Góc nhìn

Doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ thắng lớn trên thị trường Nhật?

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản thời gian tới sẽ thuận lợi hơn, bởi cơ quan thẩm quyền nước này đang xem xét nâng mức dư lượng Ethoxyquin (ETQ) trong tôm nhập khẩu nguồn gốc Việt Nam từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm.

Xung quanh vấn đề này, PV Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Xuất khẩu tôm chuyển hướng “lao dốc”

PV: Quy định kiểm tra dư lượng Ethoxyquin (ETQ) của Nhật Bản đối với tôm Việt Nam vẫn đang là rào cản chính đối với tôm xuất khẩu. Thời gian qua, yêu cầu khắt khe của thị trường này đã khiến xuất khẩu tôm gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Trương Đình Hòe: Năm 2012, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Nhật Bản liêu xiêu do quy định kiểm tra ETQ, chất chống oxy hóa sử dụng trong thức ăn nuôi tôm. XK tôm sang thị trường này năm 2012 chỉ tăng 1,7% so với năm 2011, đạt 617,7 triệu USD.

Ảnh hưởng của quy định kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng ETQ trong tôm Việt Nam đã khiến XK tôm sang thị trường này đang trên đà tăng trưởng chuyển hướng “lao dốc”. 6 tháng đầu năm 2012, XK tôm sang Nhật Bản vẫn tăng trưởng trên 28% so với cùng kỳ năm 2011.

Ngày 18/5/2012, Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra ETQ đối với 30% lô tôm nhập khẩu (NK) từ Việt Nam với mức dư lượng 0,01ppm. XK tôm sang thị trường này bắt đầu giảm kể từ tháng 7 và đến cuối tháng 8/2012, Nhật Bản chính thức áp dụng kiểm tra ETQ 100% tôm Việt Nam đã khiến XK tôm sang thị trường này 6 tháng cuối năm luôn giảm 2 con số.

Nhiều năm qua, Nhật Bản luôn dẫn đầu về NK tôm Việt Nam với giá trị đạt trên 600 triệu USD/năm. Quy định kiểm tra ETQ đã khiến nước này xuống vị trí thứ hai về NK tôm Việt Nam sau Mỹ trong năm 2013 này.

PV: Thời gian hơn một năm qua, DN trong ngành này áp dụng các biện pháp gì để cải thiện tình hình ETQ?

Ông Trương Đình Hòe: Hơn một năm qua, cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN đã nỗ lực trong việc cải thiện tình hình ETQ với một loạt biện pháp nhằm giảm thiểu dư lượng chất này trong tôm XK.

Song song với đàm phán với phía Nhật Bản, Việt Nam cũng đã có hàng loạt văn bản gửi tới các cơ quan liên quan của nước này đề nghị nâng mức dư lượng ETQ đối với tôm lên mức 1ppm tương đương với dư lượng áp dụng cho các sản phẩm cá. Gần đây nhất là công văn của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) gửi Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đề nghị xem xét nâng mức dư lượng ETQ từ mức 0,01ppm hiện nay lên 1ppm.

Về phía cộng đồng DN, các nhà máy chế biến tôm XK sang Nhật Bản tăng cường tối đa kiểm tra dư lượng ETQ trong tôm, từ khâu nguyên liệu đến chế biến và XK. Đại diện một DN cho biết tôm trước khi XK sang Nhật Bản phải qua 5 lần kiểm tra ETQ. Chấp nhận chi phí tăng lên nhưng Nhật Bản được nhiều DN xác định là thị trường quan trọng và không thể đánh mất.

Theo thống kê từ hệ thống cảnh báo thực phẩm NK vào Nhật Bản, số lô tôm Việt Nam nhiễm ETQ giảm mạnh từ 17 lô năm 2012 xuống còn 4 lô. 

Việc Nhật Bản nới lỏng quy định ETQ cũng là tín hiệu tốt có thể giúp khơi thông thêm thị trường Hàn Quốc cũng đã áp dụng kiểm tra ETQ tôm Việt Nam với mức 0,01ppm từ đầu năm 2013.

Sắp nới lỏng quy định ETQ

PV: Thông tin mới nhất là Nhật Bản đang xem xét nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm. Tín hiệu này mở ra những cơ hội nào cho XK tôm Việt Nam, thưa ông?

Ông Trương Đình Hòe: XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu được cải thiện kể từ tháng 1/2013. 10 tháng đầu năm 2013, XK tôm sang thị trường này đạt trên 574,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Vấn đề ETQ được cải thiện đáng kể cùng với nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh do EMS và giá tôm trên thị trường thế giới tăng cao đã và đang hậu thuẫn cho XK tôm Việt Nam sang thị trường tiêu thụ hàng đầu này.

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan dẫn đầu thế giới về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh cho Nhật Bản với 24.806 tấn tôm, tăng 8,1% trong 9 tháng đầu năm 2013.

Ngoài ra, giá trung bình tôm nguyên liệu đông lạnh NK vào Nhật Bản cũng tăng mạnh trong năm nay do nguồn cung khan hiếm đã giúp gia tăng giá trị cho tôm Việt Nam XK sang thị trường này. 9 tháng đầu năm 2013, giá trị NK tôm đông lạnh Việt Nam vào Nhật Bản tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012.

PV: Theo ông, doanh nghiệp thủy sản cần làm gì để tăng tốc, tận dụng thời cơ để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu rất tiềm năng này?

Ông Trương Đình Hòe: Nếu như quy định về dư lượng ETQ trong tôm NK từ Việt Nam được nâng lên mức 0,2 ppm như dự kiến thì đây sẽ là cơ hội rất tốt cho tôm cho Việt Nam mở rộng thị phần XK sang Nhật Bản.

Hiện nay, DN XK tôm sang Nhật Bản đã cải thiện đáng kể tình trạng dư lượng ETQ trong tôm XK. Thống kê cảnh báo chất lượng hàng thủy sản NK của Nhật Bản cho thấy 04 lô tôm bị cảnh báo có chứa dư lượng ETQ ở mức từ 0,02 – 0,05 ppm, thấp hơn nhiều so với mức dư lượng mới.

Cùng với việc tiếp tục duy trì kiểm soát tốt ETQ, các DN của Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa XK tôm sang Nhật Bản để bù đắp lượng thiếu hụt từ Thái Lan, chịu ảnh hưởng nặng nề từ EMS khiến sản lượng giảm mạnh. Thống kê NK tôm vào Nhật Bản cho thấy, NK từ Thái Lan trong 9 tháng đầu năm nay giảm 38%, từ 25.744 tấn xuống còn 15.964 tấn.

Ngoài ra, Nhật Bản nới lỏng quy định ETQ cũng là tín hiệu tốt có thể giúp khơi thông thêm thị trường Hàn Quốc cũng đã áp dụng kiểm tra ETQ tôm Việt Nam với mức 0,01ppm từ đầu năm 2013.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Đoàn Huế (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo