Doanh nhân

Doanh nhân nên học gì từ văn hóa làm việc ở Đan Mạch

Văn hóa làm việc ở đất nước này mang đến nhiều bài học giá trị cho các startup ở bất cứ nơi đâu.

Đan Mạch luôn được xếp hạng cao trên Forbes và nhiều danh sách khác ở tiêu chí các nước tốt nhất cho kinh doanh. Điểm số cao cho sự minh bạch, tự do cá nhân và tiền tệ, sự cân bằng trong cuộc sống và công việc đã giúp Đan Mạch xếp thứ hạng cao trên nhiều bảng xếp hạng.

Văn hóa doanh nhân

Một trong số những lý do cho sự thành công là bởi chính sách của chính phủ và văn hóa xã hội. Văn hóa làm việc ở đất nước này mang đến nhiều bài học giá trị cho các startup ở bất cứ nơi đâu.

Christoffer Mallling, giám đốc quản lý của #CPHFTW (Copenhagen cho Win) và Gavin Moore, người đứng đầu của startup Betting Expert đã chia sẻ những điều trọng điểm ở Đan Mạch khiến các doanh nghiệp có thể thành công hơn:

Văn hóa doanh nhân

Làm việc nhóm. Văn hóa làm việc tại Đan Mạch tập trung vào hoạt động nhóm, chứ không khuyến khích việc đấu đá giữa nhân viên. Có thể tất cả mọi người cũng đều đang cạnh tranh nhưng cách thức thì lại không giống như các nước khác.

Việc thiếu sự cạnh tranh khốc liệt khiến môi trường làm việc ít căng thẳng và nhiều cơ hội hợp tác. Malling nói ở nơi đây mọi người đều quan tâm đến việc hỗ trợ nhau trong công việc vì nó đem lại lợi ích cho tất cả bọn họ. Nếu bạn có chính sách lao động hà khắc, bạn sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt. Điều này không có lợi cho các hoạt động làm việc nhóm, nhất là đối với các startup quy mô nhỏ.

Mùa đông ở Đan Mạch khá dài, mặt trời mọc lúc 9 giờ sáng và hoàng hôn bắt đầu lúc 4 giờ chiều. Điều kiện tự nhiên khiến ít nhất 6 tháng trong năm, các nhân viên dành tất cả thời gian ban ngày của họ với nhau. Nhân viên cũng như quản lý đều ăn trưa cùng một khoảng thời gian ở cùng một chỗ. Dường như họ không bận tâm lắm đến điều này. Bởi vì họ không cần dành thời gian nghỉ trưa để làm những việc cá nhân như nơi khác.

Không có cấu trúc thứ bậc. Moore chỉ ra rằng quản lý ở Đan Mạch thường ăn cùng nhóm của mình, các văn phòng đều được thiết kế mở. Moore nói: “Nếu như tôi muốn nói chuyện với quản lý của mình, tôi chỉ cần đến và vỗ vai ông ta. Chẳng có thư ký, cũng chẳng cần gõ cửa.”

Điều này loại bỏ hệ thống quản lý phân cấp giúp luồng thông tin chuyển từ trên xuống dưới tự nhiên hơn nhiều. Cấu trúc xã hội bình đẳng tạo nên giá trị bình đẳng giữa các cá nhân. Malling nói rằng điểm này được áp dụng vào văn hóa văn phòng khiến quan điểm và ý kiến được thu thập từ toàn bộ công ty, bất kể vị trí nào.

Tự chủ. Tư duy độc lập và tự chủ được đánh giá cao trong văn hóa kinh doanh của Đan Mạch hệt như làm việc nhóm. Dĩ nhiên cả hai đều có thể tồn tại đồng thời. Tự chủ có thể khiến nhân viên được tin tưởng và đánh giá cao hơn.

Các nhà quản lý lấy ý kiến trong hầu hết các công việc ảnh hưởng đến công ty. Malling nói các doanh nghiệp Đan Mạch khuyến khích nhân viên phát hiện vấn đề và cách thức để khiến công ty tốt lên.

Họ có thể đưa ra các giải pháp phù hợp dù cho đó có phải nhiệm vụ trực tiếp của mình hay không. Điều này khiến cho mỗi nhân viên đều trở thành một cổ đông của công ty, tiếng nói của mỗi người đều được lắng nghe và thấy rằng họ đang làm việc vì lợi ích của công ty.

Phong cách quản lý đầy quan tâm. Trợ cấp thất nghiệp hào phóng của Đan Mạch khiến các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn để giữ chân nhân viên. Malling cho rằng điều này tạo nên môi trường làm việc tốt hơn.

“Phong cách quản lý cứng rắn sẽ không đem lại hiệu quả. Bạn cần phải quan tâm đến nhân viên một chút. Ví dụ như biết tên bạn đời của họ và liệu họ có đứa trẻ nào chưa. Nếu không bạn sẽ không có được niềm đam mê của họ. Họ cần tin tưởng bạn như một người quản lý. Mọi người đều thừa nhận sếp là người đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về nó. Mối quan hệ thì lại khác. Nếu nhân viên không cảm nhận được bạn là người lãnh đạo tốt thì họ sẽ ra đi để lựa chọn một vị sếp tốt hơn.”

Cafebiz/Trí Thức Trẻ/Forbes

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo