Doanh nghiệp kinh doanh vàng "đệ đơn" gửi Thủ tướng
Sửa đổi lại Nghị định 24/NĐ-CP
Tại văn bản trình Thủ tướng, VGTA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi lại Nghị định 24/NĐ-CP và chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi lại Thông tư 16/TT-NHNN, Thông tư 38/TT-NHNN và Thông tư 22/TT-BKHCN cho phù hợp với quy định của Luật đầu tư 2014 và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Theo VGTA, danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014 chỉ đề cập 03 ngành nghề liên quan đến vàng bao gồm “Kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”, “Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”, nhưng tại Điều 1, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định tất cả các hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt có khái niệm “hoạt động kinh doanh vàng khác” hết sức chung chung, nhưng lại có sức hạn chế vô cùng lớn.
“Như vậy, ngoài 3 ngành, nghề kinh doanh vàng có điều kiện theo quy định tại Luật đầu tư 2014, thì các ngành, nghề kinh doanh còn lại theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP hiện đang trái với Luật đầu tư 2014”, văn bản của VGTA nhấn mạnh.
Ngoài ra, từ Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật doanh nghiệp 2014, đến Luật Đầu tư 2014 đều đã khẳng định nhất quán quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”.
Theo đó, VGTA cho rằng, NHNN quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục, điều kiện kinh doanh vàng trong Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN, và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định điều kiện kinh doanh trong Thông tư 22/2014/TT-BKHCN là không đúng thẩm quyền ban hành và hoàn toàn trái với quy định hiện hành của pháp luật.
Cho doanh nghiệp vàng được vay vốn
Cũng tại văn bản này, VGTA cho biết, theo quy định tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN.
Tuy nhiên, trong hơn 4 năm qua chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đó là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.
Hơn nữa, theo quy định của Luật đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, nếu những văn bản cấp Thông tư không được nâng cấp lên thành Nghị định, thì sau ngày 01/07/2016 sẽ bị hết hiệu lực thi hành.
Vì vậy, VGTA kiến nghị NHNN bãi bỏ quy định tại Điều 2, Thông tư 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu
Cũng tại văn bản, VGTA kiến nghị cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN.
Lý do được đưa ra là việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế, thì doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ bãi bỏ quy định cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo Hiệp hội này, việc gia công vàng trang sức, mỹ nghệ và tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để thực hiện hoạt động này hiện không nằm trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật đầu tư 2014.
Hơn nữa, hoạt động tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu cũng không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ của Nhà nước, nên NHNN cũng không cần cấp phép đối với họat động này. Nếu có quy định, thì doanh nghiệp chỉ cần báo cáo định kỳ với NHNN.
Bỏ quy định cáp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng
Tại văn bản trình Thủ tướng, VGTA cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng, mà chỉ quy định các doanh nghiệp đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này.
Theo VGTA, hoạt động thử nghiệm vàng cũng không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư 2014.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BKHCN, doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng trước khi thực hiện hoạt động này. Theo Hiệp hội này, đây thực chất là giấy phép con không cần thiết, lúp bóng dưới giấy chứng nhận.
Cũng tại văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã kiến nghị không nên coi việc doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân là hoạt động kinh doanh vàng khác; bỏ quy định cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với các Chi nhánh/ địa điểm kinh doanh trực thuộc Công ty, kể cả thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo