Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Oanh: chưa bao giờ chán chuyện bếp núc
Xuất hiện trước mặt tôi là một người phụ nữ mảnh dẻ. Trên người chị là minh chứng sống động nhất cho những xu hướng mới đang làm mưa làm gió trên các sàn diễn thời trang: quần kaki đắp da lộn, tóc tết thấp xõa trước trán, trang sức kim loại với mặt hình rock metal cá tính… Thoạt nhìn Kim Oanh có vẻ giống một cô người mẫu, một tín đồ của thời trang chứ chẳng ai nghĩ chị là một nữ doanh nhân. Bà chủ của hệ thống Wrap and Roll đã khiến người đối diện phải “À! Ồ!” vì ngạc nhiên hết lần này đến lần khác trong lần gặp đầu tiên.
Kinh doanh từ suy nghĩ phá cách và hoài niệm
Kim Oanh gọi món trong chính nhà hàng của mình như một vị khách bình thường (mà tôi ngờ rằng cô bé phục vụ với khuôn mặt trẻ măng có lẽ chưa nhận ra bà chủ). Không có sự biệt đãi đặc cách nào, chị chờ đợi khá lâu để được phục vụ giữa buổi trưa đông khách và cuối cùng là thưởng thức một cách ngon lành. Nhìn chị say sưa dùng món ăn trong nhà hàng của mình và háo hức như một đứa trẻ được một miếng quà ngon, tôi hiểu vì sao Wrap and Roll lại đạt được thành công như ngày hôm nay. Chị yêu những thứ do mình tạo ra và cảm hứng đó đã được truyền cho những người bước chân vào Wrap and Roll.
“Tôi nghĩ đâu cần thiết phải xây dựng cho mình một khuôn mẫu theo cách số đông thường tưởng tượng ra. Đôi khi đi làm việc, tôi mặc quần jeans rách với áo sơ mi. Tôi thích sự năng động và biến thiên một chút trong cách ăn mặc nhưng đồng thời vẫn giữ được sự tinh tế. Đừng nghe nói tôi mặc quần jeans rách mà nghĩ tôi hầm hố, vì quần jeans rách đó được tôi phối với áo sơ-mi, với giày và túi hoặc là khăn choàng tinh tế sẽ trở nên rất thanh lịch”, chị thoải mái chia sẻ trước sự bất ngờ của tôi về phong cách thời trang. Và cái lý lẽ không thích áp mình theo khuôn mẫu có sẵn cũng là cách mà chị tạo nên Wrap and Roll cách đây 8 năm. Chị bảo: “Dù luôn có xu hướng thích sự mới lạ, khám phá nhưng tôi lại là người hoài niệm. Wrap and Roll là kết quả của cả hai yêu tố đó, phá cách và hoài niệm”.
Niềm đam mê dành cho công việc hiện nay có lẽ bắt đầu từ ngày chị còn là một cô bé. Gia đình Kim Oanh có truyền thống bán hàng ăn. Bắt đầu từ bà ngoại với gánh hàng ăn lớn nhất phiên chợ quê, cứ mỗi dịp hè chị lại được về thăm. Trong ký ức của chị vẫn còn in đậm khung cảnh chợ quê nơi bà ngoại bán hàng, giữa khu đất rộng có tường bao xung quanh chỉ có duy nhất một ngôi nhà mái ngói, sáng sớm dì nhóm lò khói bay lên lơ lửng. Những món ăn bà nấu đẹp, nên thơ và đương nhiên là ngon lành.
Đến lượt mẹ chị cũng làm việc ở một công ty dịch vụ ăn uống của quận thời bao cấp. Bà là phó cửa hàng trưởng còn chị là con út nên thường được theo mẹ đi làm. Trong suốt thời thơ ấu của chị có rất nhiều kỷ niệm dành cho căn bếp tập thể to đùng ấy.
“Thời bao cấp mọi thứ đều rất khó khăn, nhưng nhờ những bữa tiệc mẹ làm cho cán bộ nên tôi cũng may mắn được ăn ngon. Cái ký ức của trẻ con quan trọng lắm, nó nằm đâu đó trong suy nghĩ của mình. Nhưng thật lòng trong suốt thời niên thiếu, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm chủ nhà hàng. Thậm chí, năm 1998 khi vào Sài Gòn sinh sống và vùng vẫy giữa hằng bao nhiêu ý tưởng công việc, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ làm như mẹ và bà. Tôi thích giao tiếp và nghĩ mình hợp với ngành truyền thông, quảng cáo hơn là kinh doanh bếp núc. Cho đến một ngày mọi ký ức tuổi thơ với những hình ảnh đẹp, với gánh hàng ăn của bà, với gian bếp của mẹ quay trở lại cực kỳ mạnh mẽ, tôi nghĩ tại sao mình không làm việc mà bản thân có thể làm tốt nhất, gần gũi nhất và hiểu nó nhất. Tôi hình dung mình nấu nướng tại nhà ra sao trong những bữa ăn với những lời khen của bạn bè và người thân. Dù không thể ngồi tính toán xem khả năng thành công của ý tưởng là bao nhiêu nhưng tiềm thức mách bảo tôi rằng mọi thứ ở đều ở trong mình nên tôi cảm thấy rất lạc quan”, chị cười khi nhớ lại khoảng thời gian thai nghén Wrap and Roll.
“Nhưng tại sao lại là món cuốn?” câu hỏi kinh điển được rất nhiều người hỏi, đáp lại chị trả lời đơn giản: “Mẹ tôi làm bánh cuốn cực kỳ ngon và tôi cũng rất thích ăn bánh cuốn”. Kinh nghiệm mà chị có được về món ăn này là vào 2 năm cuối trung học khi miệt mài tráng bánh cuốn từ 5 giờ sáng mỗi ngày giúp mẹ trước khi đi học.
Nhưng chỉ bánh cuốn thôi chưa đủ. Kim Oanh bắt đầu tìm hiểu về những món cuốn ở cả ba miền và dần phát hiện ra sự phong phú. Rồi tình cờ chị gặp một đầu bếp người miền Nam vừa mới nghỉ việc ở một nhà hàng, chị chia sẻ ý tưởng về nhà hàng món cuốn của mình và rủ chị ấy đi một chuyến 10 ngày từ Nam ra Bắc. Tại nơi dừng chân, họ đến các nhà hàng nổi tiếng và các chợ lớn ngồi ăn rồi hỏi thăm các bà, các chị về món cuốn của vùng miền đó. Những ghi chép thú vị từ chuyến đi đó giúp chị tổng kết được gần một trăm món cuốn, trong đó có nhiều món cách làm giống nhau nhưng khác tên. Đó là nền tảng cho thực đơn 50 món cuốn đầu tiên của Wrap and Roll.
Điều chị nghĩ đến khi lập nên Wrap and Roll là muốn làm một cái gì khác. Và thực sự đúng như vậy, cách đây 7 năm, Wrap and Roll là một cú “hit” cho thị trường. Thời điểm đó hầu như chưa có ai dám nghĩ đến một nhà hàng không có món cơm, món nước. Buổi trưa thì ăn cuốn còn được, nhưng bữa tối không có cơm, không có món nước làm sao có thể no bụng? Chỉ gói và cuốn thôi nghe chừng đơn giản quá và chẳng có gì gần gũi với bữa cơm gia đình theo văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nhưng gần như cố chấp, Kim Oanh nhất định không đưa cơm vào, chị muốn định hình cá tính cho nhà hàng của mình.
Chị nhớ lại khoảng thời gian đó: “Tôi biết mình mạo hiểm, mình đang đi ngược đường nhưng tôi tin tưởng vào gu ăn uống của đối tượng khách hàng mình hướng tới. Họ hiện đại, họ hướng tới trào lưu ăn uống vì sức khỏe, ít protein, tinh bột. Tôi muốn tạo ra một phong cách ăn hơn là chỉ đơn thuần bán món ăn không. Ai vội thì gọi những món cuốn sẵn, ai có nhiều thời gian hơn thì gọi những món tự cuốn. Đó là một phong cách ăn đẹp với thực đơn thuần Việt trong một không gian hiện đại. Sau này khi Wrap and Roll đã trở thành hệ thống, tôi mới đưa cơm vào thực đơn để chiều chuộng thị hiếu của một số khách hàng nhưng vẫn giữ nguyên nền tảng cuốn”.
Không gian bài trí nhà hàng tâm huyết của chị Kim Oanh |
Luôn tự tay nấu bữa tối cho gia đình
Gần 8 năm điều hành chuỗi nhà hàng Wrap and Roll, thường xuyên tự vào bếp để cùng nhân viên làm món mới nhưng dường như chị chưa bao giờ chán chuyện bếp núc. Bằng chứng là chị vẫn đều đặn nấu bữa sáng cho con trai và bữa tối cho cả gia đình. Mỗi sáng, chị dậy từ 6 giờ, tập thể dục, làm bữa sáng cho con trai rồi mới bắt đầu ngày làm việc của mình.
Lột bỏ vẻ ngoài thời trang, sự năng động trong công viêc, chị thừa nhận ở một góc độ nào đó mình khá cổ điển. Chị yêu không khí gia đình với những bữa cơm đông đủ, đó là truyền thống của bố mẹ đã ảnh hưởng tới ba anh chị em chị. Nguyên tắc của bố mẹ chị là đến bữa cơm, gia đình phải luôn chờ nhau cùng ăn đông đủ.
Con trai chị năm nay 13 tuổi, từ khi mới 9 - 10 tuổi đã theo mẹ vào bếp nấu ăn. Giờ Duy đã nấu được một số món. “Duy chơi guitar rất giỏi, rất thích những công việc liên quan đến bàn tay, có thể chạm, sờ vào, cắt thái… Duy thích ăn ngon và thích tìm hiểu về những món ăn. Cho nên khi nấu một món ăn mới, bao giờ tôi cũng nói với con hôm nay mẹ nấu món này này, con muốn tham gia với mẹ không?”, mắt chị lấp lánh khi kể lại. Con trai chị đang lớn lên nhưng vẫn rất gần mẹ, có lẽ bởi căn bếp ấm áp và luôn sực nức mùi thơm của những món ăn mỗi ngày chị nấu. Đôi khi chỉ là để nhờ “con giúp mẹ cái này, giúp mẹ cái kia”.
Chị chia sẻ: “Tôi ít đi đâu vào Chủ nhật. Cả nhà sẽ cùng nhau xem phim hoặc làm gì đó. Tôi nghĩ mình đã chuyển động và bận rộn cả tuần cho công việc rồi thì phải có thời gian yên ắng cho gia đình và bản thân. Trong nhà tôi, bữa ăn tối Chủ nhật luôn đặc biệt, đây cũng là ngày tôi sẽ nấu những món ăn mới, lạ”.
Ngoài niềm yêu thích nấu nướng, Kim Oanh còn có niềm say mê “cổ điển” khác là đọc sách. Chị đọc sách đều đặn vào mỗi buổi tối và hầu như chưa bao giờ bỏ thói quen này. Không chỉ quan tâm đến sách về kinh doanh và nấu ăn, chị tiết lộ mình mê đọc sách về lịch sử và những bài luận, sách văn học Việt Nam. Với chị đọc giống như việc ăn cơm. Chị cần đọc để mở mang kiến thức, đọc để thư giãn trong thế giới của riêng mình và cũng để rũ bỏ bớt những căng thăng, mệt mỏi… mà chị phải mang vào mình suốt một ngày làm việc.
Và dù được rất nhiều tờ báo xem như một biểu tượng thời trang của giới nữ doanh nhân nhưng dường như thời trang chưa bao giờ là niềm say mê của chị. Chị thừa nhận mình không phải là tín đồ shopping, tủ quần áo của chị không nhiều. Khi quyết định mua một món đồ nào đó, chị luôn nghĩ xem liệu nó có thể phối với nhiều món đồ khác sẵn có hay không. Chị chia sẻ:“Tôi nghĩ cái thú vị nhất trong việc ăn mặc là phối đồ này với đồ kia chứ không phải mua nguyên một bộ chỉ việc mặc vào thế là xong. Những lúc phối đồ, tôi cảm thấy như được tư duy sáng tạo ngay ở góc riêng tư nhất của mình”. Dẫu vậy, sự tinh tế trong cách lựa chọn trang phục vẫn khiến chị luôn hợp thời trang và cá tính trong cách ăn mặc. Bên cạnh đó, Kim Oanh cũng thừa nhận chị không quá chú trọng đến việc làm đẹp ngoài việc tập thể dục. Chị không có thời gian đi spa đều đặn, rất ít trang điểm và chỉ thường đánh một chút son môi khi đi ra ngoài… Tuy vậy, đơn giản nhưng không có nghĩa là xuề xòa, cô hoa khôi ngày nào vẫn giữ cho mình không bao giờ bị chệch xa khỏi đường ray của các xu hướng thời trang. Đơn giản nhưng khác biệt, có lẽ chính cá tính này đã làm nên sự khác biệt cho chị và những gì chị tạo dựng.
Nguyễn Thị Kim Oanh đạt danh hiệu Hoa khôi Thể thao đầu tiên của Việt Nam 1993. Chị đi làm sớm từ năm 1992 tại một công ty liên doanh du lịch sau khi tốt nghiệp phổ thông. Một thời gian sau, chị lập gia đình, sinh con và giúp chồng quản lý Công ty sản xuất phim Đông Nam. 8 năm trước chị bắt tay vào xây dựng chuỗi nhà hàng Wrap and Roll (Gói & Cuốn), nhà hàng đầu tiên ở Việt Nam chuyên về các món cuốn Việt.
Sau 8 năm phát triển, hệ thống Wrap and Roll đã mở 6 chi nhánh tại TP.HCM và đầu tư vào 2 chi nhánh ở Hà Nội. Việc nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài được tiến hành từ năm 2010 với một cửa hàng Unite-franchise ở Sydney, Úc. Năm 2012, Wrap and Roll nhượng quyền thương hiệu Master-franchise ở Singapore, đến năm 2013 đã có 2 nhà hàng và năm nay thêm một cửa hàng thứ 3 cũng tại đảo quốc sư tử. Kế hoạch của đối tác ở Singapore là mở tổng cộng 8 nhà hàng trong 3 năm tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo