Hiệp hội doanh nghiệp

Hiệp hội Yến sào Việt Nam lên tiếng sau khi Bộ Nội vụ xem xét giải thể: Do lục đục nội bộ hay lợi ích nhóm bên ngoài công kích?

DNVN - Để làm rõ hơn nguyên nhân vì sao Hiệp hội Yến sào Việt Nam lại bị Bộ Nội vụ xem xét giải thể, khiến cho nhiều bà con nuôi yến hoang mang, lo lắng. Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Lê Thành Đại - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam về nguyên nhân sâu xa khiến cho Hiệp hội Yến sào Việt Nam có nguy cơ bị tan rã.

Yến ngoại kém chất lượng “đội lốt” hàng Việt tuồn vào thị trường, kéo giá yến sào Việt Nam rớt thê thảm / Bình Định: giám sát và tiêu hủy gần 6.000 hũ yến sào không đảm bảo chất lượng

Mới đây, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân không đồng ý với kiến nghị xem xét giải thể Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA) như thông báo kết luận của Bộ Nội vụ ngày 15/01/2020 do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn ký . Trước đó, ngày 15/01/2020, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo số 279/TB-TCPCP về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và thực hiện Điều lệ của Hiệp hội Yến sào Việt Nam. Tại Thông báo này, Bộ Nội vụ kết luận “Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về Hội và Điều lệ Hiệp hội. Bộ Nội vụ sẽ xem xét giải thể Hiệp hội Yến sào Việt Nam theo qui định của pháp luật”.

Cụ thể, Hiệp hội Yến sào Việt Nam được Bộ Nội vụ cho phép thành lập ngày 13/4/2017 đã tổ chức đại hội (lần thứ I, nhiệm kỳ 2017 - 2021 vào ngày 9/7/2017), nhưng không bầu Ban Kiểm tra, báo cáo có nội dung không đúng với thực tế đại hội, việc lưu trữ một số hồ sơ về hội viên còn thiếu.

Không đồng ý với kiến nghị giải thể Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Ban chấp hành Hiệp hội đã gửi đơn tới Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ngày 1/9/2020 vừa qua, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với Ban chấp hành Hiệp hội về nội dung trong đơn kiến nghị của Hiệp hội.

Ông Lê Thành Đại - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam.

Ông Lê Thành Đại - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam trả lời phỏng vấn trực tuyến Doanh nghiệp Việt Nam.

Để làm rõ hơn nguyên nhân vì sao Hiệp hội Yến sào Việt Nam lại bị Bộ Nội vụ xem xét giải thể, Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Lê Thành Đại - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam.

Hồi đầu tháng 1/2020, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo có nội dung sẽ xem xét đề nghị giải thể Hiệp hội Yến sào Việt Nam ? Ông có thể cho biết, vì sao Bộ Nội vụ lại có ý kiến như vậy ?

Ông Lê Thành Đại: Khi nhận được Thông báo của Đoàn thanh tra và kết luận của Bộ Nội vụ, tập thể Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam rất bất ngờ và bức xúc về những thông tin được nêu trong kết luận của Đoàn Thanh tra.

Theo chúng tôi, nội dung sai phạm mà Đoàn Thanh tra nêu ra là vi phạm qui trình và thủ tục hành chính là chủ yếu như:

Chương trình Đại hội thiếu nội dung bầu Ban Kiểm tra do đại hội bầu (theo Điều lệ thì Đại hội phải bầu Ban Kiểm tra), mà lại tiến hành bầu trong thời điểm ngày đại hội theo kịch bản có sẵn, mà Hiệp hội Yến sào Việt Nam không biết là sai quy trình, đến sau ngày đại hội mới biết. Khi báo cáo Bộ Nội vụ lại ghi bầu trong Đại hội. Vi phạm này Đoàn kiểm tra cho rằng vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì cố tình lừa dối Bộ Nội vụ và giả mạo hồ sơ gửi cho cơ quan nhà nước.

Ngoài ra còn một số sai sót khác như: Thay đổi các chức danh lãnh đạo trong Hiệp hội chưa thực hiện đúng qui trình và không phù hợp thẩm quyền của Ban Thường vụ. Thủ tục và thẩm quyền kết nạp Hội viên chưa đúng điều lệ (thẩm quyền kết nạp hội viên là Ban chấp hành). Công tác lưu trữ hồ sơ hành chính chưa đầy đủ và thiếu ngăn nắp.

Với các sai sót nêu trên, nhưng khi kết luận và kiến nghị thì không chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của từng lỗi vi phạm và yêu cầu tổ chức khắc phục trong một thời gian nhất định, mà lại vội vàng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét giải thể Hiệp hội. Theo tôi nhận biết thì đây là Bản kết luận kiểm tra không phù hợp với mục đích của công tác kiểm tra mà tôi đã từng học tại Học viện hành chính quốc gia.

Thật tình thì tôi cũng muốn biết lý do và đã cất công ra tận Hà Nội gặp lãnh đạo Bộ Nội vụ phụ trách thì được trả lời là do Hiệp hội có nhiều sai phạm như vậy nên tốt nhất là giải thể rồi thành lập lại Hiệp hội mới cho đàng hoàng hơn.

Việc giải thể Hiệp hội là một vết nhơ của ngành yến Việt Nam nói riêng và công tác quản lý, hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan nói chung, không ai muốn cho nó xảy ra. Vậy mà lãnh đạo Bộ Nội vụ lại tỏ ra sốt sắng và không hề thương tiếc, chúng tôi rất đau lòng về điều này.

Thưa ông, có thông tin cho rằng do mâu thuẫn nội bộ của Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam dẫn đến việc Hiệp hội bị kiến nghị giải thể, ông có ý kiến thế nào?

Về nguyên nhân sâu xa của việc Thanh tra dẫn đến kiến nghị giải thể Hiệp hội là có đơn tố cáo Hiệp hội và bị nhận xét là nội bộ mâu thuẫn mất đoàn kết, theo tôi được biết thì cũng có xảy ra, nhưng chỉ là chuyện cá nhân của một số ít người không đạt được mong muốn, như lời hứa ban đầu nên muốn làm to chuyện để hạ bệ nhau. Nhưng không ngờ nó lại đi quá xa và ảnh hưởng đến hàng ngàn hội viên và những người tâm huyết với nghề yến như vậy.

Trong thời gian chờ Quyết định giải thể Hiệp hội của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thì Hiệp hội có tiếp tục thực hiện vai trò hỗ trợ kỹ thuật, phòng chống nạn săn bắt chim yến và có những kiến nghị gì với Nhà nước về tình hình hỗn loạn của thị trường yến trong nước, cũng như biện phát mở rộng thị trường yến Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, thưa ông?

Từ đầu năm 2020, mặc dù nhận được thông tin sẽ giải thể Hiệp hội, nhưng chúng tôi không hề bi quan hay chán nản, vì tôi tin rằng Lãnh đạo Bộ Nội vụ nói riêng và lãnh đạo Chính phủ nói chung cũng đang rất quan tâm đến phát triển bền vững ngành yến.

Việc giải thể Hiệp hội trong lúc này không phải là biện pháp tích cực, vì vai trò của Hiệp hội thực sự là đang tiếp sức cho Nhà nước trong việc triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi và quy hoạch quản lý các vùng nuôi chim yến, tạo điều kiện pháp lý ổn định và phát triển bền vững ngành yến trong tương lai. Nhằm khai thác lợi thế về nguồn chim yến có chất lượng cao nhất trong khu vực và góp phần mang ngoại tệ về cho đất nước.

Chính vì niềm tin tưởng đó, nên vừa qua, Ban chấp hành Hiệp hội vẫn duy trì hoạt đông, tổ chức các hội nghị trực tuyến và hướng dẫn, phổ biến kiến thức cho Hội viên và các chủ nhà yến qua hệ thống Zalo, trang web của Hiệp hội, tổ chức vận động quyên góp ủng hộ 3.000 hủ yến cho đội ngũ y tế tham gia phòng chống dịch tại Đà Nẵng và sắp tới tại nhiều địa phuong khác.

Chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Công an quan tâm phối hợp với các địa phương kiểm tra và ngăn chặn tình trạng tư nhân núp bóng để câu kết với thuong nhân nước ngoài đưa nguồn yến kém chất lượng vào Việt Nam và tiến hành thâu tóm ngành yến Việt Nam để lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho các chủ nhà yến, người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo đơn kiến nghị của Hiệp hội Yến sào Việt Nam gửi đến Bộ Nội vụ, tính đến nay, Hiệp hội đã có hơn 308 Hội viên, thành lập được 36 chi hội và Ban vận động thành lập chi hội trên 43 tỉnh thành có nghề nuôi yến phát triển. Kịp thời đáp ứng tâm tư nguyện vọng của bà con nuôi yến cần được giao lưu, học hỏi, kết nối và cùng phát triển.

Ngày 13/4/2017, Hiệp hội Yến sào Việt Nam được Bộ Nội Vụ cho phép thành lập theo Quyết định số 1286/QĐ-BNV.

Hiệp hội Yến sào Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người nuôi chim yến được thành lập theo tinh thần tự nguyện và được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật. Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả, phát triển được nhiều Hội viên và mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người nuôi yến và Hội viên.

Gần đây, Hiệp hội đã có nhiều giải pháp kịp thời phối hợp với các ngành và địa phương trong việc bảo vệ đàn chim yến trước nạn săn bắt nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Ngoài ra, Hiệp hội còn giúp đỡ kỹ thuật, kiến thức cho bà con chăn nuôi yến và đóng góp trách nhiệm xã hội trên nhiều mặt trận. Hiệp hội Yến sào Việt Nam là tổ chức kết nối, dẫn dắt Hội viên và người nuôi yến tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước. Hiệp hội cũng là tổ chức thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và không đặt lợi ích kinh tế vào các hoạt động trong suốt thời gian qua; chúng tôi rất cần Hiệp hội như vậy để cùng kết tinh trí tuệ, nguồn lực phát triển ngành nuôi chim yến nhất là trong giai đoạn nghề nuôi chim yến trong nhà mới hình thành và phát triển như hiện nay.

Hiệp hội đã có nhiều đóng góp với các cơ quan ban ngành ở các địa phương trong các công tác tổ chức hội thảo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi yến, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách quản lý nghề nuôi yến ở các địa phương.

Hiệp hội đã kịp thời can thiệp và báo cáo tình hình bẫy bắt chim yến cũng như hợp tác cùng bà con nuôi yến, cơ quan ban ngành tại các địa phương để có biện pháp bảo vệ tổng đàn chim yến Việt Nam.

Hiệp hội là đầu mối trao đổi liên hệ giữa những người nuôi yến với nhau, giữa người nuôi yến với cơ quan quản lý nhà nước.

Không những thế, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã khẳng định sự hiện diện trên tầm quốc tế thông qua các chương trình trao đổi, liên kết và đã nhận được sự ủng hộ từ Hiệp hội yến sào các nước bạn như Hiệp hội Yến sào Malaysia, Hiệp hội Yến sào Indonesia, Hiệp hội Yến sào Thái Lan, Liên minh ngành công nghiệp Yến sào Trung Quốc…

Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội luôn vì mục tiêu liên kết, tạo sức mạnh cùng phát triển ngành yến Việt Nam. Hiệp hội đã tập trung vào xây dựng nhiều chương trình hành động rất hiệu quả và thiết thực cho Hội viên nói riêng và ngành yến nói chung. Hiệp hội cũng đã đóng góp được nhiều mặt tích cực cho công tác quản lý và phát triển ngành yến Việt Nam.


Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo