Góc nhìn

Doanh nghiệp tham gia xây dựng luật

Cần nghiên cứu cơ chế để các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, trong một số trường hợp cụ thể, có thể được mời tham gia phát biểu ý kiến, giải trình tại các cuộc họp thẩm tra, thẩm định các dự án luật.
Tại buổi lấy ý kiến về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều DN cho rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay rất phức tạp.
 
Theo đánh giá của Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch Công ty Luật BASICO- văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng thấp, nội dung bất cập, mâu thuẫn chồng chéo… tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật “phức tạp nhất thế giới nhưng hiệu quả, hiệu lực thì ngược lại”.
 
Hiện nay các văn bản luật có tính chất khung vì có nhiều điều khoản dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc, chưa thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Hậu quả của tình trạng luật khung dễ tạo ra một hệ thống pháp luật thiếu minh bạch, văn bản luật không phù hợp với thực tế, thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa thực sự tôn trọng đầy đủ lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức…
 
Theo dự kiến, 30 dự án luật sẽ được thảo luận, trong đó sẽ thông qua 17 luật là chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Luật sư Ngô Việt Hòa- Công ty Luật Russin& Vecchi- cho rằng, đây là một chương trình lập pháp đồ sộ cho một kỳ họp chỉ kéo dài hơn 1 tháng của Quốc hội. Số lượng quá lớn các dự án luật cần thảo luận, cho ý kiến hoặc thông qua tại một kỳ họp rõ ràng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của chính các đạo luật đó.
 
Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI, thời gian qua, nhà nước đã có những nỗ lực để quy trình xây dựng văn bản pháp luật trở nên minh bạch và đi vào thực chất, biểu hiện bằng việc soạn thảo và ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2002, sửa đổi toàn diện năm 2008 và hiện đang tiếp tục được soạn thảo để thay thế. Các sửa đổi đang hướng đến tính minh bạch và công khai quy trình xây dựng văn bản pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc soạn thảo văn bản, đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan đến DN.
 
DN có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách và là đối tượng được lấy ý kiến rộng rãi, bắt buộc khi có quy định liên quan. Do vậy, ý kiến chung của nhiều DN cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế để các đại diện DN, hiệp hội DN, trong một số trường hợp cụ thể, có thể được mời tham gia phát biểu ý kiến, giải trình tại các cuộc họp thẩm tra, thẩm định các dự án luật của Hội đồng Tư vấn chính sách và pháp luật của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội...
Theo khảo sát của VCCI, 20% DN sẵn sàng góp ý tất cả các dự thảo luật, 45% DN sẽ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, 32% DN chỉ tham gia nếu các quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho DN, 4% DN không có nhu cầu tham gia ý kiến.
Báo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo