Góc nhìn

Doanh nghiệp, người dân sợ thông tư hơn luật

“Trong thực tế, người dân, doanh nghiệp đang sợ thông tư hơn luật, hơn nghị định vì thông tư đang hạn chế quyền và tăng thêm nghĩa vụ cho họ. Luật ở trên giời, thông tư thì dưới đất”- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu trong phiên Quốc hội thảo luận Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sáng nay (27.11).

 Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

"Đẽo cày giữa đường"

Trong phát biểu 7 phút trước nghị trường, Chủ tịch VCCI đã nói hết sức thẳng thắn về những căn bệnh triền miên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở Việt Nam.

Đó là việc thiếu định hướng của các cơ quan trong khi ban hành VBQPPL giống như anh “đẽo cày giữa đường”, khiến văn bản sau đó thậm chí không biết đường hướng nào.

“Thực tiễn cho thấy có những văn bản pháp luật không rõ mục tiêu điều chỉnh, không rõ đối tượng chính sách dẫn tới những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết. Ví dụ một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe người lái xe…”- ông Lộc nói.

Trong khi đó, không có chỗ nào trong dự thảo xác định chính sách là gì, chính sách gồm những nội dung nào, căn cứ để ban hành chính sách. Toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nên cả người soạn thảo lẫn người thẩm định không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu gì.

Về quyền lập quy của các bộ ngành, địa phương- ông Lộc nói- hiện nay các bộ ngành, địa phương là nơi làm luật chủ yếu. Tuy nhiên, quá trình đó, theo ông Lộc là đầy bất cập khi họ vừa là cơ quan đề xuất soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách vì thế dành thuận lợi cho cơ quan nhà nước, đẩy khó khăn do DN, cho người dân.

Luật ở trên giời, thông tư thì dưới đất

Dẫn thực tế 8 năm thực thi luật ban hành VBQPPL, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói có quá nhiều bất cập. Đó là trình trạng nhiều luật được ban hành nhưng không có hướng dẫn. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dân kéo dài chưa có dấu hiệu chấm dứt. Người dân và DN chờ thông tư nghị định hơn chờ luật. Thực tế có nhiều trường hợp công chức ở cơ sở đã từ chối với lý do chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân, doanh nghiệp cũng sợ thông tư hơn luật, hơn nghị định vì trong thực tế thông tư đang hạn chế quyền và tăng thêm nhiều hơn nghĩa vụ cho họ. Luật ở trên giời, thông tư thì dưới đất.

“Tôi chưa thấy dự thảo đưa ra các giải pháp hiệu quả để quyết tình trạng này”- Chủ tịch VCCI nhận xét. Ông đề nghị luật phải bổ sung 3 nguyên tắc: Thứ nhất, văn bản các bộ ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân so với các văn bản của cấp trên, tương tự như Luật Doanh nghiệp không cho phép các bộ ngành địa phương ban hành thêm quy định về điều kiện kinh doanh. Thứ hai là chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có văn bản hướng dẫn; Và thứ ba, theo ông Lộc, có cơ chế kiểm soát và xử lý đối với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo