Doanh nghiệp Việt không có lãi ở thị trường Ukraine
* Chiến sự miền Đông Ukraine ảnh hưởng thế nào đến giao thương Việt Nam - Ukraine, thưa ông?
- Đầu tiên là kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá làm cho hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đắt hơn so với khả năng thanh toán của người dân Ukraine.
Năm 2015, kinh tế Ukraine giảm 10%, lạm phát lên đến 46% và đồng tiền mất giá một nửa. Những điều này đã tác động tiêu cực đến khả năng tiêu thụ hàng Việt Nam ở thị trường này.
Doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh khó khăn tại Ukraine.
Xuất khẩu của nước ta sang thị trường Ukraine giảm mạnh, nếu năm 2013 đạt kim ngạch 350 triệu USD thì đến 2014 chỉ còn 300 triệu USD và năm 2015 đã giảm xuống 255 triệu USD.
Giảm sút thương mại của Việt Nam tại Ukraine không phải cá biệt. Kim ngạch của các đối tác thương mại lớn với Ukraine như Mỹ, EU, đặc biệt là Nga và Trung Quốc đều giảm.
* Theo ông thì thị trường Ukraine đang cần những sản phẩm gì?
- Ukraine cần gạo, tiêu, điều, thủy sản, hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại di động. Chất lượng các mặt hàng của Việt Nam được đánh giá tương đối tốt tại thị trường này. Ukraine nhập khẩu gạo từ Pakistan, Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, nhưng người tiêu dùng vẫn chọn gạo Việt Nam vì giá rẻ, dù phẩm cấp thấp hơn.
Thu nhập của người dân Ukraine đã giảm 3 lần từ khi có chiến tranh đến nay, nên các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam khá phù hợp với khả năng thanh toán của họ.
Ông Hồ Trung thanh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ukraine.
* Cùng với các vấn đề chính trị, chính sách kinh tế thay đổi, hàng Việt Nam tại Ukraine đang chịu áp lực về tỷ giá giữa đồng USD và đồng hryvnia (đồng tiền Ukraine). Ông nói gì về điều này?
- Hiện nay, đồng hryvnia đã mất giá đến 3 lần so với năm 2013, trước khi “cách mạng Midan” nổ ra. Nếu trước đây, 9 hryvnia đổi được 1 USD, thì bây giờ là 26 hryvnia mới đổi được 1 USD. Trong tình hình này, hàng Việt Nam sang Ukraine đắt hơn nên rất khó tiêu thụ.
Với mức chênh lệch tỷ giá hiện nay, kinh doanh tại thị trường này hầu như không có lãi, nhưng các doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Ukraine và doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam) vẫn bám trụ, kinh doanh cầm chừng để chờ cơ hội khi chính trị, kinh tế trở lại ổn định.
* Tình hình Ukraine vẫn khá rối ren, ông có kiến giải gì đối với DN nước ta đang kinh doanh tại thị trường này?
- Trước hết, DN phải cập nhật thông tin về tình hình chiến sự, những thay đổi chính trị, chính sách thị trường, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Ukraine. Cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ đối tác bởi đã có những trường hợp lừa đảo, mạo danh để trục lợi, hoặc không thực hiện các hợp đồng sau khi giao hàng. Các vấn đề về hải quan, gian lận thương mại cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Một điểm nữa doanh nghiệp cần lưu ý là Ukraine đã tham gia vào khu vực thương mại tự do với EU nên cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể thông qua tham tán thương mại Việt Nam ở Ukraine để được cung cấp thông tin, xác minh năng lực tài chính của đối tác nhằm hạn chế rủi ro khi làm ăn ở thị trường này.
* Giả định, tình hình chiến sự lắng xuống, ông kỳ vọng gì vào thị trường Ukraine?
- Ukraine vẫn là thị trường tiềm năng. Tôi hy vọng, trong năm nay, vấn đề chiến sự miền Đông sẽ được giải quyết. Việc Ukraine đang nỗ lực cải cách để gia nhập thị trường EU là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ có ý định đầu tư, kinh doanh tại Ukraine hãy chờ đợi cơ hội.
Hải Vân/Doanhnhansaigon
End of content
Không có tin nào tiếp theo