Hiệp hội doanh nghiệp

"Cha đẻ" của máy cấy không động cơ

DNVN - Sau gần 10 năm nghiên cứu không ngừng nghỉ, ông Trần Đại Nghĩa đã sáng chế thành công chiếc máy cấy không động cơ đầu tiên tại Việt Nam, giúp bà con giải phóng sức lao động, để công việc nhà nông đỡ phần khổ cực.

Ươm mầm công nghệ cùng giải pháp thông minh ưu việt / Khai thác hợp lý tài nguyên sinh vật biển Việt Nam

Nhà sáng chế Trần Đại Nghĩa gắn liền với vùng biển Tiền Hải, Thái Bình và công việc đồng áng của cha mẹ. Ông Nghĩa bắt đầu công việc đầu tiên là thợ sửa chữa điện tử, tuy nhiên, cái duyên với cánh đồng vẫn luôn đồng hành với ông ngay cả khi ở nước ngoài.

Năm 2000, ông Nghĩa xuất ngoại với mơ ước thoát nghèo và tìm tòi, học hỏi văn minh khoa học, ứng dụng kiến thức đã có về điện tử. Ông có khả năng sửa chữa một số máy móc của công ty khi bị hỏng nên được ban lãnh đạo công ty quý trọng, trả mức thu nhập hấp dẫn lên tới 1.700 USD/tháng.

Ông Trần Đại Nghĩa - "cha đẻ" chiếc máy cấy không động cơ đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Trần Đại Nghĩa - "cha đẻ" chiếc máy cấy không động cơ đầu tiên tại Việt Nam.

Với người khác đây có thể là một cơ hội tốt để gắn bó dài lâu trong ngành điện tử, nhưng ông Nghĩa lại khác. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông lang thang tới các vùng nông thôn để tìm hiểu xem nông dân nơi đây họ sản xuất như nào. Đây cũng là lần đầu tiên ông được nhìn thấy chiếc máy cấy, sản phẩm của đất nước với công nghiệp hiện đại. Ông Nghĩa tìm cách quan sát, ghi nhớ chi tiết kết cấu, nguyên lý hoạt động của máy cấy với mong ước một ngày người dân quê mình cũng có thể được trải nghiệm ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sau 4 năm ở xứ người, ngoài khoản tiền tiết kiệm được, ông Trần Đại Nghĩa mang về nước các thùng carton chứa đầy những mẩu giấy chằng chịt hình vẽ - những "bảo vật khởi nghiệp" sau này của nhà sáng chế. Tuy đã có ý tưởng nhưng thời gian đầu bắt tay vào quá trình chế tạo cũng không hề suôn sẻ bởi thị trường không có phụ tùng chuyên dụng, ông phải lần mò đến rất nhiều cửa hàng, tiệm sửa chữa ôtô, xe máy thậm chí đến cả những điểm thu mua phế liệu để tìm mua những thứ mình cần.

Không chùn bước trước những thất bại ban đầu, ông Nghĩa bắt tay vào nghiên cứu đồng ruộng Việt Nam, tìm cách khắc phục những sai sót kỹ thuật. Tháng 4/2014, chiếc máy cấy đầu tiên xuất xưởng. Máy cấy không động cơ của ông Nghĩa được thiết kế khá đơn giản: máy được làm bằng sắt có kết cấu vững chắc, thiết kế hộp số truyền động đơn giản, nhỏ gọn với trọng lượng chưa đến 23 kg. So với những chiếc máy cấy nhập khẩu hiện nay, chiếc máy cấy mà ông Nghĩa chế tạo có nhiều ưu điểm như có thể sử dụng trên nhiều loại ruộng lúa khác nhau. Với loại máy cấy lúa bằng điện này, kết cấu của máy đơn giản gọn nhẹ, dễ di chuyển, dễ vận hành, cấy được ở nhiều loại địa hình khác nhau, ai cũng có thể sử dụng được, công suất cấy tăng cao gấp 15-20 lần người cấy bằng tay theo truyền thống, trung bình mỗi giờ có thể cấy được từ 1000-1500 m2

Sản phẩm máy cấy “Trần Đại Nghĩa” khi được đưa vào sử dụng trên cánh đồng.

Sản phẩm máy cấy “Trần Đại Nghĩa” khi được đưa vào sử dụng trên cánh đồng.

 

Đặc biệt, chiếc máy này không sử dụng động cơ nên rất thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí mua nhiên liệu cho người nông dân. Mặc dù thị trường hiện nay tràn ngập các loại máy cấy nhập khẩu, nhưng máy cấy của ông Trần Đại Nghĩa vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nông dân nhờ các ưu điểm phù hợp với trình độ, sức khỏe, tập quán sản xuất của bà con, địa hình đồng ruộng của các vùng, miền; dễ bảo dưỡng, sửa chữa mà không tốn kém chi phí; góp phần chống biến đổi khí hậu.

Hiện bộ sưu tập máy cấy của ông Trần Đại Nghĩa gồm 4 loại: Máy cấy lúa không dùng động cơ loại 4 hàng cấy, máy cấy lúa không dùng động cơ loại 6 hàng cấy, máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ có tích hợp bón phân tự động và máy cấy lúa động cơ điện. Để giúp nông dân phát huy hiệu quả máy cấy, ông Nghĩa còn làm clip hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy và kỹ thuật gieo mạ cấy máy đăng trên YouTube. Chưa hài lòng với những gì mình đạt được, ông Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, chế tạo ra loại bình nén khí phun thuốc bảo vệ thực vật và tích hợp tính năng bón phân chạy bằng động cơ điện một chiều đạt công suất 5 phút/sào. Nhờ sản phẩm mới này, nông dân đỡ vất vả và năng suất lao động tăng lên gấp 4 lần so với việc phun thuốc và bón phân thủ công.

Máy cấy của công ty Đại Nghĩa không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà còn được các quốc gia trong khu vực như: Ấn Độ, Philippin, Malaysia, Thái Lan… ưa chuộng. Tại thị trường nội địa, thành quả sáng chế máy cấy lúa "made in Việt Nam" của ông Trần Đại Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng khen Giải nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019 và Giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15. Sản phẩm cũng được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Bằng độc quyền sáng chế, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chứng nhận là Sản phẩm tự hào của trí tuệ Việt Nam năm 2016; và được rất nhiều Bộ, ban ngành biểu dương khen thưởng trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào đổi mới sáng tạo.

 

Hiện ông Trần Đại Nghĩa đang là hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST). VST được thành lập với mục tiêu tập hợp, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên - là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam, giúp đỡ hội viên trong hoạt động liên kết hợp tác, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.


P.V
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo