Bất động sản

Doanh nghiệp vớ bẫm từ thu hồi đất đô thị

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án khu đô thị là nơi mà những người được giao đất kiếm lời lớn nhất và cũng phát sinh khiếu kiện nhiều nhất. Đền bù cho dân một m2 đất có mấy trăm nghìn đồng nhưng bán ra hàng triệu.

VNE - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang, việc thu hồi đất thời gian qua quá lỏng dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thu lợi lớn còn người dân thì chịu nhiều thiệt thòi.

 

- Thời gian qua, nhiều ý kiến đề cập đến việc bỏ thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội. Bộ Tài nguyên Môi trường ghi nhận như thế nào để góp ý sửa đổi Hiến pháp?

Nói mục đích kinh tế - xã hội là khá rộng và đúng là ngay trong quy định thu hồi vì mục đích quốc phòng, công cộng của Hiến pháp cũng đã có mục đích kinh tế. Tuy nhiên, nếu bỏ quy định này thì những công trình kinh tế - xã hội nhà nước đầu tư sẽ xử lý thế nào? Ví dụ như các khu công nghiệp, các khu kinh tế mà nhà nước không đứng ra thì làm sao? Nếu bịt chỗ này thì Nhà nước cũng bó tay.

Theo tôi hiểu, đề xuất này nhắm vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án khu đô thị. Đây là nơi mà những người được giao đất kiếm lời lớn nhất và cũng phát sinh khiếu kiện nhiều nhất. Đền bù cho dân một m2 đất có mấy trăm nghìn đồng nhưng bán ra hàng triệu.

- Vậy hướng xử lý của Bộ Tài nguyên đối với trường hợp này?

Chúng ta sẽ có biện pháp khống chế theo hướng các doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ còn là nhà đầu tư thứ cấp. Nhà nước thu hồi và các doanh nghiệp tham gia đấu giá một cách công bằng, sòng phẳng. Không có chuyện nhà nước giao cho các nhà đầu tư mấy chục ha rồi họ đứng ra thu hồi đất. Vừa rồi chúng ta thả ra quá, nhiều doanh nghiệp vớ ghê lắm, ví dụ như các dự án khu đô thị ở Hà Nội.

Trong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ có quy định danh mục thu hồi đất vì mục đích kinh tế cụ thể gì, để từ đó có biện pháp kiểm soát. Song, không phải bất kỳ dự án vì mục đích kinh tế - xã hội nào Nhà nước cũng đứng ra thu hồi, nhiều cái nhà đầu tư phải thỏa thuận với người có đất.

Chúng ta có cơ chế mở để người dân có quyền chuyển nhượng đất nhưng khi chuyển mục đích sử dụng phải được Nhà nước cho phép. Tôi thấy, việc chuyển nhượng các dự án nhỏ không có vấn đề gì, còn thẩm quyền thu hồi đất tuy vẫn của địa phương nhưng sẽ có khâu kiểm soát chặt chẽ hơn của Chính phủ.

- Chính sách bồi thường sắp tới sẽ như thế nào để tránh thiệt thòi cho người bị thu hồi đất?


 Chúng ta thực hiện bồi thường theo quy định pháp luật, hỗ trợ di chuyển, tái định cư, đào tạo nghề… Việc bồi thường còn nhiều vấn đề nhưng điều quan trọng làm thế nào khi thu hồi, cuộc sống của người dân vẫn ổn định.

Tôi cho rằng, chính sách không thể đẩy người dân ra đường. Sẩy nhà ra thất nghiệp, người dân đa số làm nông nghiệp, nếu không có đất sao mà sống, mà ổn định được? Thời gian qua, ở nhiều khu đô thị mới, sau khi nhận một khoản tiền, người dân không biết làm gì tiếp để sống.

- Bộ Tài nguyên Môi trường đặt mục tiêu giảm bao nhiêu % đơn khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai vốn chiếm tới hơn 70% tổng số đơn hiện nay?

Giảm được khiếu kiện là mục tiêu quan trọng khi sửa Luật Đất đai nhưng còn đánh giá phần trăm cụ thể thì chúng tôi chưa có. Tình hình khiếu kiện do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là quá trình thực hiện.

Việc thu hồi đất thời gian qua khá tùy tiện, bên cạnh đó là chính sách không thỏa đáng. Quá trình thu hồi liên quan nhiều cơ quan và lúc thực hiện có thể không công bằng, công khai, minh bạch; người thực thi lợi dụng để mặc cả, thu lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích. Chúng ta cần làm thế nào để những quyền về đất đai của người dân được đảm bảo và những người thực thi công vụ phải thực hiện tốt công việc.

Một nguyên nhân khác khá phức tạp là nguồn gốc đất đai. Người chưa có sổ đỏ thì chỉ được hỗ trợ chứ không được bồi thường. Nhiều người thấy thiệt thòi và khiếu kiện vì lý do này.

- Ông nghĩ sao về đề xuất mở ra quy định sở hữu tư nhân đối với đất ở?

Có lẽ chúng ta sẽ tiến tới dần như vậy nhưng cần một thời gian nhất định. Đây là vấn đề hết sức phức tạp chứ không đơn giản.

 

 

Trần Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo