Góc nhìn

Đổi mới thể chế: Đừng để “nước chảy chỗ trũng”

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về cải cách thể chế tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014.

Bà Phạm Chi Lan tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 diễn ra tại TP. Hạ Long trong 2 ngày 28-29/4

Tồn tại của nền kinh tế - lỗi do thể chế

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014, diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra một số vấn đề “nổi cộm” cần phải tiến hành cải cách thể chế kinh tế.

Trong phần tham luận, bà Lan lo ngại trước sự dịch chuyển ngược của kinh tế Việt Nam mà trước đó đã được một số diễn giả đề cập tới trong phiên họp ngày thứ nhất.

Điều đáng nói, theo bà Lan, sự di chuyển ngược không chỉ diễn ra trong ngành nông nghiệp, mà biểu hiện là con số 70% lao động nông thôn tham gia làm công việc phi nông nghiệp; mà nó còn là những con số di chuyển ngược về phân bổ nguồn lực …

“Trong khi đó, Việt Nam lại đang đứng trước nhiều cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy tài nguyên, bẫy năng suất thấp, bẫy giá trị gia tăng thấp… Một trong số này, chúng ta đã mắc phải rồi và đang loay hoay tìm giải pháp”, bà Lan nói.

Tựu chung lại, theo bà Lan, tất cả những  tồn tại trên đều xuất phát từ sự… phản ứng của thị trường. Và sự phản ứng này lại là kết quả từ một nền thể chế còn nhiều vấn đề bất cập.

“Một nền thể chế lấy thành thích tăng trưởng là chính, không quan tâm đến chất lượng nên mới có sự dịch chuyển ngược về chỗ kém hơn, yếu hơn”, bà Lan nhấn mạnh.

Nói về sự “sính” thành tích hơn bề sâu tăng trưởng, bà Lan cảnh báo: “Nhiều người đang tự huyễn hoặc FDI đang chảy về khu công nghệ cao, mình thực sự có công nghệ cao hay không? Câu trả lời của tôi là không, Việt Nam lâu nay vẫn là nơi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư “low tech”,…”.

Dẫn lời TS. Trần Du Lịch trong phiên họp ngày thứ nhất, bà Lan thấy “đáng suy nghĩ” về con số 8% giá trị gia tăng của Công ty Samsung vào Việt Nam. “Như vậy, sản xuất điện thoại chưa chắc giá trị đã tạo được ra nhiều giá trị hơn các chị em ngồi đạp máy khâu may mặc”.

Trong khi đó, những "mảnh đất đẹp" nhiều địa phương vẫn có thói quen để dành đón chào các nhà đầu tư nước ngoài, vậy thì nhất thiết phải có cơ chế để những gì Việt Nam nhận được tương xứng với những gì họ mang về nước họ, bà Lan kiến nghị.

Đổi mới thể chế, đừng để “nước chảy chỗ trũng”

Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp tư nhân hiện đang chịu nhiều thiệt thòi. Đổi mới thể chế kinh tế, nhất thiết phải chú trọng vào đối tượng này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Lan phân tích, xem danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay toàn là các đại gia bất động sản.

“Giá như có vài đại gia “nổi” lên từ công nghệ thì tốt. Đằng này toàn đại gia đất đai, phải chẳng là “nước chảy chỗ trũng”.

Vấn đề đổi mới làm sao để Việt Nam có những đại gia lớn mạnh thực sự, chứ không phải chỉ có đại gia bất động sản và doanh nghiệp nhỏ và vừa cứ dần nhỏ li ti đi mãi”, bà Lan băn khoăn.

Cùng quan điểm với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, đại biểu Phạm Chi Lan đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của xã hội dân sự trong cải cách thể chế kinh tế.

Bà Lan kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế để lắng nghe tiếng nói thực sự của dân, làm sao để người dân được nói nhiều hơn.

“Đại biểu tiếp xúc cử tri còn hình thức lắm. Đã ngần này tuổi nhưng tôi chưa một lần được tiếp xúc với đại biểu tôi bầu với tư cách là cử tri bình thường. Nhiều vị trong số những danh sách những người tôi bỏ phiếu, tôi còn không nhớ cả tên”, bà Lan nói.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo