Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong lãi suất giảm thêm
Trình bày tham luận tại Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean 2015” diễn ra ngày 18/11, TS. Phạm Ngọc Long – Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như đề xuất kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ.
Bên lề Hội thảo, PV đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Ngọc Long xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế?
TS. Phạm Ngọc Long: Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong bốn động lực phát triển bên cạnh khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp khu vực nông nghiệp nông thôn.
Mặc dù mấy năm nay khủng hoảng kinh tế tác động, doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt rất nhiều khó khăn nhưng tính trong khoảng thời gian gần 10 năm trở lại đây, diện mạo khu vực này thay đổi rõ rệt. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm, 30% cho xuất khẩu và 36% vào giá trị sản lượng công nghiệp. Đồng thời tạo việc làm cho 51% lao động, thời điểm phát triển có thể thu hút tới gần 1 triệu lao động/năm.
Đặc biệt trong chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, thì vai trò của khu vực này càng thể hiện rõ.
Tuy nhiên, vài năm vừa qua do tác động của khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động mạnh và gặp nhiều khó khăn. Hiện nay nổi lên ở năm vấn đề: Khó tiếp cận được mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, thứ hai là chậm đổi mới công nghệ, thứ ba là khó về thị trường đầu ra, thứ tư là gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn hỗ trợ của Nhà nước cũng như vốn tín dụng, và cuối cùng là làm sao nâng cao được trình độ quản lý ở các doanh nghiệp.
Giải quyết được vấn đề trên sẽ tạo cú hích rất tốt. Nếu môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh được cải thiện trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định thì tôi thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa có triển vọng phát triển rất khả quan và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế như đã thấy ở giai đoạn trước.
Kinh tế hiện nay đang yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy thế mạnh tiềm năng, tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của những động lực đi vào thực chất của nền kinh tế.
PV: Theo ông, thực tế việc huy động vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay như thế nào?
TS. Phạm Ngọc Long: Từ đầu năm đến nay, tính đến hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tăng 2,03%. Tỷ trọng tín dụng chỉ chiếm 25% trong cả nền kinh tế. Điều đó cho thấy việc phân bổ vốn của toàn xã hội cho khu vực này chưa nhiều, chưa đủ, chưa đúng với tiềm năng, thế mạnh của nó.
Cái khó hiện nay là tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn cao, cho nên việc tiếp cận vay vốn ngân hàng gặp nhiều trở ngại, những điều kiện thủ tục tín dụng mà các ngân hàng áp đặt cũng quá sức với doanh nghiệp. Nếu chúng ta không có những đổi mới thì chính sách hỗ trợ, ví dụ như chủ trương của Chính phủ là tăng tỷ phần cho vay tín chấp, cho vay không tài sản đảm bảo sẽ không giải quyết được. Để làm được điều này cần hàng loạt cơ chế, chính sách, điều chỉnh cả về mô hình, quy chế, quy trình tín dụng của các ngân hàng. Hai nữa là hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước kèm theo nguồn lực tập trung hội tụ, phát huy hiệu quả.
PV: Mức lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang là bao nhiêu và nó có quá sức chịu đựng của doanh nghiệp không, thưa ông?
TS. Phạm Ngọc Long: Theo thống kê, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn trong khoảng 5-8%. Để tiếp cận mức lãi suất 5-6% thì phải thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và là những khách hàng tốt. Còn thường vay ngắn hạn doanh nghiệp chịu mức lãi suất 7-8%. Còn lãi suất cho vay trung và dài hạn thường 9-10%.
Tuy nhiên, qua thực tiễn chúng tôi khảo sát thì không hẳn như vậy. Vì xếp hạng rủi ro đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tương đối cao, điều kiện thủ tục lại khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài sản đảm bảo, thế chấp của các doanh nghiệp khi vay ngân hàng hiện nay cạn kiệt nên lãi suất mà ngân hàng áp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiếm khi được ở mức như công bố. Và qua khó khăn nhiều năm nay giờ đang trong quá trình hồi phục, tái cơ cấu lại nên tỷ suất lợi nhuận có thể đạt được là trên dưới 10% nên khối doanh nghiệp này vẫn kỳ vọng mặt bằng lãi suất đối với họ có thể điều chỉnh giảm nữa thì tốt.
Đặc biệt, khuyến khích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới về công nghệ bởi máy móc thiết bị hiện nay lạc hậu quá (lạc hậu đến 2-3 thế hệ so với mặt bằng chung thế giới). Thống kê cho thấy 88% ở mức độ lạc hậu hoặc ở mức trung bình, trung bình khá. Chỉ 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được máy móc thiết bị tương đối hiện đại. Vì để đầu tư vào trang thiết bị máy móc hết sức tốn kém trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa nội lực bị xói mòn, năng lực tài chính suy kiệt thì đầu tư đổi mới công nghệ hết sức khó khăn.
Tín dụng là một trong những nguồn trông vào. Còn nếu tiếp cận được nguồn vốn từ thị trường chứng khoán sẽ giúp họ nâng cao được hệ số tín nhiệm và có sự bảo trợ của quỹ bảo lãnh để tiếp cận nguồn vốn vay khác, kể cả từ ngân hàng thương mại, thị trường trái phiếu.
PV: Thời gian gần đây, lãi suất giảm nhiều lần, hiện lãi suất đã giảm sâu. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn kêu lãi suất cao. Theo ông có phải dù lãi suất có giảm nữa thì cũng chưa thể giúp được cho doanh nghiệp? Vậy cần có giải pháp nào để tháo gỡ vướng mắc?
TS. Phạm Ngọc Long: Chúng ta phải phân biệt mặt bằng lãi suất đã đang và còn có thể tiếp tục giảm. Những lĩnh vực, ngành hàng, dự án tốt giúp doanh nghiệp thoát nhanh khỏi khó khăn, lãi suất cần giảm tiếp, còn doanh nghiệp hoạt động tốt rồi thì có thể chấp nhận được lãi suất thông thường trên thị trường.
Hiện nay còn có những doanh nghiệp mới gần như doanh nghiệp ngoài chính sách, khởi nghiệp hay đã phá sản xong thành lập lại, thứ ba là những doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới khoa học công nghệ thì nhu cầu vốn rất lớn. Song do những chính sách của các ngân hàng chậm chuyển đổi, cơ chế, quy trình tín dụng vẫn theo nếp cũ nên muốn thay đối phải từ chính tư duy ngân hàng thương mại. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải sàng lọc, tái cơ cấu để sắp xếp lại.
Thực tế khảo sát nhiều doanh nghiệp đã trả lời thẳng thừng là không có nhu cầu vay vốn, lý do họ thấy thị trường không có triển vọng gì cả, tổng cầu nền kinh tế thấp, sức mua thấp, thị trường đầu ra khó khăn nên không đầu tư mở rộng. Vì thế tắc vốn là chuyện đương nhiên.
Đặc biệt phải xem lại vai trò của bảo lãnh tín dụng. Cả nước mới chỉ có 10 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập ở một số tỉnh, tính từ thời điểm tháng 9/2013 tới giờ. Doanh nghiệp tiếp cận quỹ này cũng rất khó. Ở một số nước, hệ số tài sản đảm bảo chiếm 15-20%, phần lớn là cho vay tín chấp, với điều kiện cấp chứng thư bảo lãnh chỉ cần nhìn vào nhân thân chủ doanh nghiệp, ngành hàng của doanh nghiệp, họ phân tích xu thế phát triển, triển vọng của doanh nghiệp là có thể cho vay.
Để giải quyết tốt cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, hướng dòng vốn tín dụng đi đúng địa chỉ, đúng trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực chỉ có giới hạn, phải ưu tiên phát triển một cách có hiệu quả, dành vốn cho lĩnh vực ưu tiên, ngành hàng nào tham gia chuỗi cung cứng sản phẩm, tham gia hội nhập thì đầu tư.
Đặc biệt, những kiến nghị của doanh nghiệp vào dự thảo luật lần cuối trước khi trình Chính phủ ký đã không được phản hồi. Theo tôi, quỹ bảo lãnh tín dụng nên tạm thời dừng để soạn thảo lại quy chế hoạt động và chúng tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính trả lời khi doanh nghiệp đóng góp ý kiến.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo