Doanh nghiệp Việt với con đường giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
PV: Qua thực tiễn hoạt động của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có thể nhìn thấy phần nào vấn đề bất cập của doanh nghiệp Việt Nam, thể hiện ở kĩ thuật văn bản hợp đồng của các bên, trình độ quản trị…. Ông có ý kiến chia sẻ về vấn đề này.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC ) đã và đang tham gia vào hàng ngàn vụ tranh chấp giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam một bên là doanh nghiệp nước ngoài đến từ 60 quốc gia khác nhau.
Trên cơ sở hợp đồng, qua phân tích chúng tôi thấy là người Việt của mình nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thông thường hay vấp phải điều nước đến chân mới chạy không lường hết được những rủ ro trong giao dịch, nên các hợp đồng kí nội bộ với doanh nghiệp trong nước thường sơ sài. Còn khi làm với nước ngoài có hai dạng, một là làm ăn thiếu bài bản, mặc dù cũng có đầu tư lớn và làm ăn lâu dài công phu. Doanh nghiệp nước ngoài nhưng ở những thị trường chưa phát triển lắm thì họ cũng cũng có ở tình trạng tương tự như chúng ta. Tức là cách quan niệm về hợp đồng nó cũng đơn giản như thế chỉ vài ba điều khoản chính thôi, còn tất cả những điều khoản khác một là không có, hai là nếu có thì quy định cũng sơ sài, ba là không có những điều khoản ký cần thiết để khi có vụ việc xảy ra không rõ ý muốn thì phân định trách nhiệm mỗi bên như thế nào.
Dạng thứ hai là, càng ngày việc đàm phán kí kết hợp đồng càng có chiều hướng tiến bộ hơn, điều khoản hợp đồng ngày càng nhiều hơn, phân định trách nhiệm ngày càng rõ ràng hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc giao dịch, đàm phán trao đổi được thực hiện một cách cẩn trọng hơn, cộng với các yếu tố là doanh nghiệp đã rút ra được bài học từ trong quá trình hội nhập nên họ biết cái gì trong quá khứ làm cho họ thất bai để rút kinh nghiệm. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt nam, hay các tổ chức hội, hiệp hội thường tư vấn hướng dẫn cho doanh nghiệp nên quá trình đó dần được cải thiện.
Mặt khác, có thể thấy năng lực thực hiện hợp đồng của chúng ta còn chưa theo kịp đồi hởi của tình hình. Chọn được đối tác rồi, đàm phán rồi, ký hợp đồng rồi, chất lượng hợp đồng tốt lên rồ, nhưng điều đó không đồng nghĩa là mọi chuyện xuôi chiều mát mái. Trong quá trình thực hiện có thể do những điều kiện khách quan, hoặc là bất khả kháng, hoặc là những khó khăn khách quan nó ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Khi đó, nếu hợp đồng nào được soạn thảo chu đáo, phân định rõ trách nhiệm của các bên, hình dung được các tình huống mà có thể xảy ra mà tương đối phổ biến và đưa được vào trong hợp đồng thì việc thực hiện nó sẽ hạn chế được rủi ro. Còn những hợp đồng nào cứ để sơ sài, không hình dung ra được tình huống như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, đặc biệt là những đối tác lần đầu, chưa phải là hợp tác với nhau lâu dài. Đó là điều chúng tôi muốn nhắn nhủ tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là cố gắng để soạn thảo hợp đồng sao cho thật tốt.
PV: Ông có đồng tình với nhận định, nếu ta coi công ty là một gia đình thì hãy coi luật sư hay các nhà tư vấn pháp lý là bác sĩ gia đình không?Thực tế, doanh nghiệp VN chưa nhận thức sâu sắc được điều đó, hoặc ngại ngùng loanh quanh chỉ vì một khoản chi phí, hoặc có thể là vì doanh nghiệp còn quá nhỏ…. Theo quan điểm của ông, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhìn nhận lại như thế nào cho phù hợp để tiếp cận vấn đề pháp lý này?
Nhìn nhận định tình hình 10 năm trước thì có về điều này gần như là đúng, Nhưng mà giai đoạn sau này, cùng với việc có một số doanh nghiệp họ bứt phá để lớn lên, lớn lên trong quá trình hộp nhập, thì một là họ đã sử dụng các dịch vụ pháp lý của các luật sư, của các nhà tư vấn và họ cũng theo học các lớp đào tạo, lớp hướng dẫn nên tình hình có khác hơn trước. Riêng các doanh nghiệp lớn hẳn rồi thì họ đã thành lập bộ phận pháp chế, phòng pháp chế trong doanh nghiệp hoặc mời những luật sư những chuyên gia về pháp chế - quản trị doanh nghiệp đủ tầm để trợ giúp nên tình hình có tốt hơn.
Những doanh nghiệp mới thành lập sau này thì chúng ta cũng hoàn toàn dễ hiểu và cũng phải thông cảm cho họ. Họ chưa có kinh nghiệm thương trường và bản thân tiềm lực của họ cũng còn hạn chế, vốn liếng, tiền nong không có nhiều. Đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguy hiểm hơn, họ quan điểm theo lối hơi phổ biến là sự việc đến đâu thì ta tính đến đó, ta xử lí đến đó. Tư duy kiểu đó khiến người ta suy nghĩ chưa theo hệ thống bài bản, nên dễ gặp rủi ro.
PV. Vậy doanh nghiệp cần khắc phục tình trạng đó thế nào, thưa ông?
Theo tôi, phải tùy thuộc vào quy mô, năng lực cụ thể, tuổi đời, thị trường và mặt hàng của doanh nghiệp. Chúng ta không thể nói chung chung được. Tùy theo vào đối tác của doanh nghiệp, nếu là đối tác quen thuộc rồi thì họ hay quan niệm sai lầm rằng, những chi phí đó họ có thể cắt đi được. Song xin có một lời khuyên chung: doanh nhân cũng như con người, cũng cần bác sĩ để chăm lo cho sức khỏe, doanh nghiệp cũng cần những luật sư, những nhà tư vấn pháp lý, nhất là trong thời kì hội nhập quốc tế với nhiều diễn biến phúc tạp, khó lường hiện nay. Bởi hội nhập quốc tế nên khách hàng đến từ những thị trường khác nhau, hệ thống pháp lý hoàn toàn khác nhau. Rồi trong hội nhập quốc tế thì dù bây giờ điều kiện cũng thuận lợi hơn so với trước đây rất nhiều nhưng mà rủi ro luôn luôn có, những biến động hội nhập luôn luôn có. Ví dụ như, giá cả đi xuống một cách rất bất thường khiến cho đối tác bội hứa hợp đồng, thậm chí cả những đối tác truyền thống họ vẫn có thể bội hứa hợp đồng.
Khó khăn là bằng cách nào mà ta thu lại được tổn thất đã xảy ra, giải quyết tranh chấp hợp đồng ở đâu? Giả sử không có điều khoản trong tay về tranh chấp hợp đồng thì lúc bấy giờ không biết đi kiện đâu cả. Thế cho nên tôi cũng muốn nói lại câu chuyện là tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng lời khuyên vẫn là các doanh nghiệp luôn cần có ý thức sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý. Đó là luật sư hoặc các nhà tư vấn chuyên nghiệp chuyên về pháp chế - quản trị doanh để cho hợp đồng luôn được soạn một cách chu đáo và có thể giải quyết được những rủi ro khi nó xảy ra. Lưu ý rằng, sự cẩn thận ở đây không bao giờ thừa.
PV. Cũng muốn hỏi ông thêm là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC có những công cụ, dịch vụ để phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tương thích chưa, thưa ông?
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC ra đời lâu rồi và được coi là lớn nhất ở VN. Chúng tôi cũng coi đây là một thứ để phục vụ doanh nghiệp, nó không phải là tổ chức lợi nhuận vì không kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích phục vụ doanh nghiệp. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng để làm tốt mấy điểm như sau:
Một là phải tương thích với thực tiễn tốt nhất của trọng tài quốc tế, chuẩn quốc tế. Dù xét xử, dù giải quyết các tranh chấp trong nước vẫn phải lấy chuẩn quốc tế. Bởi, chúng tôi vừa phục vụ các doanh nghiệp hội nhập, đồng thời cũng chuẩn đó đem áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước, không có gì mâu thuẫn mà chỉ làm thuận lợi hơn quá trình đó thôi. Nếu mà mình không xây dựng chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp mình muốn chọn trọng tài mình thì doanh nghiệp nước ngoài người ta cũng không chọn. Toàn bộ tinh thần của chúng tôi là từ quy tắc, quy định, thực tiễn hoạt động phải mang chuẩn quốc tế.
Ví dụ, vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hai bên có quyền thỏa thuận chọn luật của nước ngoài thì chúng tôi phải chấp nhận chọn luật của nước ngoài; hoặc nếu họ chọn địa điểm xét xử ở nước ngoài, ngôn ngữ nước ngoài thì chúng tôi cũng phải làm như vậy. Có những trường hợp hai bên thỏa thuận chọn bằng xử không nhất thiết phải triệu tập các bên đến mà xử trên hồ sơ - hiện có thực tiễn quốc tế là như vậy - thì chúng tôi cũng phải làm việc như vậy. Rồi có thể khi tiến hành cũng không cần phải đến tận nơi nữa. Có thể xử qua điện thoại-teleconference hoặc là videoconference thì mình cũng phải theo kịp những chuẩn mực đó. Song, chúng tôi phải bảo đảm tính độc lập, vô tư, khách quan và khả năng giải quyết bởi các trọng tài viên giải quyết đúng bản chất của vụ tranh chấp. Đó là chuẩn mực để không bất kì một ai có thể bị mua chuộc được, không bị bất kì một áp lực nào chi phối. Và cho dù là các doanh nghiệp Việt Nam, nếu họ vi phạm thì họ vẫn phải chịu cái chế tài tương tự như phía nước ngoài. Ngoài ra, phải làm sao để cho chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất.
Phương châm chúng tôi là thân thiện, minh bạch, hiệu quả. Thân thiện có nghĩa là phương thức giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp nên nó phải thân thiện để doanh nghiệp cảm thấy đây là công cụ của chính họ. Còn minh bạch là người ta nắm được, người ta kiểm soát được quá trình đó. Anh xử gì thì xử chứ anh không được để cho nó mờ ám, quá rủi ro cho doanh nghiệp mà họ không lường trước được. Cái thứ ba là, phải hiệu quả ở chỗ phối hợp với các cơ quan của nhà nước để phán quyết được thi hành, phán quyết trọng tài được thi hành tại Việt Nam nếu như bên phía Việt Nam thua, nhưng có thể được thi hành ở trên quốc tế nếu bên nước ngoài thua.
PV.Thưa ông, tâm lý của doanh nghiệp nói chung khi họ vướng tranh chấp thì phần lơn đều muốn chọn giải quyết tranh chấp qua Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC , chứ ít lựa chọn qua kênh tòa án. Bởi giải quyết tranh chấp qua con đường trọng tại có nhiều mặt hay như: nhanh chóng, thủ tục rõ ràng; có tính bảo mật và đặc biệt nữa là thông qua Trung tâm trọng tài thì việc hòa giải, sự kết nối 2 bên thuận lợi, có vẻ dễ dàng hơn cơ quan tòa án. Và đặc biệt là khi đất nước hội nhập thì khối lượng công việc cũng như tính phức tạp của các vụ việc đến với VIAC ngày càng cao. Đó có phải là áp lực với VIAC hay không, thưa ông ?
Chúng tôi luôn luôn đặt mình trong tình trạng áp lực và thực sự có áp lực. Bởi trên thế giới, các tổ chức trọng tài quốc tế người ta luôn hoàn thiện. VIAC vì lợi ích của cộng đồng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để họ có cơ hội lựa chọn trên đất nước này một tổ chức trọng tài đủ mạnh. Nếu để họ lựa lựa chọn tổ chức trọng tài nước ngoài thì cũng có những tổ chức họ minh bạch, họ độc lập, công khai như mình thôi, nhưng doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lặn lội ra nước ngoài để giải quyết tranh chấp thì rất tốn kém và kèm theo nhiều các chi phí khác. Thế nên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC chấp nhận áp lực và cố gắng để vượt qua áp lực đó, để doanh nghiệp nhỏ và vừa người ta có tổ chức VIAC đủ tin cậy để lựa chọn.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài họ cũng cần tin cậy mình chứ. Đây là sự lựa chọn, tòa án thì họ không thể lựa chọn được, nhưng trọng tài họ được lựa chọn. Cho nên, Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt nam VIAC cần thật sự mạnh, có uy tín với quốc tế. Bởi doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về nắm quyền quyết định là mua hay không mua mà, nếu điều khoản trọng tài họ không đồng ý chọn trọng tài Việt Nam thì dễ có khả năng doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội. Đó là điều mà chúng tôi hoàn toàn không mong muốn. Vì thế, là mình phải đặt mình vào trong cái vĩ mô, đặt trong tổng thể là, tại sao một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị thua là bản chất anh phải thua. Còn bảo rằng để cứu một doanh nghiệp Việt Nam để cuối cùng mất uy tín với quốc tế thì hàng trăm hàng nghìn doanh nghiệp khác ở Việt cũng sẽ mất dần cơ hội. Đấy là áp lực để làm sao cho các phán quyết trọng tài của VIAC minh bạch, công bằng, khách quan, đúng như bản chất của nó.
Thứ hai là khi hội nhập rồi các lĩnh vực vô cùng phong phú đa dạng nên làm sao để danh sách trọng tài viên phải luôn luôn được bổ sung. Trong danh sách của VIAC có đến mấy chục trọng tài viên, có những trọng tài nước ngoài nổi tiếng trong giới trọng tài quốc tế. Họ chấp nhận về đây, nhận xét xử mà phí trọng tài là rất thấp. Tôi phải nói là rất thấp, bởi một giờ xét xử trọng tài của họ ở nước ngoài là 500-600 USD đến 1000 USD, nhưng về đây làm hết một vụ mới chỉ được vài ngàn USD. Nhưng mà người ta vẫn sẵn sàng làm, bởi vì người ta thấy tính độc lập, minh bạch, khách quan của VIAC.
Thứ 3 là, Trung tâm phải nâng cao cái chất lượng hoạt động, tiếp thu tốt nhất thực tiễn trọng tài quốc tế đưa vào trong nước để xét xử tranh chấp và bồi dưỡng lại cho từng thành viên. Cho nên VIAC thường xuyên cập nhật thông tin rồi kí kết các thỏa thuận, hợp tác với những tổ chức trọng tài trong khu vực, của quốc tế, thường xuyên đón các tổ chức trọng tài nước ngoài đến để gặp gỡ học hỏi kinh nghiệm.Tôi cũng xin nhắc lại là, VIAC giải quyết tranh chấp bao gồm cả tranh chấp quốc tế và tranh chấp trong nước mà tranh chấp trong nước hiện nay rất đa dạng, như xây dựng, bảo hiểm, tín dụng, thương mại thuần túy, du lịch, bất động sản….
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo