Hiệp hội doanh nghiệp

Doanh nghiệp khoa học công nghệ đồng hành cùng người nông dân mới

DNVN - Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed được thành lập từ 10/01/1972. Sau hơn nửa thập kỷ xây dựng và trưởng thành, ThaiBinh Seed đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam. Đồng thời, ThaiBinh Seed là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thái Bình.

Doanh nghiệp thành công với thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe / Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông: Doanh nghiệp vì nông dân Việt

ThaiBinh Seed - “Niềm tự hào của nông dân Việt”

Qua 51 năm hình thành và phát triển, ThaiBinh Seed đã vươn cao, trở thành công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước và ngành nông nghiệp Việt Nam. Bằng sự quyết tâm vượt khó của các thế hệ lãnh đạo và người lao động qua các thời kỳ, ThaiBinh Seed đã không ngừng đổi mới, phát triển và trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh.

Hiện nay, ThaiBinh Seed sở hữu bản quyền 21 giống cây trồng được công nhận bản quyền. Bộ giống mới của ThaiBinh Seed đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung, đáp ứng 20% thị phần giống lúa cả nước, 85-90% thị phần toàn tỉnh Thái Bình. Diện tích sản xuất giống cây trồng trên cả nước của ThaiBinh Seed hàng năm đạt 62.000 ha/năm; sản lượng giống thu mua cho nông dân đạt 22.000 tấn, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho nông dân, đem lại lợi nhuận cho nông dân cả nước hàng ngàn tỷ đồng/năm, riêng tại Thái Bình, các giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm trên 70% cơ cấu sản xuất.

Các giống do ThaiBinh Seed tự nghiên cứu, chọn tạo tiêu biểu như giống lúa: BC15, TBR225, TBR-1, TBR45, TBR36, Đông A1, TBR 279, TBR89, Nếp A Sào; giống màu ngô nếp TBM18, lạc TB25…Các giống hợp tác và độc quyền phân phối gồm giống lúa Thái Xuyên 111, CNR36, Phúc Thái 168, QL301, Bắc Thơ 7 kháng bạc lá, BC15 có gen kháng đạo ôn; giống màu ngô lai VS36….Các sản phẩm gạo của ThaiBinh Seed như Niêu Vàng, Nếp A Sào, Sông Vàng, Nhất Hương, gạo lứt tím…được đông đảo khách hàng ưa chuộng.

ThaiBinh Seed - doanh nghiệp khoa học công nghệ “đồng hành cùng người nông dân mới”.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho biết: “Nông dân là người có tri thức về kinh tế, biết ứng dụng khoa học công nghệ, là người dám nghĩ, làm khác, làm lớn. ThaiBinh Seed là tiên phong đưa ra ý tưởng, đồng hành cùng người nông dân mới, với tâm thế mới”.


 TGĐ Trần Mạnh Báo.

TGĐ Trần Mạnh Báo.

 

Với tầm nhìn chiến lược, ThaiBinh Seed đã sớm nhận ra con đường phát triển của nông nghiệp Việt Nam phải xuất phát từ chủ thể của ngành nông nghiệp chính là nông dân. Trong dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0, đây là thời điểm bước ngoặt để người nông dân bước sang giai đoạn phát triển mới cùng một tư duy và tinh thần của những người nông dân mới. Đó là những người nông dân có trí thức, áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào nông nghiệp cùng tư duy làm giàu và khát vọng lớn. Trên suốt hành trình đó, ThaiBinh Seed tiên phong lựa chọn sứ mệnh “Đồng hành cùng người nông dân mới”.

ThaiBinh Seed đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025 dựa trên 3 trụ cột chính là: “Nguồn nhân lực chất lượng cao – Ứng dụng KHCN mới - Hội nhập và quan hệ hợp tác” được gọi tắt là “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ”. Hiện nay, ThaiBinh Seed mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực Giống cây trồng – Kinh doanh lương thực và Thương mại dịch vụ. Với 12 Chi nhánh, đơn vị thành viên trên toàn quốc, 52% lao động có trình độ từ Đại học trở lên; Cùng với đó, ThaiBinh Seed còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, với một viện nghiên cứu cây trồng với quy mô 152 hecta, tiên phong công nghiệp hóa ngành giống cây trồng với 3 nhà máy tiêu chuẩn quốc tế gồm: Nhà máy chế biến gạo 40.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến hạt giống 30.000 tấn/năm và Nhà máy sấy Nhật Bản 120 tấn/mẻ. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và bảo quản giống đảm bảo chất lượng, ThaiBinh Seed đã đầu tư xây dựng hệ thống kho tại nhà máy chế biến hạt giống với tổng diện tích gần 03ha, cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo dự trữ 20.000 tấn gạo/năm.

Bên cạnh đó, Công ty cũng có Viện nghiên cứu cây trồng đầu tiên tại Việt Nam, quy mô 172ha với 03 bộ môn: nghiên cứu giống lúa, giống màu và công nghệ sinh học, hàng năm nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm hàng nghìn dòng, giống lúa và rau màu cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời, bảo tồn hàng nghìn loại gen quý.

Viện nghiên cứu cây trồng.

Viện nghiên cứu cây trồng.

 

ThaiBinh Seed cũng là doanh nghiệp đầu tiên có Phòng thí nghiệm quốc gia mã số Vilas 110 theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 – 2005. ThaiBinh Seed đã thực hiện 03 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008, ISO/IEC 17025-2005 và TQM, chất lượng sản phẩm của ThaiBinh Seed đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Hiện nay ThaiBinh Seed là thành viên của Hiệp Hội Giống cây trồng Châu Á Thái Bình Dương (APSA), Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệpThái Bình (TBEA). Từ năm 2012 Thai Binh Seed là doanh nghiệp KHCN. Từ năm 2001 đến nay, ThaiBinh Seed đã chủ trì hơn 30 dự án, đề tài và tham gia, phối hợp hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp ngành…

Phòng thí nghiệm quốc gia mã số Vilas 110.

Phòng thí nghiệm quốc gia mã số Vilas 110.

Trong vụ mùa 2022, Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình) đã nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều giống lúa có tiềm năng năng suất và chất lượng, nhất là có khả năng chống chịu tốt bệnh bạc lá trong vụ mùa. Tại Thái Bình, tập đoàn đã triển khai 30 mô hình khảo nghiệm tại 6 huyện: Thái Thuỵ, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà với tổng diện tích khoảng 50ha. Đồng thời giới thiệu các giống lúa ngắn ngày phù hợp để triển khai cây vụ đông ưa ấm như: TBR 97, TBR 89, Nếp A Sào. Đáng chú ý, giống Bắc Thơm 7 mới vừa được ThaiBinh Seed phối hợp với Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm chuyển thành công gen kháng bạc lá. Đây là giống được bà con nông dân các địa phương gieo trồng nhiều, nhất là những vùng có nhiều thương hiệu gạo như tỉnh Nam Định, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình).

 

Thành quả và tầm nhìn chiến lược của ThaiBinh Seed

Với những thành tích nổi bật đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam qua hơn 50 năm, ThaiBinh Seed đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến công, nhiều Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ, 03 lần được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tặng cờ và bằng khen, 5 lần nhận giải thưởng Chất lượng Việt Nam; 3 giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; Danh hiệu Bạn nhà nông, 2 giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, giải thưởng Doanh nghiệp vì nhà nông. Đặc biệt, ông Trần Mạnh Báo – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed đã vinh dự được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

 

Thaibinh Seed – Hành trình hơn 50 năm đồng hành cùng người nông dân mới.

Thaibinh Seed – Hành trình hơn 50 năm đồng hành cùng người nông dân mới.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, Tập đoàn sẽ là đơn vị tiên phong “Đồng hành cùng người nông dân mới”. Theo đó, chiến lược của ThaiBinh Seed trong giai đoạn tới là xây dựng “Tập đoàn kinh tế phát triển theo hướng đa ngành”, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới; chọn tạo nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu và đặc biệt khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Lúa giống Thái Bình”, xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Gạo Thái Bình”; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. Mở rộng liên kết sản xuất hàng hoá, tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia. Chủ động hội nhập, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương để chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

 


10 thành tựu nổi bật của ThaiBinh Seed trong 51 năm qua

 

1. Tỉnh đầu tiên thực hiện cấp 1, cấp 2 hóa giống lúa.

2. Đột phá đổi mới cơ chế quản lý (xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá trong nông nghiệp quốc doanh bằng đề án “Khoán sản phẩm đến người lao động” - năm 1987 trước khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị).

3. Tỉnh đầu tiên Công nghiệp hóa ngành giống cây trồng.

4. Đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp (1989) và bộ nhận diện thương hiệu chuẩn Quốc tế.

5. Chủ động hội nhập quốc tế trước khi Việt Nam tham gia WTO - tham gia APSA năm 2002.

 

6. Đơn vị đi đầu thực hiện chương trình “liên kết 4 nhà” tại Thái Bình (2002).

7. Đơn vị đầu tiên xây dựng thành công thương hiệu giống thuần (TBR-1), góp phần hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng Việt Nam; đồng thời thúc đẩy thay đổi cơ cấu giống lúa ở Việt Nam, chủ động giống lúa cho sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu.

8. Đơn vị đầu tiên thành lập “Viện nghiên cứu cây trồng” trực thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

9. Đơn vị đầu tiên thành lập Phòng thử nghiệm Quốc gia” trực thuộc Doanh nghiệp

10. Là doanh nghiệp đưa ra ý tưởng và là một trong những thành viên sáng lập “Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam - VSTA”

 

Hiển Trần
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo