Doanh nhân

Doanh nghiệp xã hội dần tìm được chỗ đứng

Nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại từ 10.000 USD đến 30.000 USD và các chương trình đào tạo đang được dành cho 8 doanh nghiệp (DN) xã hội vượt qua vòng thẩm định, đánh giá vào tháng 7/2014 của Chương trình Hỗ trợ DN xã hội (SESP). Thực tế này cho thấy, DN xã hội dần tìm được chỗ đứng cho mình.

 Theo tin từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), thời gian nhận hồ sơ sẽ kéo dài đến hết ngày 30/6.

 


 

 

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP

 

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP cho biết, trong số 8 DN này, 5 DN sẽ được lựa chọn để tham gia Chương trình ươm tạo. “Chương trình này dành cho DN xã hội có các sáng kiến xã hội trong giai đoạn phát triển ban đầu, tìm kiếm hỗ trợ để khẳng định mô hình. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo kỹ năng và huấn luyện phương pháp lập kế hoạch kinh doanh. Ba trong số 5 DN này sẽ được lựa chọn để nhận gói hỗ trợ chuyên sâu trong 12 tháng tiếp theo, với khoản vốn hạt giống là 10.000 USD/DN”, bà Oanh cho biết.

Đồng thời, những DN xã hội đã khẳng định được mô hình hoạt động và tác động xã hội ban đầu tại một cộng đồng cụ thể, đang xây dựng kế hoạch và tìm kiếm nguồn lực để nhân rộng, phát triển mô hình kinh doanh và tác động xã hội sẽ tham gia chương trình để được hỗ trợ nâng cao năng lực. “Sẽ có 3 DN được lựa chọn để hỗ trợ kỹ thuật trong 3 tháng. Trong số này, 1 DN sẽ nhận được khoản đầu tư tài chính trị giá 30.000 USD của chương trình”, bà Oanh nói.

Cũng phải nói thêm rằng, năm nay, Chương trình SESP tập trung tìm kiếm và đầu tư trực tiếp cho các DN xã hội đặt mục tiêu trọng tâm là giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, thông qua việc triển khai các hoạt động kinh doanh bền vững, nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh của chính DN.

“Nhóm đối tượng nhắm tới của SESP năm nay là các DN xã hội cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh và tác động xã hội. Còn các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự có nhánh kinh doanh phát triển theo định hướng DN xã hội sẽ có chương trình riêng, được gọi là ICSO”, bà Oanh cho biết thêm.

Cũng trong năm nay, Chương trình Đầu tư tác động 2014-2015 đã được Oxfam và đối tác thực hiện là CSIP khởi động. DN đáp ứng các tiêu chí của Chương trình có thể nhận được khoản vay từ 10.000 đến 1,5 triệu euro.

Tuy nhiên, chỉ có 15 DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận Chương trình Đầu tư tác động này. Với các chương trình hỗ trợ của CSIP (đơn vị đang được đề cử Giải thưởng NGO Việt Nam 2014 - giải thưởng do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững - MSD phối hợp với Liên minh Nguồn lực tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller và Cơ quan viện trợ Ailen - Irish Aid), số DN được hỗ trợ cũng chưa nhiều. Trong 5 năm, CSIP mới hỗ trợ được 52 DN xã hội, với số vốn hạt giống đã đầu tư là 450.000 USD.

Con số này còn khá khiêm tốn so với 209 DN xã hội đang hoạt động. Đó là chưa tính khoảng 165.000 các tổ chức khác có một số hoạt động, như DN xã hội. Về nguyên tắc, đặc điểm của các DN xã hội là phục vụ các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội, như phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật, nông dân…, song vẫn phải hoạt động dựa trên lợi nhuận, rất khác với tổ chức từ thiện. “Nhưng lợi nhuận này không được chia cho các cổ đông, mà dùng phần lớn để tái đầu tư vào các hoạt động của DN. Do chưa có quy định pháp lý nào về mô hình này, nên việc tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế… rất khó khăn”, bà Oanh trao đổi về những khó khăn trong hoạt động của DN xã hội.

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, mô hình DN này ở Việt Nam vẫn khá mới, chưa được định vị vai trò pháp lý rõ ràng. Điều này tác động không nhỏ tới sự phát triển của mô hình này cũng như việc hỗ trợ các DN này tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

 

“Đây là lý do chúng tôi dành một chương trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi) cho DN xã hội. Đây cũng là cách để thừa nhận sự tồn tại của mô hình này, cũng là để khuyến khích các giá trị mà DN xã hội đang đeo đuổi”, ông Cung nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo