VPA cảnh báo một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị mất hàng hoá
Công ty Công nghệ Sinh học Ngân Hà: Vì sự phát triển dược liệu Việt / Mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Thủ đô
Thông tin cảnh báo từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA) đưa ra sáng 7/6 cho thấy, một số thành viên của Hiệp hội bị mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể, nhà nhập khẩu phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế, trong khi khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong được cân tại cảng theo phiếu cân tại cảng đều thể hiện hàng hóa đủ khối lượng tại thời điểm hạ tại cảng.
Theo điều tra nội bộ, doanh nghiệp xuất khẩu nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu. Việc thiếu hụt hàng hóa này làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng vào hệ thống logistics, vận tải biển của Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để tăng cường an ninh, bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng.
Để có cơ sở thông tin kiến nghị với các cơ quan chức năng và làm việc với các cảng vụ, VPA đề nghị các doanh nghiệp nào cũng có hiện tượng mất hàng hóa xuất khẩu cung cấp thông tin để Hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan bộ, ngành xem xét.
Theo Bộ Công Thương, từ cuối tháng 4 đến nay, giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh và điều chỉnh giá theo từng ngày. Khoảng giữa tháng 5/2024, giá hồ tiêu ở mức 120.000 đồng/kg thì đến cuối tháng 5 đã lên mức 127.000 - 129.000 đồng/kg. Đầu phiên ngày 7/6, giá tiêu ghi nhận kỷ lục mới ở mốc 145.000 đồng/kg
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định, chênh lệch cung cầu đang là nguyên nhân chính khiến giá tiêu tăng nhanh. Việt Nam, Indonesia và Brazil dự báo đều giảm sản lượng mùa vụ này vì ảnh hưởng bởi El Nino. Trong khi đó, các thị trường Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ có nhu cầu dự trữ cao.
Ngoài ra, nhiều năm trước, giá tiêu liên tục lao dốc khiến nhiều hộ trồng tiêu đã giảm một nửa diện tích, nhiều vườn lâu năm chặt bỏ, trồng sầu riêng và một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn khiến nguồn cung sụt giảm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo