Góc nhìn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tận dụng hết lợi thế của các FTA

Theo bà Trần Thị Thu Hương- Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt là các thông tin ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các hàng hóa và dịch vụ cũng như các hàng rào kỹ thuật khác để có thể nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững.

Bà Trần Thị Thu Hương- Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Chưa tận dụng hết lợi thế

PV: Dường như bản thân các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam khi tham gia kinh doanh trong thị trường ASEAN đều chưa tận dụng được tối đa lợi thế của mình. Bà phân tích về điều này như thế nào?

Bà Trần Thị Thu Hương: Tất cả chúng ta đều thấy 1 trong những lợi thế lớn nhất khi các DN tham gia các FTA đó là lợi thế về những ưu đãi thuế quan. Để có thể tận dụng tốt nhất những lợi thế đó, trước hết từ phía các DN cần phải có sự nhận thức rất đầy đủ về những hiệp định thương mại này. Cụ thể, để sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu và nâng tính cạnh tranh thì DN phải tìm hiểu những quy định về quy tắc xuất xứ, vì căn cứ vào từng hiệp định thì quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ khác nhau.

Tại Việt Nam, việc tận dụng lợi thế trên để xuất khẩu còn rất hạn chế. Thống kê cho thấy tỷ lệ giấy chứng nhận C/O mẫu D (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam –PV) cho hàng hóa xuất khẩu mới chỉ chiếm 25% trên tổng kim ngạch khối hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN.

Ở mỗi hiệp định thương mại đều đưa ra danh mục cho những mặt hàng cụ thể, ở những sản phẩm khác nhau, quy định nguồn gốc xuất xứ cũng khác nhau. DN phải tìm hiểu kỹ, nếu hiểu biết còn hạn chế, có thể tìm hiểu qua các cơ quan có thẩm quyền. Thực tế, tôi nghĩ rằng các cơ quan, bộ ngành cũng rất chủ động trong việc mở lớp tập huấn, hướng dẫn, phổ biến cho các DN, nhưng trong thời gian qua sự tham gia của các DN còn rất hạn chế.

Các DN chỉ làm bộ hồ sơ về giấy chứng nhận xuất xứ khi nhà nhập khẩu yêu cầu hơn là từ phía bản thân DN tự chủ động tìm hiểu các quy định về xuất xứ sau đó liên hệ với cơ quan có thẩm quyền nhờ hướng dẫn, tư vấn thêm để làm sao có thể có được giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi. DN Việt Nam hoàn toàn bị động, khi chúng ta thực hiện các hiệp định FTA để hưởng lợi thế, ưu đãi về thuế quan theo FTA mang lại

Có thể họ vẫn nghĩ là chưa cần thiết hoặc chưa đến mức phải tìm hiểu những điều này. Họ vẫn cho rằng bài toán để được hưởng ưu đãi thuế, bản thân họ không được hưởng lợi thế đó, mà nhà nhập khẩu được hưởng. Bên cạnh đó kèm theo tâm lý rất ngại tiếp xúc với cơ quan công quyền, họ cho rằng khi phải làm thêm thủ tục nào đó, họ phải đi đi lại lại, gặp nhiều vướng mắc…nên DN còn thái độ e dè, và hạn chế tiếp xúc để có thể chủ động nắm bắt cơ hội này.

PV: Nói về chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, như bà đưa ra ví dụ với ngành dệt may, gần như nguyên liệu ngành dệt may không đáp ứng quy định của ASEAN, cũng như hiệp định lớn như TPP? Bà có thể nói rõ hơn?

Bà Trần Thị Thu Hương: Thực tế, không phải là riêng Hiệp định thương mại TPP, mà bản thân các quy định về quy tắc xuất xứ, đã có quy định đối với hàng dệt may và may mặc xuất khẩu bắt buộc phải qua 2 công đoạn gia công. Dệt may của Việt Nam là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, đưa lại kim ngạch lớn cho Việt Nam, nhưng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại khác thì người ta đều yêu cầu công đoạn dệt đó phải được dệt tại Việt Nam hoặc tại các nước có tham gia hiệp định thương mại đó thì sản phẩm may mặc đó mới đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ.

Để tận dụng tốt nhất những hiệu quả về lợi thế các hiệp định mang lại, cần phải có sự đầu tư thích đáng, đầu tư đúng hướng cho các DN.

Các tổng công ty dệt may, hiệp hội dệt may cũng nỗ lực nhiều trong việc xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, cũng có định hướng về việc xây dựng những nhà máy để có thể sản xuất được kéo sợi, dệt nhuộm. Vấn đề đang mắc ở đây là khi chúng ta đầu tư vào ngành công nghiệp dệt, nhuộm thì phải có nguồn vốn rất lớn và phải là sự đầu tư dài hạn, thì mới có thể có những kết quả. Nó khác với DN về may mặc, họ chỉ cần cắt may tại nhà xưởng…việc đầu tư dễ dàng cho DN. Xu hướng DN vẫn thích đầu tư vào may hơn là dệt vì những khó khăn đó.

Nhưng không có cách nào khác nếu chúng ta muốn thực hiện được những tận dụng tốt nhất những hiệu quả về nguồn lợi các hiệp định mang lại, bắt buộc phải có sự đầu tư thích đáng, đầu tư đúng hướng cho các DN để thực hiện được quy định trong các FTA.

Cần tăng tỷ lệ nội địa hóa

PV: Với rất nhiều bộn bề khó khăn như vậy, theo bà thì DN Việt Nam nên tập trung vào những vấn đề gì để đương đầu với thách thức khi quá trình hội nhập diễn ra ngày càng mạnh mẽ?

Bà Trần Thị Thu Hương: Theo lộ trình thực hiện đến năm 2015, tính ra chúng ta chỉ còn 1 năm nữa để chuẩn bị. Trong giai đoạn này, về phía các DN Việt Nam thì nên chủ động tìm hiểu tất cả các dòng thuế. Khoảng 90% các dòng thuế giảm xuống 0% vào năm 2015, nhưng chỉ thực hiện đầy đủ ở 6 nước, còn 4 nước là Campuchia, Việt Nam, Lào, Myanma thì được linh hoạt đến năm 2018. Phải xem xem những dòng thuế của Việt Nam tới 2015 tới này còn mặt hàng nào, khi đến 2018 và những năm tiếp theo tham gia lộ trình này thì chúng ta còn sản phẩm nào.

Khi đó DN Việt Nam có thể đưa ra kế hoạch về nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh với các nước khác trong ASEAN thì mới có thể trụ vững trên sân nhà và tiến xa, xuất khẩu ra các nước thành viên trong khối khác. Nếu không có tâm thế chuẩn bị như vậy, tôi e rằng ngay ở trên sân nhà chúng ta cũng bị thua, khi hàng hóa ở các nước ASEAN lợi thế hơn về giá thành, chất lượng, kèm theo tâm lý đã đi vào mỗi người dân là tâm lý sính ngoại, thì chúng ta sẽ bị mất dần thị phần, dễ dàng thua ngay chính trên sân nhà của chúng ta.

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại thị trường Việt Nam, DN bị hạn chế nhiều, cũng có thể có những ngành công nghiệp phụ trợ đó phù hợp với DN nhưng vấn đề DN không biết đến các ngành công nghiệp đó ở đâu, của công ty nào để tìm đến để kết nối, mua bán.

Tôi cho rằng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và cần có 1 cơ quan, tổ chức như bà mối đứng ra giới thiệu những DN sản xuất những thành phẩm này thì tìm tới nguồn cung ứng nguyên liệu để kết nối và sử dụng nguồn nguyên liệu của nhau, thì là tốt nhất để tăng hàm lượng nội địa của chính Việt Nam. Theo thống kê của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa tính trên 1 đơn vị sản phẩm của Việt Nam hiện tại mới chỉ chiếm 29%, trong khi đó của Thái Lan là 53%, Indonexia 41%.

Vấn đề sử dụng nguyên liệu sẵn có chính trong nội địa đang ở mức thấp. Cần phải tăng hàm lượng nội địa hóa này lên. Khi đó chúng ta mới có thể tìm hiểu thêm nguồn nguyên phụ liệu tại các nước ASEAN, áp dụng quy tắc xuất xứ, hàm lượng nội địa hóa trên 40% để tận dụng tốt nhất các lợi thế FTA mà ASEAN có ký kết.

Trân trọng cảm ơn bà!
 

Đoàn Huế (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo