Đọc kỹ quy định để tránh mua đắt
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo trước khi tham gia, chủ thẻ nên đọc kỹ các điều khoản quy định để tránh những rắc rối về sau.
Anh Phạm Hoàng Minh, chủ thẻ tín dụng của NH HSBC VN, cho biết trong thời gian từ tháng 9-2014 đến tháng 1-2015 anh nhận được một tin nhắn từ NH với nội dung khi mua một vé xem phim tại CGV bằng thẻ tín dụng HSBC sẽ được miễn phí một vé, xem thể lệ chi tiết trên website của NH.
Tham gia chương trình, khách hàng phải nhắn tin về tổng đài để có cơ hội nhận mã quy đổi vé (mã code).
Không sử dụng dịch vụ vẫn trả phí?
Sau nhiều lần nhắn tin, vào tháng 1-2015 anh nhận được một mã quy đổi vé có giá trị trong ngày. Gọi lên tổng đài của NH hỏi, anh được biết mã đó có thể đặt vé cho mọi ngày trong tuần, nên đã lên rạp CGV để đặt vé cho ngày thứ sáu tuần đó - là ngày luôn có phim mới của tuần.
Tuy nhiên, nhân viên CGV cho biết mã quy đổi vé anh có trong ngày thứ hai, chỉ có thể xem các phim chiếu từ thứ hai đến thứ năm vì các ngày cuối tuần chưa có lịch chiếu.
Anh Minh đã gọi về tổng đài yêu cầu giải quyết việc đổi mã code khác để sử dụng đặt vé cho ngày thứ sáu, nhưng yêu cầu của anh không được giải quyết và anh chịu mất mã code đó.
Sự việc tưởng dừng ở đó thì đầu tháng 3-2015, anh Minh nhận được cuộc gọi từ nhân viên NH thông báo anh phải trả 115.000 đồng tiền phí dịch vụ vì anh nhận mã code mà không chi tiêu đủ 3 triệu đồng trong tháng 1-2015.
Mặc dù anh đã giải thích là không hề sử dụng được mã code này, tuy nhiên trong email gửi đến anh sau đó, nhân viên NH khẳng định đây là quy định của HSBC và anh vẫn phải trả khoản tiền này.
NH không chấp nhận bất kỳ lý do khiếu kiện nào. Đính kèm theo email là một bảng rất chi tiết điều kiện của chương trình.
Anh Minh cho biết theo quy định, số lượng ký tự tối đa trong một tin nhắn quảng cáo là 160 ký tự, nhưng khi nhắn tin cho khách hàng, NH đã cố tình bỏ thông tin về điều kiện hưởng ưu đãi nhận vé xem phim miễn phí.
“Có hay không việc NH cố tình nhắn tin ngắn hơn số chữ quy định để giấu thông tin điều khoản ràng buộc, khiến khách hàng hiểu nhầm là chỉ cần đem thẻ lên rạp mua vé là được hưởng ưu đãi?” - anh Minh đặt câu hỏi.
Cũng theo anh Minh, khi nhận tin nhắn từ NH anh đã hào hứng tham gia ngay mà không đọc kỹ các thể lệ nên không biết nếu không chi tiêu đến 3 triệu đồng sẽ phải trả một số tiền gọi là “thanh toán phí book vé CGV” trị giá 115.000 đồng/lần.
Nếu tính cả phí book vé, số tiền phải trả thực tế để mua hai vé xem phim lên đến 185.000 đồng (bao gồm 70.000 đồng là giá một vé cộng 115.000 đồng phí book vé), trong khi nếu chi tiêu bằng tiền mặt chỉ phải trả 140.000 đồng cho hai vé.
“Tôi đã nộp khoản phí này vì không muốn bị đưa vào danh sách nợ xấu nhưng có nhiều điều không rõ ràng. Cụ thể, trong tin nhắn NH gửi đến khách hàng ngoài một ghi chú đính kèm là xem thể lệ chi tiết trên website thì không còn thông tin nào khác, trong khi thực tế muốn nhận vé miễn phí này chủ thẻ phải thỏa mãn điều kiện về mức chi tiêu” - anh Minh nói.
Nhớ xem thể lệ chi tiết
Trong văn bản trả lời anh Minh, HSBC đã dẫn ra điều khoản và điều kiện của chương trình để khẳng định anh Minh không thỏa điều kiện yêu cầu của chương trình.
Do vậy dựa vào quy định, NH có quyền trừ vào tài khoản. Cũng theo HSBC, không có quy định nào buộc NH phải sử dụng hết 160 ký tự tối đa trong tin nhắn.
Vì vậy, NH không đưa vào tin nhắn những điều kiện để tham gia chương trình. “Tin nhắn được NH gửi đến khách hàng như là một thông báo về chương trình. Còn nội dung ưu đãi, cách thức tham gia cũng như các điều khoản và điều kiện đều được công bố trên website của NH” - HSBC khẳng định.
Đại diện HSBC cũng cho biết mọi chương trình của NH đều được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của NH Nhà nước.
Giám đốc bán lẻ một NH cổ phần có trụ sở tại Q.1 (TP.HCM) nói với những chương trình liên kết dạng này, NH ký hợp đồng với rạp chiếu phim, do vậy khi khách hàng nhận mã code, hệ thống đã trừ đi một vé miễn phí và khách hàng khác đã mất cơ hội nhận vé vì theo quy định, mỗi tuần chỉ có một số lượng vé miễn phí nhất định.
Đó là lý do vì sao NH vẫn trừ phí dù khách hàng không sử dụng mã code. Theo vị giám đốc này, khách hàng cần đọc và hiểu rõ các điều khoản của chương trình khuyến mãi trước khi tham gia.
“Vì nhiều lý do, những điều kiện này ít khi thể hiện trong tin nhắn gửi đến khách hàng, thay vào đó NH luôn kèm theo câu “xem thể lệ chi tiết tại website”.
Như vậy ngầm hiểu rằng những ưu đãi luôn đi kèm các điều khoản ràng buộc. Nếu không tìm hiểu kỹ, chẳng những không tiết kiệm được tiền mà còn bị mua đắt hơn so với chi trả thông thường” - vị giám đốc này nói.
Trong bối cảnh các NH cạnh tranh tung ra nhiều chương trình ưu đãi như hiện nay, theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, nếu chủ thẻ tín dụng biết sử dụng khéo léo thì rất có lợi vì có thể mua vé máy bay, đồ điện tử, mua sắm trên các trang web với giá rẻ hơn đến vài chục phần trăm mà không phải trả ngay do NH miễn lãi từ 45-55 ngày.
Số tiền lẽ ra phải thanh toán còn có thể sinh lãi nếu đem gửi NH... “Tuy nhiên, quan trọng nhất là khách hàng phải nắm rõ thông tin, tuân thủ các quy định của NH, đồng thời phải có chiến lược quản lý chi tiêu thẻ. Tránh tình trạng thua thiệt vì không nắm rõ luật chơi hoặc nhiều trường hợp “cà thẻ” để tranh thủ 45 ngày miễn lãi nhưng lại quên ngày thanh toán, dẫn đến không những không được miễn lãi mà còn bị phạt” - ông Minh nói.
Phải nắm rõ luật chơi
Chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho rằng khách hàng khó lấy lý do chưa đọc kỹ thể lệ để khiếu nại NH vì khi đưa ra bất kỳ chương trình nào, NH đều quy định thể lệ rõ ràng.
Chủ thẻ khi tham gia các chương trình khuyến mãi phải thực hiện theo đúng yêu cầu của chương trình.
Nếu thiếu bất kỳ điều khoản gì, NH đều không chấp nhận. Do vậy khách hàng phải đọc kỹ thể lệ để nắm luật chơi. Nếu chưa hiểu có thể gọi tổng đài hỏi kỹ thêm thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo