Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ô tô than phiền cách tính thuế còn nhiều lỗ hổng

Loay hoay hơn 20 năm, Việt Nam vẫn chưa có được ngành công nghiệp ô tô cho riêng mình. Đề án 20 năm tiếp nữa nhận được nhiều đánh giá lạc quan của giới phân tích, tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn, nổi bật là chính sách thuế.

 

Ngày 27.4, Bộ Công thương đã tổ chức buổi Tọa đàm: “Đối thoại Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

 

Băn khoăn về thuế

 

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng năng lực sản xuất và lắp ráp ô tô các loại của Việt Nam khoảng 460.000 xe/năm. Trong đó, tỷ lệ xe con và xe tải tương đương nhau.

 

Tuy nhiên, phần lớn xe mới chỉ dừng lại ở sản xuất giản đơn, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Chẳng hạn, dòng xe con của Thaco chỉ đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt cao hơn, riêng dòng xe Inova đạt 37%. Dòng xe tải có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, như Thaco 33% còn Vinaxuki đạt 50% ở một số dòng xe tải nhẹ.

 

Lý giải cho điều này, ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết nguyên nhân do ngành ô tô Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó còn do công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, mức sống người dân chưa cao nên dung lượng thị trường nhỏ…

 

Trong buổi tọa đàm, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng như các hiệp hội đều dành sự quan tâm đến chính sách thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, linh kiện… và sự minh bạch, rõ ràng trong khâu làm chính sách.

 

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải cho rằng, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay có nhiều lỗ hổng. Điển hình là xe lắp ráp, thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên xe xuất xưởng bao gồm cả phí lắp ráp, phí sản xuất, lợi nhuận của nhà sản xuất. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt của xe nguyên chiếc lại tính trên giá xe nhập về, chưa tính giá marketing hay lợi nhuận của nhà sản xuất.

 

Ông Dương cũng đề xuất ý kiến rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nên được tính trên giá bán buôn của doanh nghiệp nhập khẩu.

 

“Nếu làm được điều này sẽ hạn chế được gian lận thương mại, tránh được vấn đề chuyển giá khi tính giá thuế. Nếu chúng ta tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán buôn thì nhà sản xuất có làm bằng hình thức nào đi chăng nữa thì cuối cùng họ vẫn phải cộng vào giá thành để tính thuế” – ông Dương cho biết.

 

Cũng phát biểu ý kiến về chính sách thuế, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa kịp phát triển đã gặp phải vấn đề về thuế nhập khẩu bằng 0.

 

Ông cũng cho rằng, để thị trường phát triển cần duy trì chính sách thuế ổn định. Thuế chi phí sản xuất ảnh hưởng nhiều đến sản lượng mỗi dòng xe.

 

“Thị trường cạnh tranh nên mỗi nhà sản xuất đều nỗ lực để giảm chi phí sản xuất trong việc tăng cường nội địa hóa. Tuy nhiên, với sản lượng hiện nay, rất khó để tăng cường nội địa hóa, giảm chi phí sản xuất….” – ông Yoshihisa Maruta cho biết.

 

“Bài toán” nhiều Bộ giải chung

 

Về phía Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh cũng nêu rõ rằng, đây là đề án được Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo, giao cho các Bộ ngồi lại với nhau, phối hợp bàn thảo chứ không phải nhiệm vụ riêng của Bộ Công thương hay Bộ nào. Theo đó, Bộ Công thương đưa ra các chính sách hỗ trợ trong phần giải pháp của báo cáo như sau:

 

Các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô được vay vốn tín dụng đầu tư và phát triển của Nhà nước với lãi suất theo từng thời kỳ. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc bằng các giải pháp khác.

 

Các doanh nghiệp sản xuất 3 dòng xe ưu tiên được hỗ trợ chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại. Các tổ chức, cá nhân mua xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn hoặc xe nông dụng, xe chức năng được hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng.

 

Các dự án đầu tư 3 dòng xe ưu tiên được xem xét hỗ trợ đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực…

 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện mở rộng dung lượng thị trường ô tô trong nước, đối với dòng xe ưu tiên đến 9 chỗ, xe khách từ 10-24 chỗ được áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp hơn so với quy định hiện hành.

 

Song song với đó là những hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên có công suất tối thiếu 100.000 xe/năm. Các chính sách về công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng cũng như việc liên tục tăng cường công tác quản lý thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu, gian lận thương mại…

Theo một thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo