên cứu đánh giá về thủ tục đất đai đầu tư xây dựng, có DN cho biết, ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn nếu thời gian thực hiện xong vấn đề về đất đai từ khi xin chủ trương, GPMB, lập quy hoạch xong trong 3 năm là thành công lớn. Điều này cho thấy gánh nặng về TTHC, chỉ một thủ tục liên quan đến đất đai nhưng nhà đầu tư phải đi nhiều cửa, rồi phải đốc thúc từng Sở, ngành một để được đồng ý trong một quy trình đáng ra chỉ một cửa.
Nhà đầu tư không chỉ liên hệ với cơ quan cấp Sở, mà còn phải lên đến cơ quan cấp tỉnh, 1 số dự án còn liên quan đến cuộc họp tỉnh ủy, xuống cấp huyện xã, thôn xóm… cho thấy độ phức tạp, phối hợp liên ngành rất nhiều thủ tục.
“Vì thế, đối với nhà đầu tư không có am hiểu, không có quan hệ tốt, không có ảnh hưởng lớn thì rất khó khăn. Nếu thủ tục đất đai không được cải thiện thì chỉ những nhà đầu tư “chạy” giỏi mới tiếp cận được nguồn lực tốt, còn nhà đầu tư nào không biết “chạy” hoặc không muốn “chạy” thì rất khó tiếp cận”, ông Tuấn thẳng thắn.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà đánh giá: "Thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên, môi trường dù đã được cải cách nhưng còn nhiều hạn chế, vẫn gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc cho người dân và DN. Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo ông Hà là do cải cách TTH là việc khó và phải làm thường xuyên, lâu dài. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn hạn chế, cũng khiến cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả mong muốn".
Ông Đậu Anh Tuấn thì cho rằng, cần chú trọng công khai minh bạch những TTHC. Vấn đề đất đai không đứng riêng, nó liên quan đến vấn đề quy hoạch, về giấy phép xây dựng, thủ tục đầu tư nên cần chú trọng đến giải pháp liên ngành, nếu nhìn từng ngành có vẻ rất thông suốt nhưng để phù hợp giữa các ngành thì lại có vấn đề.
Thời gian qua, chính sách đất đai thay đổi quá nhanh nên có nhiều dự án làm chưa xong nhưng đã thay đổi mấy lần, gây khó khăn cho DN và các cấp địa phương trong quá trình thực hiện, nên chính sách đất đai cần có sự ổn định hơn.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng đánh giá lĩnh vực đất đai cùng với các lĩnh vực khác như hải quan, thuế… là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, vì ở đâu có cơ chế xin-cho nhiều và ở đâu thủ tục phức tạp, ảnh hưởng của người ra quyết định rất lớn đối với việc thực hiện quyền của DN thì ở đó nguy cơ tham nhũng cao. Vì thế, minh bạch, công khai, đơn giản hóa thủ tục là cách thức để giảm thiểu tham nhũng và phiền hà.
Cần phải nói rõ rằng, vào tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 6930/VPCP-KSTT yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính đã được thúc đẩy, nhưng kết quả thu được vẫn còn quá nhỏ. Trên thực tế, rất nhiều các thủ tục hành chính dù là nhỏ nhất như nhập hộ khẩu, xin cấp phép xây nhà, cho tới sang nhượng tài sản... vẫn còn nhiều thủ tục gây khó gây khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: "Cải cách thủ tục hành chính chậm là do sự yếu kém trong nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức và người đứng đầu từng cơ quan. Thói quen ban phát thủ tục hành chính vẫn chưa thể chuyển đổi được trong một thời gian ngắn".
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo