Hiệp hội doanh nghiệp

Hà Lan là cửa ngõ thúc đẩy xuất nhập khẩu Việt Nam - EU

DNVN - Ông Đào Trọng Khoa- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa đề xuất Việt Nam và Hà Lan thúc đẩy hợp tác cung cấp dịch vụ trong khu vực EVFTA, tận dụng Hà Lan như là một cửa ngõ cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu và ngược lại.

Cơ hội rộng mở đối với nhân sự ngành logistics / Logistics - 'Cơn đau đầu' của doanh nghiệp khi COVID-19 ập đến

Những gì Việt Nam cần, Hà Lan đều có

"Hội thảo Logistics Hà Lan- Việt Nam: Xác định cơ hội và kết nối đối tác" vừa diễn ra do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức. Tại Hội thảo, các thảo luận đều nhấn mạnh: Thế mạnh của Hà Lan trong lĩnh vực logistics rất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam hiện nay.
Theo đó, Hà Lan giữ vị trí chiến lược, cửa ngõ của Châu Âu. Hà Lan hấp dẫn cả thế giới và EU vì nền tầng hạ tầng đã phát triển đến độ chín, như các doanh nhân hay nói “thời buổi toàn cầu này, các bạn có thể yêu cầu bất kỳ điều gì trong một không gian thu hẹp thì đó là ở Hà Lan”.
Hà Lan liên tục trong top đầu của Chỉ số Hiệu suất Logistics của Ngân hàng Thế giới với năng lực và hiệu quả cao. Điều này nhờ 2 thế mạnh là cơ sở hạ tầng (điều kiện vật chất) và lực lượng lao động (nhân tố con người).
Sân bay Schiphol được kết nối trực tiếp đến 333 điểm trên thế giới, có lưu lượng khách thứ 3 EU (71,7 triệu), lưu lượng hàng hóa thứ 4 EU (1,57 triệu tấn), có chất lượng dịch vụ logistics thứ 2 trên thế giới. Cảng Rotterdam lớn nhất châu Âu, có các tuyến xuyên Châu Âu để vận chuyển và phân phối đa phương thức, có thể chuyển hàng đến các trung tâm công nghiệp – kinh tế lớn ở Tây Âu trong vòng 24 tiếng. Rotterdam là Trung tâm cung cấp chuỗi cung ứng châu Âu (ELC - European Logistics Centre).
Hà Lan có nguồn nhân lực hùng mạnh: 942.000 chuyên gia logistics (hơn 10% lực lượng lao động).
Thế mạnh của Hà Lan trong lĩnh vực logistics rất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam hiện nay.

“Trong logistics, thế mạnh của Hà Lan bắt nguồn từ tư duy tổng thể, tích hợp, đồng bộ. Các giải pháp của Hà Lan hướng đến sự hài hòa, chung sống với tự nhiên và bảo vệ môi trường sống, vì thế mà bền vững, tiết kiệm và tối ưu. Thực tế của Hà lan chính là thước đo hiệu quả của mô hình tổ chức, liên kết, tư duy, quy hoạch, vận hành, tất cả toát lên tính tính hợp, bao trùm của các giải pháp, tốt cho cả nền kinh tế và xã hội”, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện có nhiều doanh nghiệp lớn đã hoạt động tại Việt Nam trên dưới 30 năm, như Tập đoàn Royal Haskoning DHV (chuyên tư vấn kỹ thuật toàn cầu trong các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, hàng hải, công trình hạ tầng kỹ thuật, cao ốc và kỹ thuật xử lý nước), Tập đoàn Royal Boskalis Westminster N.V, (chuyên tư vấn, xây dựng những công trình lớn và phức tạp ngoài khơi, xây dựng hạ tầng cảng biển), Tập đoàn các trường Hàng hải và Giao thông vận tải Hà Lan (STC), Tập đoàn Damen Shipyards...
Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, các doanh nghiệp Hà Lan vẫn tin vào động lực tăng trưởng và triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp Hà Lan đã chung tay cùng Chính phủ ủng hộ trang thiết bị y tế phòng chống dịch trị giá 1,9 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp logisitics của bạn vẫn mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam đón đầu những cơ hội mới.
Hà Lan đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp, bao gồm dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải... Đây là kết quả của nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam đã phê chuẩn và đưa vào thực thi 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết cao của các bên tham gia như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hứa hẹn tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp và thương mại, nhờ thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn hơn.
Đi cùng với những hiệp định thương mại FTA, sự luân chuyển hàng hóa đến và đi từ Việt Nam đòi hỏi sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực logistics. Việt Nam không chỉ có vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á mà còn được coi là sự lựa chọn của nhiều nhà sản xuất quốc tế hiện nay, vì vậy việc phát triển dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu kho hàng hóa là rất cần thiết.
Việt Nam đang cần một hệ thống logistics toàn diện và đồng bộ như tại Hà Lan, từ quy hoạch đến xây dựng những công trình hạ tầng lớn; cần những dịch vụ xung quanh các trung tâm lớn như những mô hình thành công của Hà Lan trong airport, seaport và brainport, để phục vụ các tác nhân kinh tế hoạt động và phát huy hết hết hiệu quả. Lĩnh vực logistics tại Việt Nam cũng cần được đào tạo để có được phương pháp tư duy, tiếp cận đúng.
Ông Đào Trọng Khoa- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VLA đề xuất Việt Nam và Hà Lan thúc đẩy hợp tác cung cấp dịch vụ trong khu vực EVFTA.

Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VLA đề nghị Việt Nam và Hà Lan có thể hợp tác trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trong khu vực EVFTA, tận dụng Hà Lan như là một cửa ngõ cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu và ngược lại, coi Việt Nam là cửa ngõ đối với hàng xuất khẩu của Hà Lan vào ASEAN.
“Cần khuyến khích các doanh nghiệp logistics của Hà Lan đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm logistics của Việt Nam. Đồng thời, phát triển logistics trong nông nghiệp, logistics xanh đối với các cửa biển là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hà Lan rất mạnh. Vì vậy, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi”, ông Khoa đề xuất.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm