Phân tích

Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm thị trường bán lẻ tại Việt Nam

Dân số trẻ, thu nhập đang được cải thiện, thị hiếu tiêu dùng gần với người Nhật là những điểm khiến thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản.
 
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, tổng mức bán lẻ năm 2012 đạt khoảng 2.324 nghìn tỷ đồng (tương đương 110 tỷ USD), tăng khoảng 16% so với năm 2011. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 700 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố và khoảng 120 trung tâm thương mại tại 40/63 tỉnh, thành phố; 8.700 chợ. Trong đó, số chợ thành thị là 1.910 chợ; chợ nông thông có khoảng 6.7900 chợ. Ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình với diện tích trung bình khoảng 15m2.
 
Trong những năm gần đây, Nhật Bản liên tiếp là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, đã có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản có giấy phép đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên chủ yếu đều là doanh nghiệp ngành chế tạo, chế biến. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến việc phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam như bán lẻ, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe…- ông Tomiyasu Nakamura- Phó Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết.
 
Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa dịch vụ phân phối ở mức rất cao. Kể từ năm 2009, trên thị trường nội địa có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài, do đó mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy vậy, việc thành lập cơ sở bán lẻ thứ 2 trở lên phải trải qua kiểm tra nhu cầu kinh tế.
 
Đến nay, người tiêu dùng Việt Nam đã không còn xa lạ với những tên tuổi bán buôn, bán lẻ của nước ngoài như Pakson (Tập đoàn Lion, Malaysia), Big C của Tập đoàn Casino (Pháp) đầu tư, hệ thống Metro của Tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức)…
 
Về Nhật Bản, ngay từ trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cho phép một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam như siêu thị Hà Nội Seiyu (năm 2005 đã chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác và đổi tên thành UNImart), trung tâm thương mại Zen Plaza, cửa hàng đồng giá Daso, cửa hàng tiện lợi FamilyMart.
 
Đặc biệt là năm 2012, có sự góp mặt của hai nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản (Takashimaya và Aeon) đầu tư với dự án “khủng” tại Việt Nam, đã làm hâm nóng thị trường bán lẻ trong nước.
 
Ngoài ra, còn hàng trăm cửa hàng bán hàng điện tử, điện lạnh tiêu dùng, thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Sony, Panasonic, Toshiba, Sharp, Mitsubishi, Daikin…có mặt ở hầu hết các địa phương của Việt Nam.
 
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ cũng mong muốn phát triển mô hình bán hàng tại nhà, không có cơ sở cửa hàng, trực tiếp đến nhà giới thiệu và phân phối sản phẩm của mình.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Thoa cho biết, mô hình bán lẻ tại Việt Nam khá đa dạng, bán hàng tại nhà chưa có nhà đầu tư nào. Hiện nay chỉ có kênh bán hàng qua truyền hình và hàng hóa được đặt và giao hàng tại nhà.
 
Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, dịch vụ phân phối là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Vì vậy, ngoài đáp ứng được lộ trình cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư của Việt Nam cũng như các quy định liên quan khác đối với từng trường hợp cụ thể.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Công Thương
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo